Nhỏ bé tựa búp bê?

19/03/2016 - 18:29

PNO - Từ khi nào và bằng cách nào, người phụ nữ được ví như búp bê, với tất cả những đặc tính đáng yêu lẫn đáng thương: xinh xắn, nữ tính, yếu đuối...?

Cách đây 10 năm, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ viết bài Nhỏ bé tựa búp bê, nhẹ nhàng mà thẳng thắn bày tỏ:

Cuộc đời bao nhọc mệt

Cuộc đời bao dịu êm

Người đàn bà bước lên

 Người đàn bà lùi lại

Này tôi ơi, có phải

Làm một người đàn bà

Người ta phải nhỏ bé

Nhỏ bé tựa búp bê

Mới dễ dàng hạnh phúc?

Từ khi nào và bằng cách nào, người phụ nữ được ví như búp bê, với tất cả những đặc tính đáng yêu lẫn đáng thương: xinh xắn, nữ tính, yếu đuối, nhỏ bé? Hầu hết những đứa trẻ đã lớn lên theo cùng một cách: bé gái chơi búp bê, bé trai có anh hùng, siêu nhân, có ô tô, máy bay… Có lẽ mọi người đã ngầm tin tưởng: con gái là vậy đó, xinh đẹp, nhún nhường; con trai thì khác, phải ước mơ những điều lớn lao, phải mạnh mẽ… Lật ngược nếp nghĩ này, hay chí ít chỉ băn khoăn như nhà thơ, là ta đã bước ngay vào lãnh địa của những tranh luận bình đẳng giới đang nóng bỏng ở nhiều nơi. Dù bình đẳng giới đã được lồng ghép vào nhiều quy tắc của đời sống xã hội (Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ của Liên Hiệp Quốc, Luật Bình đẳng giới…), thì đó vẫn là một câu chuyện lớn, khó đi vào khí quyển nhỏ của những gia đình. Phụ nữ, nhìn chung, vẫn ít tự vấn về cuộc sống của mình.

Nho be tua bup be?
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Tự nhiên sinh ra có anh là nam, em là nữ, nhưng chính trật tự xã hội mới có thể quy ước: em là búp bê, anh là siêu nhân. Chúng ta đã chấp nhận trật tự ấy một cách tự nguyện và không thắc mắc, vì đó là bài học đã bắt rễ trong tâm thức, được ấn định trong tổ chức hôn nhân và gia đình, công việc và kinh tế, chính trị, tôn giáo, nghệ thuật, văn hóa, hay chính trong ngôn ngữ hàng ngày. Người phụ nữ có thể tiến lên, nhưng rồi lại lùi về để nhận lương thấp hơn cho vị trí tương đương nam giới, bị ngăn chặn cơ hội thăng tiến khi năng lực ngang nhau, phải làm nhiều việc hơn hẳn trong gia đình khi có cùng số giờ làm việc ngoài xã hội với nam giới, bị loại ra nếu phải lựa chọn nam hay nữ được đi học tiếp; bị bạo hành, bị quấy rối tình dục (ngay cả poster phim khiêu dâm cũng thường chỉ để hình bìa là nữ)…

Một quy chuẩn hạnh phúc được dựng nên từ cách đàn ông và đàn bà ở khắp mọi nơi hành xử và củng cố cho trật tự đó thành một thiết chế khó thách thức. Nhưng, nghĩ theo chiều ngược lại, thì chính đàn ông và đàn bà sẽ cù ng thay đổi nó. Không như nhận thức về giới tính, được chi phối bằng bản năng, muốn có nhận thức về giới, hướng tới bình đẳng giới, phụ nữ cũng như nam giới cần phải học. Quá trình học tập khơi dậy mong muốn tiến bộ và ý thức khẳng định bản thân. Có thể không có khoảng cách lớn về nhu cầu giữa một nữ tiến sĩ và một nữ công nhân, bởi cả hai đều đơn giản mong mình được hạnh phúc.

Nhưng cũng có thể khoảng cách đó là khá lớn, khi một bên mong mình được tiến bộ, còn một bên bằng lòng với vị trí hiện tại. Người phụ nữ “búp bê” cũng mong muốn những điều thiết yếu (hạnh phúc, sống tốt, vui vẻ…), nhưng còn những nhu cầu chiến lược, như tiến bộ? Người phụ nữ trăn trở mình nhỏ bé tựa búp bê không phải vì muốn mình thành siêu nhân, không phải để được sống như phái kia, mà là mong mỗi bên được đánh giá, ghi nhận, đối xử xứng đáng với những gì mình làm. Đó là một thứ triết lý tự do chứ không phải một bộ luật nghiêm khắc và sòng phẳng. Phụ nữ và nam giới nên được đối xử công bằng không phải vì họ như nhau, mà vì họ khác nhau một cách tự nhiên.

Năm 1949, khi phần đông phụ nữ và đàn ông trên thế giới vẫn trong tình trạng “mù giới”, thì Simone de Beauvoir - một nữ nhà văn, nhà tư tưởng người Pháp - xuất bản cuốn Giới tính thứ hai, nói về vị thế của phụ nữ trong xã hội phương Tây lúc đó, chỉ ra đàn ông là những kẻ hành động, đàn bà là những kẻ phản ứng; đàn ông là giới tính thứ nhất, đàn bà là giới tính thứ hai. Bà viết “Người ta không sinh ra là đàn bà mà đúng hơn là trở thành đàn bà…; chính toàn thể nền văn minh đã sản sinh ra tạo vật này… cái được mô tả như nữ tính”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI