Nhật kí cán bộ Hội: Hoạn nạn không tự tránh bất kì ai, hãy vì nhau khi còn có thể

04/02/2020 - 13:39

PNO - Cả ngày tôi chạy xe qua nhiều quận, ghé các nhà thuốc và bất lực trước thông báo: hết khẩu trang rồi.

Khởi đầu năm Canh tý 2020 là khoảng thời gian kì lạ. Tôi nghĩ như vậy bởi trong một đoạn ngắn của đời người này mình đã trải qua đủ cung bậc xúc cảm hỉ, nộ, ái, ố. Đợt cuối tháng Chạp, khi báo đài bắt đầu đưa tin về dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus cororna (nCoV), thật tình, tôi nghe tên lạ quá, chưa hiểu gì mấy, nghĩ chắc bệnh cảm thông thường thôi. Hỏi chuyện chị em cùng khu phố thì mọi người cũng vậy. 

Tặng khẩu trang y tế và hướng dẫn bà con cách pha dung dịch rửa tay nhằm phòng tránh bệnh.
Tặng khẩu trang y tế và hướng dẫn bà con cách pha dung dịch rửa tay nhằm phòng tránh bệnh.

Rạng sáng 31/1, Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế. Hoang mang. Lo lắng. Sợ hãi. Ý thức rằng, tai ương này không chỉ ở Vũ Hán xa xôi mà ngay sát bên cạnh mình rồi. Tôi ngồi thật lâu ngoài cửa nhà, nghĩ xem sẽ làm gì đây. Khẩu trang thường ngày nhà vẫn mua, cho hai con đi học, vợ chồng tôi đi làm. Thật may khi các con rất hợp tác, mẹ dặn đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và đừng khạc nhổ bậy bạ; không ra phố đi bộ Nguyễn Huệ, Thảo Cầm Viên, phố Ông đồ để giữ cho mình cũng và cũng là giữ cho người. Rồi nhìn ra đường, ngoài kia vẫn đang hối hả, các chị đi thu gom ve chai, các bác tài xe ôm, em bé bán vé số đội nắng gió mưu sinh và thật hớ hênh trong khoản che chắn bản thân giữa nỗi lo nCoV. Vậy là tôi gọi cho chị em cán bộ Hội trong phường, rủ nhau hùn tiền mua khẩu trang y tế tặng bà con.

Khu vực các chị phát khẩu trang y tế và hướng dẫn pha dung dịch rửa tay.
Khu vực trước UBND phường An Phú, quận 2, nơi các chị phát khẩu trang y tế và hướng dẫn người dân pha dung dịch rửa tay.

 

Tác giả (bìa phải) chia sẻ khẩu trang y tế mua được với anh chị em đang công tác tại phường.
Tác giả (bìa phải) chia sẻ khẩu trang y tế mua được với anh chị em đang công tác tại phường.

Mua khẩu trang bây giờ thật khó. Tôi chưa từng trải qua cảnh này, chạy xe loanh quanh nhiều quận, ghé các nhà thuốc, khai số điện thoại, xếp hàng chờ đợi cả giờ đồng hồ rồi bất lực trước thông báo: hết khẩu trang. Mấy chị em kiên trì suốt chiều 1/2 và cả ngày 2/2 mới có được 1.000 cái. Sáng sớm 3/2, chúng tôi đặt điểm phát khẩu trang y tế này tại nhà chị Nguyễn Thị Ba, ở tổ 26, khu phố 3, phường An Phú, quận 2. Vèo cái là hết. Cập nhật tin tức qua báo, đài, dịch nCoV vẫn diễn biến phức tạp, số người nhiễm bệnh ngày càng tăng tại Trung Quốc và các quốc gia khác. Ở Việt Nam tới ngày 3/2 cũng ghi nhận 8 ca. Định rủ chị em hùn tiền mua khẩu trang y tế tiếp thì anh Phạm Thanh Phương - Chủ tịch UBND phường An Phú - nói để anh lo từ tiền cá nhân, giờ mình tìm nguồn mua cái đã. Lại xách xe tìm mua và lại thất vọng trước những dòng thông báo: hết khẩu trang. Nhưng lại nghĩ trong tai ương, mình thương mình và cũng thương người, không làm được gì nhiều thì chung tay chống dịch bằng cách nào có thể.

Trong nỗi lo nCoV, dường như mọi người đang xích lại gần nhau hơn, cùng ứng phó, cùng chỉ nhau cách phòng chống dịch hiệu quả nhất.
Trong nỗi lo bệnh dịch dường như mọi người đang xích lại gần nhau hơn

Thường ngày, hộp khẩu trang mấy chục ngàn, giờ tôi mua tới trăm hai, lại còn phải kiếm đỏ con mắt mới có.  Nghĩ cũng buồn vì cái sự đội giá trong tình cảnh này. Nhưng thôi, mình muốn chia sẻ với bà con thì quyết làm ngay, không lăn tăn gì cả.

Tới trưa 3/2, anh chị em trong phường đã phát được 6.000 khẩu trang y tế cho bà con lao động nghèo, công nhân các khu nhà trọ. Dịch còn, mình còn lo. Tôi mới bàn với các cô may 100 khẩu trang vải tặng mọi người, vì khẩu trang y tế dùng một lần rồi bỏ, ngày đổi mấy cái cũng bộn tiền. Các bác sĩ nói khẩu trang vải giặt ủi sạch sẽ dùng lại vẫn được. Vậy thì, mình may tặng bà con thôi. Hoạn nạn không tự tránh bất kì ai, hãy vì nhau khi còn có thể.

Nguyễn Thị Kim Phượng

Chủ tịch Hội LHPN phường An Phú, quận 2.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI