Nhật Bản: Giáo viên kiệt quệ vì làm việc quá sức

30/04/2023 - 14:06

PNO - Giáo viên ở Nhật Bản phải làm việc ngoài giờ hơn 95 tiếng đồng hồ mỗi tháng, vượt quá giới hạn tiêu chuẩn về sức khỏe do Bộ Y tế quy định.

 

Nhiều giáo viên ở Nhật Bản không còn mặn mà với công việc dạy học do thu nhập thấp và phải làm thêm quá nhiều - Ảnh:
Nhiều giáo viên ở Nhật Bản không còn mặn mà với công việc dạy học do thu nhập thấp và phải làm thêm quá nhiều - Ảnh: Kyodo 

Giờ dạy học kéo dài, lương thấp, môi trường làm việc khắt khe cùng hàng núi công việc hành chính giấy tờ phải thực hiện đang là những nguyên nhân chính khiến cho đời sống của đội ngũ giáo viên trên khắp Nhật Bản ngày càng trở nên khó khăn. Điều này cũng làm cho nhiều thầy cô giáo không còn mặn mà để theo đuổi “sự nghiệp trồng người” của mình.

Hãng tin Nihon Keizai dẫn một báo cáo phát hành đầu năm 2023 cho biết, hiện vẫn còn gần 2.800 vị trí giáo viên cần tuyển dụng cho các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên toàn quốc, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài sự thiếu hụt đáng lo ngại nói trên còn có một con số kỷ lục khác: gần 6.000 giáo viên đã nghỉ việc vì các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần trong năm 2021, trong đó có gần 3.000 giáo viên thuộc cấp tiểu học và trung học cơ sở.

Trung bình, một giáo viên bậc trung học ở Nhật Bản có thu nhập khoảng 3.000 USD (tương đương khoảng 70 triệu đồng)/tháng. Mặc dù đây được xem là mức lương hợp lý, tuy nhiên, nhiều giáo viên nhận thấy thu nhập của họ không tăng kịp so với mức lạm phát khiến giá lương thực, nhiên liệu và nhu yếu phẩm tăng cao trong suốt 18 tháng qua.

Một trong những điều khiến phần lớn giáo viên phàn nàn chính là thời gian làm việc của họ kéo dài. Giáo viên thường phải có mặt ở trường trước khi lớp học bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng và ở lại rất muộn sau khi học sinh về nhà “để lập kế hoạch bài học, chấm bài tập của học sinh và hoàn thành các thủ tục giấy tờ theo quy định của Bộ Giáo dục và cơ quan giáo dục địa phương khiến chúng tôi luôn trong tình trạng kiệt sức”, một nữ giáo viên cho biết.

Một nghiên cứu được Bộ Giáo dục thực hiện và công bố hồi tháng 1/2023 cho thấy, giáo viên ở Nhật Bản phải làm thêm trung bình 95 giờ 32 phút/tháng. Nếu đối chiếu với tiêu chuẩn của Bộ Y tế về việc người lao động có nguy cơ bị “hội chứng karoshi” (tử vong do làm việc quá sức) khi phải làm thêm hơn 80 giờ/tháng thì giáo viên có thể được đưa vào nhóm "cần phải báo động đỏ".

Mức ngân sách chi cho giáo dục của Nhật Bản bị cho là tụt hậu do với các quốc gia phát triển khác trên thế giới - Ảnh:
Mức ngân sách chi cho giáo dục của Nhật Bản bị cho là "tụt hậu" do với các quốc gia phát triển khác trên thế giới - Ảnh: Kyodo 

Liên đoàn Giáo viên Quốc gia Nhật Bản (NTFJ) cho biết, hơn 12% giáo viên đã yêu cầu ban giám hiệu nhà trường giảm bớt khối lượng công việc của họ bằng cách tuyển dụng thêm giáo viên và giảm quy mô lớp học.

“Tuy nhiên, do nguồn kinh phí phân bổ cho giáo dục bị thiếu hụt nên chúng tôi vẫn chưa thể thực hiện được giải pháp mang tính thực tế này”, bà Keiko Uchida, một quan chức thuộc NTFJ lý giải với hãng tin Bưu điện Hoa Nam buổi sáng.

Một giáo viên công tác lâu năm trong nghề nhận xét rằng, Nhật Bản hiện đang tụt hậu so với nhiều quốc gia phát triển khác khi nói đến việc tài trợ cho giáo dục bởi trong số 38 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chỉ có Hungary là chi ít ngân sách hơn cho giáo dục và nghiên cứu so với Nhật Bản.

Do chi phí sinh hoạt ngày càng tăng trong khi mức lương vẫn giậm chân tại chỗ, vì vậy, có không ít giáo viên ở Nhật Bản hiện đang phải “chân trong chân ngoài” với các loại công việc bán thời gian khác nhau ngoài giờ lên lớp để có thêm thu nhập chi trả cho xấp hóa đơn dày cộp mỗi tháng.

Nguyễn Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI