Người tiêu dùng Việt lạc quan top đầu khu vực

24/10/2020 - 19:43

PNO - Có 81% người Việt cân nhắc kỹ lưỡng hơn khi mua sắm, ưu tiên những sản phẩm thiết yếu; 45% người dân giảm chi tiêu cho các hoạt động bên ngoài.

Theo công bố mới nhất của Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos đánh giá hành vi NTD (NTD) thay đổi như thế nào sau khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại vào hồi tháng 7/2020, người dân Việt Nam lạc quan hơn về tương lai khi 55% cho rằng nền kinh tế sẽ tốt lên trong 6 tháng tới (so với 45% mặt bằng chung của 6 nước trong khu vực Đông Nam Á).

Bên cạnh đó, trên 60% cho rằng thu nhập hộ gia đình sẽ được tăng lên, trong đó mức phục hồi tốt hơn thuộc nhóm có thu nhập cao (66%). Khi Ipsos thực hiện khảo sát vào tháng 7, có đến 90% người dân nói rằng thu nhập hộ gia đình bị giảm nhưng kết quả khảo sát trong tháng 9 cho thấy, con số này đã giảm xuống dưới 80%.

Nghiên cứu được thực hiện từ 18 – 22/9/2020 trên phạm vi các nước: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thailand, Việt Nam.

Mặc dù lạc quan nhưng người Việt vẫn lo lắng liệu công việc có ổn định hay không, do đó có tới ½ người tham gia khảo sát nói là họ chưa tự tin để thực hiện các mua sắm lớn. Các hoạt động đầu tư cũng đưa vào hạng mục cắt giảm. Đến 81% NTD cho rằng họ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng hơn khi mua sắm.

Chính vì vậy, họ tiếp tục ưu tiên cho những thứ thiết yếu như ăn uống tại nhà, chăm sóc nhà cửa, vật dụng thiết yếu cho cá nhân (44%). Chi tiêu cho giải trí và hưởng thụ tiếp tục giảm (45% giảm chi tiêu cho các hoạt động bên ngoài nhà).

Sau hai lần dịch COVID-19, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, ưu tiên hàng thiết yếu
Sau hai lần dịch COVID-19, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, ưu tiên hàng thiết yếu

Tuy thu nhập bị ảnh hưởng và NTD cân nhắc kỹ lưỡng khi mua sắm nhưng có đến 80% vẫn tiếp tục lựa chọn thương hiệu họ thường mua. Điều này cho thấy vai trò của thương hiệu và tình yêu thương hiệu càng được khẳng định.

Có tới 20 – 30% NTD lựa chọn sản phẩm khác thay thế nhưng vẫn là của thương hiệu yêu thích. Tỷ lệ những người lựa chọn thương hiệu khác thay thế là dưới 20%. Đây là cơ hội để thương hiệu đẩy mạnh việc kết nối với NTD và giới thiệu sản phẩm phù hợp với thói quen mới của họ.

Lối sống được thiết lập từ giai đoạn giãn cách lần thứ nhất vẫn tiếp tục được duy trì: NTD tiếp tục ở nhà nhiều hơn, lựa chọn kỹ hơn các điểm đến, duy trì lối sống lành mạnh và duy trì kết nối online.

Tương tự như đợt khảo sát hồi tháng 5/2020, người Việt sẵn sàng quay trở lại các hoạt động bên ngoài như đi ăn nhà hàng, tham gia sự kiện hay thăm bạn bè trong quý 4. Tuy đã sẵn sàng, 73% NTD dự định sẽ giảm tần suất các hoạt động mua sắm và giải trí.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos, điều này có nghĩa là NTD sẽ lựa chọn kỹ hơn về nơi họ đến và các doanh nghiệp vẫn cần phải tiếp tục cố gắng để nằm trong sự lựa chọn của NTD.

Các hoạt động du lịch vẫn chưa khởi sắc cho tới khi bước sang năm mới và du lịch nước ngoài sẽ còn chậm trễ hơn vì phần lớn không có ý định đi trước mùa hè năm sau.

Hành vi người tiêu dùng Việt thay đổi sau hai đợt dịch COVID-19
Hành vi người tiêu dùng Việt thay đổi sau hai đợt dịch COVID-19

Người Việt tiếp tục duy trì một lối sống khỏe mạnh hơn qua việc ăn uống, bổ sung dưỡng chất, tập luyện thể dục; bớt rượu bia và thuốc lá.

Khi ở nhà nhiều hơn, người Việt  tiếp tục kết nối trực tuyến nhiều hơn. 61% tiếp tục tương tác trên Facebook; 59% theo dõi bản tin trên truyền hình và 54% xem các chương trình giải trí trên truyền hình. Tỷ lệ xem tin tức trực tuyến vẫn ở mức cao 59%.

Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos đánh giá năm 2020 diễn ra với nhiều bất ngờ, nhiều thay đổi và không ai dám dự đoán chắc chắn tình hình COVID-19 sẽ ra sao trong thời gian tới. Nhưng có một điều chắc chắn là những thay đổi trong cách sống đang diễn ra sẽ trở thành thói quen mới.

Vì vậy, các doanh nghiệp sẽ cần đón nhận sự thay đổi và tạo ra cơ hội cho chính mình bằng cách khuyến khích, tạo điều kiện cho NTD có được một lối sống lành mạnh; nhanh chóng điều chỉnh chiến lược để nắm bắt nhanh thói quen mới về mua sắm trực tuyến, và cách tìm kiếm thông tin – mua sắm đa kênh, chúng ta thường gọi là omni-channel; đầu tư, xây dựng nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt để tạo sự thuận tiện cho người dùng; giữ kết nối với NTD, giới thiệu sản phẩm phù hợp với thói quen mới.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI