Người học nghề sẽ được học văn hóa, kỹ năng và tạo điều kiện tiếp cận việc làm

22/05/2025 - 15:13

PNO - Chính sách đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân.

Khóa học nghề may công nghiệp của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An - Ảnh: Nguyễn Phương
Khóa học nghề may công nghiệp của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An - Ảnh: Nguyễn Phương

Ngày 22/5, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ đang triển khai xây dựng Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN, sửa đổi), thực hiện theo Nghị quyết số 51/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 77/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự thảo nhằm thể chế hóa các định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Dự kiến có 5 chính sách lớn sẽ được thể chế hóa trong Dự thảo Luật GDNN sửa đổi. Trong đó, chính sách đổi mới hệ thống GDNN đặt trọng tâm vào việc hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân. Dự thảo đề xuất hình thành chương trình trung học nghề tích hợp dạy văn hóa và năng lực nghề nghiệp, đẩy mạnh phân luồng, xây dựng mạng lưới cơ sở GDNN tinh gọn, hiệu quả.

Việc đổi mới chương trình, tổ chức đào tạo và bảo đảm chất lượng GDNN cũng được chú trọng. Dự thảo đề xuất đa dạng hóa hình thức và thời gian đào tạo, cấp văn bằng linh hoạt, cập nhật nhanh chóng các tiêu chuẩn công nghệ mới. Việc nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt ở bậc cao đẳng, sẽ được thực hiện thông qua hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ (IQA) và cơ chế giám sát bên ngoài, đồng thời chuẩn hóa cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo và đội ngũ giảng viên.

Một điểm mới đáng chú ý là việc thu hút doanh nghiệp và đầu tư nước ngoài vào GDNN. Luật sẽ bổ sung chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo, giảng dạy nghề, gắn kết giữa đào tạo và thực tiễn sản xuất, cũng như tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Dự thảo Luật cũng nhấn mạnh đổi mới cơ chế tài chính theo hướng công khai, minh bạch, dựa trên chất lượng và hiệu quả. Theo đó, các cơ sở GDNN sẽ được tăng quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình; người học được hỗ trợ học phí hợp lý, học bổng và chính sách tài chính phù hợp để tiếp cận GDNN thuận lợi hơn.

Cuối cùng, chính sách đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cải cách hành chính trong quản lý nhà nước về GDNN được xem là yếu tố quan trọng nhằm tăng tính tự chủ, giảm rào cản, đơn giản hóa thủ tục và nâng cao hiệu quả quản lý. Dự thảo đề xuất kết hợp kiểm soát “tiền kiểm” và “hậu kiểm”, đặc biệt trong các ngành nghề đặc thù như y, dược.

Với định hướng đổi mới toàn diện từ hệ thống, chương trình, tổ chức đến quản lý và tài chính, Dự thảo Luật GDNN sửa đổi được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá, xây dựng hệ thống đào tạo nghề hiện đại, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhân lực của nền kinh tế trong thời kỳ chuyển đổi và hội nhập mạnh mẽ.

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI