Ngồi xuống đây, thong thả nhấp ngụm trà chiều

26/09/2017 - 13:00

PNO - Trà chiều Anh quốc thuở sơ khai không hề có thìa xúc đường, tách, hay ấm. Những gì chúng ta thấy ngày hôm nay, thực chất là một sự vay mượn từ nghi thức uống trà của người Trung Quốc.

Nhắc đến nước Anh, chúng ta sẽ hình dung về một xứ sở sương mù, những gương mặt lạnh lùng và có cách uống trà không thể “quý tộc” hơn. Tiệc trà chiều là một cái gì đó rất “Ăng-lê”, mang đậm dấu ấn riêng trong nền văn hóa chung của Anh quốc. Nhưng có một bí mật thú vị đằng sau thói quen uống trà chiều của người Anh mà không phải ai cũng biết. Đó là văn hóa đậm chất Ăng-lê này lại bắt nguồn từ một phụ nữ Bồ Đào Nha: con gái vua Bồ Đào Nha John Đệ tứ - công chúa Catherine của xứ Braganza.

Ngoi xuong day, thong tha  nhap ngum tra chieu
 

Vào năm 1662, công chúa Catherine đã chinh phục trái tim vua nước Anh Charles II để trở thành Nữ hoàng Anh, Scotland và Ireland, bằng một khoản hồi môn đồ sộ gồm vàng bạc, châu báu cùng quyền cai quản hai cảng Tangiers và Bombay. Không chỉ trở thành tâm điểm của sự chú ý trong hôn lễ hoàng gia, mà kể từ đó, những gì thuộc về nữ hoàng Catherine như phục trang, nội thất, thậm chí thói quen uống trà của bà cũng đều được công chúng coi như trào lưu.  

Ngoi xuong day, thong tha  nhap ngum tra chieu
 

Theo ghi chép từ tài liệu lịch sử hoàng gia, khi về “làm dâu xứ người”, công chúa Catherine cũng không quên mang theo thức uống ưa thích của mình, như một phần giá trị trong số hồi môn quý giá của bà. Đó là những túi trà phơi khô.

Những phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu ngay lập tức bắt chước thói quen uống trà chiều của nữ hoàng, và biến nó thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình.

Thực chất, trà đã xuất hiện trước khi được công chúa Bồ Đào Nha “lăng xê”, nhưng lúc đó, nó chủ yếu được sử dụng như một loại thuốc giúp cơ thể khỏe mạnh. Hơn nữa, giá thị trường của nó ở thời điểm đó cực kỳ đắt đỏ, do Anh không giao dịch thương mại trực tiếp với Trung Quốc; đồng thời chưa có nguồn trà nhập từ thuộc địa Ấn Độ. Nếu có thì cũng chỉ là một số lượng nhỏ do người Hà Lan nhập khẩu, được bán lại với mức giá cao ngất ngưởng.

Một pound trà có thể có giá bằng cả một năm làm việc của một người lao động bình dân. Vì vậy mà trà bỗng trở thành một quy chuẩn để phân biệt tầng lớp quý tộc với thành phần còn lại của xã hội. 

Tuy tiên phong trong trào lưu uống trà, nhưng giới quý tộc Anh không tự tạo ra nghi thức uống trà. Họ cũng chỉ là người theo sau. Khi người Hà Lan bắt đầu làm quen với trà thì người Anh vẫn không hề biết đến sự có mặt của thức uống này.

Trà chiều Anh quốc thuở sơ khai không hề có thìa xúc đường, tách, hay ấm. Những gì chúng ta thấy ngày hôm nay, chẳng hạn như bộ ấm chén thanh tao với những chiếc thìa kim loại bóng bẩy, thực chất là một sự vay mượn từ nghi thức uống trà của người Trung Quốc. Người Anh đã linh động nhập khẩu những chiếc tách, đĩa và ấm trà nhỏ xinh bằng sứ, cũng như thêm những món bánh ngọt ăn kèm trong bữa trà chiều của mình. 

Tựa như cách người Nhật tiếp nhận và sáng tạo peixinhos do horta - một món ăn của Bồ Đào Nha - thành tempura, người Anh biến trà, một sản vật đậm chất Á châu, thành một nét văn hóa đẹp đẽ, đáng trân trọng, theo một cách rất từ tốn và có chút gì đó khá quý tộc theo kiểu Ăng-lê phớt tỉnh. 

Vĩnh Trinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI