Ba Nam của những đứa trẻ bất hạnh ở đội lân Long Nhi Đường

27/10/2020 - 15:41

PNO - Mới 27 tuổi nhưng anh Lê Văn Nam đã làm “ba” của hơn 20 đứa trẻ cơ nhỡ trong đội lân Long Nhi Đường. Ngoài lo lắng kế sinh nhai, anh còn quán xuyến chuyện học hành, tương lai của những đứa con bất đắc dĩ.

Đội lân của những đứa trẻ bụi đời

Đội lân Long Nhi Đường của những trẻ em cơ nhỡ hoặc có hoàn cảnh khó khăn do anh Lê Văn Nam (sinh năm 1993, ngụ quận 8, TPHCM) làm trưởng đoàn, thành lập đã hơn 10 năm. Đội lân được UBND quận 8 hỗ trợ cho mượn căn nhà ở đường Lương Ngọc Quyến (quận 8, TPHCM) để sinh hoạt từ năm 2014. Dưới mái nhà chung ổn định, các thành viên cũ lần lượt cưu mang, nuôi nấng những em nhỏ cơ nhỡ khác.

Đội lân Long Nhi Đường bao gồm các thành viên nhỏ tuổi, có hoàn cảnh bất hạnh. (Ảnh: NVCC)
Đội lân Long Nhi Đường bao gồm các thành viên nhỏ tuổi, có hoàn cảnh bất hạnh (Ảnh nhân vật cung cấp)

Anh Lê Văn Nam nói: “Hiện tại, đội lân Long Nhi Đường có 36 thành viên, bé nhỏ nhất mới 6 tuổi. Tính hơn 10 năm nay, số người vào rồi ra khỏi đội, có nghề nghiệp ổn định cũng phải hơn 200 thành viên. Mỗi người đến nương tựa ở đội lân đều có hoàn cảnh đau thương riêng biệt. Đa số các em sống lang thang, mồ côi, có đứa còn cha mất mẹ, còn mẹ mất cha, rồi nhà khổ quá cha mẹ gửi vào đội… Nhiều em sống trên địa bàn, số khác ở tỉnh trôi dạt về khu vực”.

Qua thông tin trên mạng xã hội, một số em chủ động tìm đến nhờ anh Nam dìu dắt, còn số khác được người lớn dẫn đến, có bé được đưa đến từ lúc mới 2-3 tuổi. Anh Nam nằm lòng hoàn cảnh của từng thành viên của đội lân nhưng luôn tránh nhắc đến, sợ bọn trẻ nghe thấy lại đau lòng.

Anh nói: “Mỗi lần có người khơi gợi về hoàn cảnh, tụi nhỏ lại tủi thân và khóc, tôi dỗ không nín. Dần dà, sống chung với mọi người, tụi nhỏ mới bớt cô đơn, học cách kiềm nén cảm xúc”.

Đang ăn cơm, nghe anh Nam nói, một cậu bé bỏ chén cơm xuống, nghẹn giọng: “Mẹ nhờ ba Nam dẫn qua đường để đi mua sữa, rồi mẹ đi luôn, không quay lại. Mẹ bỏ 2 đứa con”. Thấy bé sắp khóc, Nam nhỏ nhẹ: “Giờ sống ở đây vui rồi phải không con? Mạnh mẽ lên, không có khóc nghe chưa?”.

Cũng như cậu bé này, nhiều bé trai khác cũng có hoàn cảnh cơ nhỡ được Nam nuôi nấng và dạy múa lân. Như cậu bé có biệt danh Hí, sở hữu ngoại hình mũm mĩm được Nam dạy múa ông Địa. Bé thích thú mỗi khi thể hiện những động tác vui nhộn, gương mặt tươi tắn nhưng mấy ai biết bé sinh ra trong gia đình có cha mẹ đều vướng vòng lao lý.

Những đứa trẻ cơ nhỡ sống vui tươi và có ích hơn khi được tham gia vào đội lân nhí. (Ảnh: NVCC)
Những đứa trẻ cơ nhỡ sống vui tươi và có ích hơn khi được tham gia vào đội lân nhí (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nhớ những ngày đầu thành lập đội lân với những đứa em bụi đời, Nam còn không thể tự lý giải tại sao mình làm được. Lúc đó, Nam mới 16 tuổi, ăn chưa no lo chưa tới. 11, 12 tuổi, cậu đã ra đời, làm “thợ đụng” nghĩa là đụng gì làm nấy, nhường việc học cho các em.

Thời đó, mấy đứa bụi đời như Nam có một điểm đến là nhà tình thương ở quận 5, chuyên nấu cơm cho trẻ lang thang. Đến nhà này, bọn Nam có thể ăn cơm với giá 500 đồng/suất.

Mỗi ngày, Nam phải cố gắng kiếm được 5.000 đồng, trong đó 3.000 đồng mua một ký gạo, 2.000 đồng mua nửa lít dầu hôi. Tất cả để phụ mẹ nuôi các em. Còn riêng Nam, cậu phải ăn cơm nhà tình thương, lượm trái cây hư, bánh hết hạn, bị chuột cắn ăn tạm.

Trải đời sớm, 16 tuổi, Nam bắt đầu thấy lo lắng cho mấy bạn cùng tuổi và nhỏ hơn mình đang phải lang thang, đối mặt với nhiều cạm bẫy xã hội. Nam mất 2 năm để tập hợp nhóm trẻ bụi đời. Để cả bọn có trò vui chơi, Nam rủ cả bọn lập đội lân, vừa múa cho vui vừa biểu diễn kiếm tiền.

Thế nhưng, Nam chưa từng được học và hiểu biết về múa lân. Vậy nên, cả đám rủ nhau đi học lén, đứng ngoài chùa xem người ta múa rồi học theo. Sau này, Nam kiếm tiền mua được máy vi tính thì mở mấy đoạn múa lân trên mạng cho cả đám xem rồi bắt chước.

Học lỏm thì không thể múa đẹp, phải học thầy bài bản mới mong đi biểu diễn cho người ta mà lãnh lương. Nghĩ vậy, Nam xin mấy thầy trong các đội lân chuyên nghiệp dạy nghề. Từ đó, lớp trước dạy cho lớp sau, thạo nghề từ lúc nào không rõ.

Người cha bất đắc dĩ

Không chỉ múa lân để kiếm tiền, Nam còn định hướng các thành viên của đội lân phải đi học, không học chính quy thì học bổ túc. Học xong phổ thông phải đi học lấy cái nghề. Học phí do Nam và các anh lớn trong đội đã đi làm lo lắng cho các em nhỏ.

Những bữa cơm của đội luôn ấm áp và đầy ắp tiếng cười. (Ảnh: Lâm Ngọc)
Những bữa cơm của đội luôn ấm áp và đầy ắp tiếng cười - Ảnh: Lâm Ngọc

Anh Nam nói: “Khó nhất của đội lân chính là vượt qua định kiến của người đời. Những bạn đầu tiên của đội đều có hình xăm, hút thuốc, chửi thề… nên bà con không có thiện cảm. Tôi nghĩ, các em lỡ có hình xăm rồi mình đâu bắt nó xóa được, quan trọng xóa được tâm hồn, nung đúc ý chí vượt qua nghịch cảnh, cho các em tình thương, dạy các em múa lân”.

Nhìn cách Nam xé thịt cho mấy đứa nhỏ ăn cơm, nhiều người sẽ nhầm lẫn chàng trai này đã lập gia đình, có con cái. Thế nhưng, Nam chưa có vợ, mỗi ngày vẫn đi chợ nấu cơm cho bọn nhỏ ăn. Nam nói: “Có bạn gái đến thăm, thấy đám nhỏ thì hôm sau không còn liên lạc nữa”.

Giữa những đứa con bất đắc dĩ với nhiều cá tính, thương tổn tâm hồn khác nhau, ba Nam phải trở thành người “không thương cá nhân nào hết”. Mỗi ngày, Nam phải đứng ra phân xử không biết bao nhiêu chuyện. Mấy đứa nhỏ chửi nhau, đánh nhau… cũng kéo đến ba Nam tranh phần đúng sai.

“Với cá nhân nào, tôi cũng nói không có thương, đứa nào tôi cũng nghiêm khắc, thương để trong lòng, còn răn đe thường xuyên. Tôi chỉ thương tập thể nên dạy các em ăn chung, uống chung, làm chung, một bé sai thì cả nhóm cùng bị phạt. Quản lý con người rất khó, mỗi đứa một tính, phải hòa nhập nhau mới sống vui vẻ. Thành thử ra, những bé mới về, tôi phải uốn nắn từ từ, nhiều lúc phải la rầy, không được ngọt ngào. Thế nhưng, mấu chốt vẫn phải có tình thương, chủ động hỏi han, lo lắng thì mấy bé mới thương lại mình, mới hiểu đây là người anh, gia đình của mình. Từ đó, các bé mới chịu nghe lời, chịu đi học, đi làm”, anh Nam tâm sự.

Anh Nam không chủ động kêu gọi sự giúp đỡ của Mạnh Thường Quân, bởi theo anh, các em có khả năng kiếm tiền, tự nuôi sống bản thân. Nếu nhận nhiều sự giúp đỡ của mọi người, các em sẽ ỷ lại, không chịu vươn lên. Nhiều người thương đem gạo đến để trước nhà. Không biết làm sao, Nam nghĩ ra việc nấu cơm chay từ thiện cho người nghèo ăn miễn phí. Mấy đứa nhỏ phụ Nam một tay, đứa lặt rau, đứa rửa chén, nấu cơm… Từ đó, bọn trẻ được học thêm bài học làm người, chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn hơn, bớt tự ti về bản thân.

Anh Nam luôn nghiêm khắc nhưng đủ yêu thương để thuần hóa những đứa trẻ bụi đời. (Ảnh: Lâm Ngọc)
Anh Nam luôn nghiêm khắc nhưng đủ yêu thương để "thuần hóa" những đứa trẻ bụi đời - Ảnh: Lâm Ngọc

Các thành viên lớn đến tuổi lập gia đình, anh Nam cũng đứng ra tổ chức đám cưới cho họ. Một số trưởng thành có nghề nghiệp riêng, rời đội lân thì cũng có người đã thành công, có người còn nhiều vất vả. Các em nhỏ ở lại được mọi người thương, ủng hộ nên có công việc, có chỗ biểu diễn nên đủ ăn đủ sống. Mỗi ngày, họ quây quần với nhau bên mâm cơm, hỏi han nhau chuyện học hành hoặc méc ba Nam vài chuyện vặt vãnh của con trẻ...

Lâm Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI