Nghệ sĩ nhân dân - Tỷ lệ nào cho tài năng và sự tận hiến?

04/07/2018 - 07:15

PNO - Con số thì cũng nằm trong tay con người. Liệu tỷ lệ 10% hay cả 90% kia có cân đo đong đếm được hết tài năng, những đắng cay tận tụy và cống hiến cho biết bao thế hệ khán giả?

Đến hẹn lại lên, mùa xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú lại rộn lên những mong đợi ở người này, ngậm ngùi cho người kia. Và một lần nữa, những lá phiếu vô tri lại không hề vô tình khi gạt ra ngoài những cái tên mà sự chứng thực về tài năng, về sức đóng góp, về độ thu hút khán giả của họ đã được chính người trong giới, công luận, công chúng thán phục, công nhận. 

Đâu là sự công bằng cho những cống hiến không ngừng nghỉ của nghệ sĩ?

Đâu là sự danh giá cho những danh hiệu mà hồn vía của nó lại không thuộc về nhân dân?

Nghe si nhan dan - Ty le nao cho tai nang va su tan hien?
Các thế hệ nghệ sĩ cùng tề tựu trên sân khấu trong vở diễn Đời cô Lựu - Ảnh: T.T.

Chiều 2/7, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) công bố danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) đã vượt qua Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, trong số 77 ứng viên không có tên các NSƯT Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu. Lý do, như lời ông vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VH-TT-DL) Phùng Huy Cẩn giải thích thì các nghệ sĩ không đạt 90% số phiếu bình chọn; và ông vụ trưởng cho biết “không có gì tiếc nuối”. 

Tôi đồ rằng, trong hơn 10% số phiếu gạch ấy, hẳn là 3 nghệ sĩ chưa có đủ huy chương, lại càng không có đủ “2 giải vàng quốc gia sau khi được tặng danh hiệu NSƯT” như khoản 4, điều 8, Nghị định 89/2014 quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Cái lý do “muôn năm cũ”, cái tiêu chuẩn có thể dễ dàng cho khu vực sân khấu phía Bắc nhưng luôn bị vướng với khu vực sân khấu phía Nam - chủ yếu hoạt động theo phương thức xã hội hóa, tư nhân - hầu như ít có điều kiện (kinh phí) để tham gia các kỳ liên hoan, hội diễn. Đó là chưa nói đến các vai diễn trung tâm đều tập trung cho nhân vật - diễn viên trẻ, cơ hội huy chương vàng càng không thể đến với những nghệ sĩ gạo cội. 

Rõ ràng, nghị định ràng buộc thực tế hay một nửa thực tế đang nằm ngoài nghị định, chỉ biết, trong trường hợp này, nó là lực cản xám xịt. 

Thử đặt cái tỷ lệ 10% còn lại ấy bên cạnh ba cuộc đời đều đã trên dưới 70 tuổi, với hơn 40 năm theo nghề, làm nghề; hiện nay họ vẫn tiếp tục bám nghề mới thấy sự nghiệt ngã của những con số. Con số thì cũng nằm trong tay con người. Liệu tỷ lệ 10% hay cả 90% kia có cân đo đong đếm được hết tài năng, những đắng cay tận tụy và cống hiến cho biết bao thế hệ khán giả? 

Khi một Võ Minh Luân - Minh Vương cất lời trong bản Văn Thiên tường (lớp dựng) - vở Đời cô Lựu (tác giả: Trần Hữu Trang), chỉ vỏn vẹn: “ba hỡi… ba” [oan], cả sàn diễn và khán phòng hoàn toàn thuộc về ông, về chất giọng cao, quãng hơi lớn, nó cho phép người nghệ sĩ đuổi bắt đến tận cùng cái khả năng biểu đạt cảm xúc cho nhân vật và tình huống kịch. Chỉ với 3 chữ, trong đó chữ thứ ba mới vô dây đờn (oan) đã thể hiện tài năng diễn trong ca bậc thầy của NSƯT Minh Vương. 

Nghe si nhan dan - Ty le nao cho tai nang va su tan hien?
NSƯT Minh Vương và NSND Bạch Tuyết trong vở Đời cô Lựu

Đó cũng là lý do khi ông ngồi ở vị trí giám khảo của hầu hết các cuộc thi về cải lương sau này, những cú bắt về nhịp, về cách xử lý hơi cho từng bài bản bao giờ cũng tuyệt đối chính xác. Cải lương đẹp đâu chỉ bài vọng cổ, đâu chỉ một tiếng xuống hò ngọt ngào mà từng đường nét ra - vào, thăng - giáng, nội - ngoại… trong nhịp, trong cách ém hơi, nhả chữ của từng lòng bản trong mỗi bài bản. 

Khi NSƯT Thanh Tuấn xuống hò, kể cả những cuộc dạo chơi bất tận của ông trên vùng thảo nguyên âm nhạc, làn hơi, quãng giọng và độ luyến láy của ông là vô đối. Chả thế mà ông gần như là danh ca duy nhất sản sinh hậu bối nhiều nhất lấy theo nghệ danh của ông: Ngân Tuấn, Chiêu Tuấn, Linh Tuấn, Minh Tuấn, Hiển Tuấn, Hoài Tuấn, Thanh Thanh Tuấn… Tại Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2000, NSƯT Thanh Tuấn trong vai kép hát Châu Tuấn (vở Khúc ly hương - tác giả: Thanh Kim Huệ), ở cảnh cuối, ông xuất hiện từ… trong cánh gà nhưng cất giọng ca bài Đoản khúc Lam giang, lập tức toàn bộ khán giả - vốn là nghệ sĩ của hai miền Nam - Bắc - đều đồng loạt đứng dậy vỗ tay tán thưởng. Không chỉ là chất giọng trời cho, không dễ là sự mài giũa qua hai người thầy đầu tiên là Út Trọn và Bảy Trạch, đó còn là cộng hưởng của một trải nghiệm làm nghề khổ luyện, thấu cảm đến tận cùng. 

Vì thế trên “ghế nóng” Chuông vàng vọng cổ lần thứ 12 - 2017, NSƯT Thanh Tuấn đã cho thấy uy lực của nghề. Bộ ba Bạch Tuyết - Minh Vương - Thanh Tuấn, họ đâu chỉ chấm điểm bằng mỗi con số, họ điểm danh nghệ thuật cải lương bằng chính tài năng, sự tinh tường, tận tụy qua cả nửa thế kỷ làm nghề; và đặc biệt họ là những nghệ sĩ bậc thầy đang truyền trao vốn nghề cho lớp nghệ sĩ kế cận. 

Và cho đến giờ này, chỉ với vai Trùm Sò (vở Nghêu Sò Ốc Hến - tác giả: Nguyễn Thành Châu), NSƯT Giang Châu đặt để tên tuổi mình vào thể loại ca diễn cải lương hài lẳng độc nhất vô nhị. Xử lý làn hơi, tạo chất giọng trên nền tiếng đờn cò, tiếng kèn lá trong phân cảnh quan huyện xử án là một sáng tạo độc đáo của Giang Châu, tạo tiếng cười hoạt kê trong nỗi chua chát chốn quan trường. 

Có khá nhiều ý kiến đòi hỏi áp dụng yếu tố “đặc cách” với các nghệ sĩ. Ông vụ trưởng khẳng định dứt khoát không có chuyện đặc cách cho bất cứ ai vì Nghị định 89/2014 không có quy định về đặc cách. Và quả thật, với 3 nghệ sĩ Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu, tôi nghĩ họ không cần phải xem xét để được đặc cách mà tài năng, sự đóng góp của họ, sức cống hiến nghệ thuật trong cả cuộc đời họ xứng đáng được Nhà nước - thông qua Bộ VH-TT-DL tự giác đặc cách, phong tặng, tôn vinh. Bốn nữ NSƯT Kim Cương, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Lệ Thủy đã từng được đặc cách phong tặng danh hiệu NSND năm 2012 bởi chính tài năng, cống hiến của họ cho công chúng nước nhà, bởi chính tư cách và trách nhiệm công dân mà họ đã chọn lựa, tạo dựng từ sau ngày 30/4/1975. 

Đòi hỏi con số huy chương và cách tính lũy tiến cơ học số năm làm nghề với các nghệ sĩ kịch hát dân tộc, có thể là không sai - với Nghị định 89, nhưng không đúng, không công bằng, thậm chí có phần bất nhẫn với cả một cuộc đời - nghiệp dĩ của họ. Bởi ngay cả khi đã được phong tặng, thì danh hiệu NSND, NSƯT cũng không mang lại cho họ bất cứ quyền lợi vật chất nào, có chăng chỉ là “danh hiệu” - lại cũng là một chữ danh gắn cả cái nghề, cái nghiệp của họ - mà thôi. 

Trở lại với ba nghệ sĩ, dù tôi không muốn so sánh họ với bất cứ ai, nhất là những người đã lọt vào danh sách 77 ứng cử viên của Hội đồng Nhà nước, nhưng nếu đặt để độ dày về tài năng, về sức đóng góp, về uy tín nghề nghiệp trong giới của họ bên… dưới một số tên tuổi ứng viên (sẽ là) NSND, đặt họ bên cạnh những nghệ sĩ (sẽ là) NSƯT thì cái chua chát thuộc về nghệ sĩ, cái nực cười thuộc về… danh hiệu. 

Tôi vẫn nhớ đêm công diễn Đời cô Lựu ở Tân Châu, An Giang. Từ sân khấu châu Âu tráng lệ, những tên tuổi của sân khấu 2-84 ngày nào là ông hội đồng Thăng (NSND Diệp Lang), là cô Lựu (NSND Bạch Tuyết), Bảy cán vá (NSND Ngọc Giàu), Kim Anh (NSND Lệ Thủy), Võ Minh Thành (cố NSND Thanh Tòng) và Võ Minh Luân (NSƯT Minh Vương)… đã về miệt vườn cù lao, sân khấu được chèo chống giữa bãi đất trống, gió quần quật tứ bề, lấy trăng sao làm luôn đạo cụ, họ ca diễn như thể lần cuối cùng được đứng trên sân khấu. Khán giả đốt đuốc chèo ghe về coi cải lương, mê mệt. 

Một thế hệ vàng của sân khấu cải lương, nay người còn kẻ mất, nhưng một khi còn hiện diện, họ vẫn hát vẫn ca, vẫn miệt mài theo từng cuộc thi cốt chỉ mong truyền nghề, giữ nghề. Còn danh tiếng, họ đã chất chồng bấy nhiêu năm tháng. 

Dưng không, bẽ bàng, tủi hổ cho cái tỷ lệ bé mọn kia... 

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI