Nghệ sĩ Nguyễn Trần ưu đàm - Việt Nam đang thiếu không gian cho các tác phẩm nghệ thuật công cộng

04/10/2020 - 18:35

PNO - Nguyễn Trần Ưu Đàm với những tác phẩm sắp đặt đương đại của mình được giới chuyên môn và những người yêu nghệ thuật trong nước đánh giá cao trong nhiều năm gần đây. Các tác phẩm của anh thường được triển lãm tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Những dự án của anh có hình thức thể hiện đầy sáng tạo, thông điệp mang tính toàn cầu và có nhiều cách để người thưởng thức cảm nhận. Người xem đã kinh ngạc với dự án License 2 Draw vì anh dùng công nghệ để xóa bỏ mọi không gian và thời gian, dù tác phẩm được trưng bày tại Việt Nam nhưng ở bất cứ đâu trên thế giới ta cũng có thể dùng app L2D trên điện thoại thông minh điều khiển những con robot bắn laser lên giấy để cùng anh tạo ra những bức vẽ khác nhau.

Người xem cảm động với thông điệp về môi trường trong tác phẩm Rồng rắn lên (Serpents’ Tails), con người mưu sinh để chăm lo cuộc sống của mình nhưng đồng thời tạo ra khí thải độc hại, rồi phải đi chống chọi với chúng. Với Time Boomerang, người xem sẽ suy ngẫm về cách con người yêu thế giới này như thế nào, muốn chiếm hữu và bảo vệ nó ra sao, mọi chuyển động trên trái đất đều sẽ góp phần tạo nên trật tự thế giới mới và dự phần của ta trong trật tự ấy là gì?... 

Nguyễn Trần Ưu Đàm chụp ảnh lưu niệm trước chuyến hành trình trên tàu chở hàng để chinh phục châu Mỹ
Nguyễn Trần Ưu Đàm chụp ảnh lưu niệm trước chuyến hành trình trên tàu chở hàng để chinh phục châu Mỹ

Tác phẩm phát triển rất tự nhiên 

Phóng viên: Vừa qua, anh thực hiện rất nhiều triển lãm cũng như tham gia các dự án của những nghệ sĩ khác, cảm giác đây đang là giai đoạn sung sức của anh?

Nghệ sĩ Nguyễn Trần Ưu Đàm: Tôi cũng chẳng biết nữa (cười). Đang là mùa COVID-19 nên tôi làm show trong nước nhiều hơn. Tôi nghĩ có những lúc cũng phải dừng lại để nhìn một chút về công việc của mình. Năm ngoái và đầu năm nay, tôi đi rất nhiều: 2-3 chuyến đi Mỹ, trong đó có chuyến đi tàu chở hàng trong dự án “thả ngón tay” chinh phục châu Mỹ để thực hiện tiếp một phần trong dự án Time Boomerang. Vừa về Việt Nam, tôi đã lao vào ngay show Rồng rắn lên ở Galerie Quỳnh (TP.HCM). Song song đó, tôi làm phác thảo Thánh Gióng cho dự án nghệ thuật ở Phúc Tân (Hà Nội), tham gia dự án Thoái Ẩn ở Đà Lạt, triển lãm ở VUUV (Hà Nội), MộtPlus (TP.HCM)… Vừa đúng lúc tôi cần thời gian tĩnh lặng thì COVID-19 đến nhưng với lịch hiện tại thì chưa lặng lắm, tôi đang cố gắng phải lặng hơn nữa (cười). 

* Anh làm nhiều triển lãm trong nước, nghĩa là anh tiếp cận với công chúng Việt Nam nhiều. Anh có nghĩ mình đã hiểu rõ họ không?

- Tôi may mắn được công chúng Việt Nam đón nhận tác phẩm nhiệt tình và chúng tôi không có vấn đề gì ở chỗ hiểu nhau hay không. Mỗi tác phẩm của tôi đều có nhiều tầng ý nghĩa, từ mộc mạc đến gần như hàn lâm nên ai cũng có thể hiểu theo cách của mình. Chẳng hạn, với tác phẩm Rồng rắn lên, tôi đem câu chuyện Tháng Gióng đặt vào bối cảnh đương đại.

Hình ảnh Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt phun ra lửa có thể so sánh với hình ảnh rất nhiều người Việt Nam đang cưỡi “ngựa sắt” (xe máy) phun ra khói. Thánh Gióng xưa mặc giáp sắt, giờ đây ta mặc áo/váy chống nắng, đeo kính mát, mũ bảo hiểm, găng tay… nhìn không khác gì giáp của hiệp sĩ thời trung cổ. Khí thải được cách điệu hóa là những con mãng xà nối từ mỗi ống bô của kỵ sĩ. Mỗi người lái xe máy là một hiệp sĩ thời nay, không đánh giặc ngoại xâm mà là đánh mãng xà khí thải. Chúng ta đều mưu sinh và trong quá trình đó tạo ra “khí thải”.

Chính chúng ta đang phải chống chọi với bầu khí thải đó. Có lẽ khó nhất là chiến đấu với chính mình, với những chất thải mà chính ta tạo ra, còn phê bình người khác thì rất dễ. Nghĩ rộng ra, bảy tỷ dân sinh sống trên trái đất mỗi người là một Thánh Gióng. Khi xem Rồng rắn lên, bạn sẽ thấy rõ điều đó.

Tác phẩm Thánh Gióng triển lãm trong dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân
Tác phẩm Thánh Gióng triển lãm trong dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân

* Điều thú vị ở những tác phẩm của anh là cũng tác phẩm ấy nhưng hình ảnh và thông điệp có khác nhau trong từng không gian khác nhau, kiểu như chúng phát triển từng ngày, y hệt khi ta trồng và chăm sóc một cái cây. Anh có tính toán sự phát triển này trong khi làm tác phẩm?

- Các tác phẩm của tôi đều phát triển một cách tự nhiên. Chẳng hạn Rồng rắn lên, tác phẩm sắp đặt này phát triển theo từng bước, đầu tiên là video dòng người chạy xe máy có tên là Vũ điệu của các kỵ sĩ máy, sau đó đi thêm một bước nữa là video ba kênh Rồng rắn lên, rồi đến Xẹp/Phồng là một sắp đặt khí thổi/hút đầu tiên trên thế giới được triển lãm tại Toong Vista Verde (Q.2, TP.HCM), đến Phúc Tân thì những Thánh Gióng đã “nhảy ra ngoài” video, biến thành những tranh/tượng cao 5m dọc bờ sông Hồng, sau đó sẽ đến Eco-Đi - một bí mật mới.

Quá trình này phát triển không theo một kịch bản dài được tính trước bởi tôi thường không quá định hướng sự phát triển của tác phẩm mình. Lúc mới quay lại Việt Nam, số lượng xe máy làm tôi rất kinh ngạc, vừa thích vừa sợ nên mới có video đầu tiên. Tôi không tính làm video thứ hai nhưng rồi Rồng rắn lên đến, cứ vậy từng phần tác phẩm lần lượt ra đời. Khi làm tác phẩm, tôi chỉ tính làm tác phẩm; sau đó trong quá trình, rất nhiều thứ phát sinh, rất thú vị. 

Time Boomerang là một tác phẩm khác xuất phát từ những câu chuyện về Hoàng Sa, Trường Sa tôi nghe từ bé. Sau khi tốt nghiệp cao học ở Mỹ, tôi bỗng thấy cần làm một tác phẩm về vấn đề này. Nhưng từ năm 2008 tới năm 2013, tôi thử đủ cách mà không thấy khả quan. Đến khi tôi buông, không cố gắng nữa thì nó lại mở ra một con đường mới. Từ chỗ muốn đo từng tấc đất của Tổ quốc mình bằng gang tay để thể hiện tình yêu nước như suy nghĩ ban đầu, bây giờ, Time Boomerang đã mang ý nghĩa rộng hơn.

Tác phẩm Phật - chân dung của RỗngBàn tay đúc bằng đồng và năm ngón tay được thả ở các châu lục

Tôi đúc năm ngón tay đồng của bàn tay phải trong tư thế đang đo và thả mỗi ngón ở một châu lục với ý nghĩa chiếm hữu và bảo vệ thế giới. Sau đó, tôi mời khách đang tham quan tại các bảo tàng hỗ trợ tôi trong dự án này tham gia đập vỡ bản đồ thế giới lật ngược được đúc bằng thạch cao với ý nghĩa phá bỏ trật tự cũ lập lại trật tự thế giới mới. Đây là một dự án dài hơi được thực hiện trong nhiều năm, vẫn đang tiếp tục. Tôi đã thả ngón tay và đập bản đồ ở châu Úc, châu Á và châu Mỹ, hai châu lục tiếp theo sẽ được thực hiện trong vài năm tới.

Mong có các tác phẩm nghệ thuật công cộng dọc Bến Bạch Đằng

* Ở Việt Nam có tạo cảm hứng cho anh trong sáng tác không?

- Việt Nam là một môi trường có nhiều chất liệu và chưa hoàn toàn định hình, vì vậy có nhiều thuận lợi hơn. Chẳng hạn, tác phẩm bắn laser License 2 Draw của tôi, chưa nơi nào dám trưng bày một tác phẩm có tính “dễ cháy” suốt ba tháng trời, hoạt động 24/7 ở một bảo tàng. Khi tác phẩm trưng bày tại Singapore Art Museum, giám tuyển cười nói là không thể bỏ phần laser vào. Đây là một phần hấp dẫn của tác phẩm. Từ bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, với app L2D trên điện thoại, bạn có thể bắn laser đốt cháy lỗ trên giấy, có khi cháy luôn tờ giấy. The Factory (Sài Gòn) và Heritage Space (Hà Nội) đã dám làm. Tôi thấy rất tự hào về điều đó tại Việt Nam. 

* Các dự án anh kể như Phúc Tân, Phố bên đồi, Rục rà rục rịch… cho thấy cộng đồng nghệ sĩ đương đại ở ta hoạt động khá sôi nổi nhưng không gian ngoài trời của cả nước lại thiếu chỗ cho các tác phẩm nghệ thuật.
-Nhìn chung, mình đang thiếu chỗ cho các tác phẩm nghệ thuật công cộng. Ở Đại Lải (Vĩnh Phúc) có bảo tàng nghệ thuật đương đại tư nhân Art in the Forest rất hay do họa sĩ Vũ Hồng Nguyên lập. Đó là một cố gắng đáng trân trọng. Tại Toong Vista Verde, tôi đặt một tác phẩm thổi/hút khí đầu tiên trên thế giới với 900 bịch ni-lông đầy màu sắc xẹp phồng liên tục. Triển lãm được mở cửa hằng ngày cho công chúng từ năm 2019. Đây là tầm nhìn của anh Dương Đỗ - người sáng lập Toong Co-working space. Ngay sau COVID-19, anh cũng đã đem tác phẩm nghệ thuật của hơn 30 nghệ sĩ đi qua 16 cơ sở của Toong 

Co-working space khắp ba miền Nam, Trung, Bắc. Cũng vậy, mười sáu tác phẩm trong dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân đặt dọc bờ sông Hồng là nỗ lực lớn của nghệ sĩ Thế Sơn và các nghệ sĩ tham gia. Tác phẩm vừa được giải thưởng Bùi Xuân Phái. Phố bên đồi cũng là một dự án nghệ thuật đầy tham vọng ở Đà Lạt do anh Hiền Nguyễn và các cộng sự trẻ thực hiện. Cái đáng phục là họ đã làm được, khó mà họ vẫn làm được mà mình không làm được nghĩa là mình chưa kiếm được cách để làm.  

“Những ngày giãn cách xã hội do COVID-19, tôi có thời gian để xem và lục lại tài liệu, tư liệu mình đang có. Tôi nhận ra mình quên khá nhiều thứ. Có những thứ nếu không dừng lại thì tôi sẽ không bao giờ có thời gian để tìm kiếm, ví dụ như những hình ảnh đã hơn hai mươi năm, từ hồi còn đi học ở Mỹ đến giờ. Những thứ đó liên quan đến công việc hiện tại của tôi. Khoảng lặng này giúp tôi có điều kiện nhìn lại quá trình hoạt động ba mươi năm của mình, nhớ lại những gì đã quên và xác định được hướng đi tiếp. Khi mình mải mê “chạy” show quốc tế thì tác phẩm của mình cũng sẽ khác so với khi tĩnh lặng. Có lẽ mỗi năm trái đất nên có một tháng không làm gì mà mọi người vẫn được lương, tất cả cùng nghỉ ngơi để mọi thứ lắng xuống…”.

Nghệ sĩ Nguyễn Trần Ưu Đàm

Tôi có nghe Toong sẽ làm một dự án nghệ thuật công cộng tại bến xe buýt trên sông, ngay bến Bạch Đằng. Tôi mong đoạn sông từ bến Bạch Đằng đến cầu Khánh Hội có những tác phẩm công cộng đẹp và ý nghĩa như Phúc Tân. Buổi tối đoạn đó quá buồn lại thiếu cảm giác an toàn. Bờ sông này chưa được khai thác tốt, giờ chỉ để nhìn qua bên Thủ Thiêm. Nếu sau này Thủ Thiêm là một đô thị mới thì “Hòn ngọc Viễn Đông” bên này cũng nên có gì hay để từ đó nhìn qua. 

* Nếu khắp nơi ở Việt Nam có nhiều tác phẩm nghệ thuật trở thành điểm check-in của khách du lịch thì đó hẳn là niềm mơ ước của nghệ sĩ các anh?

- Điều đó thật rõ ràng. Do dịch COVID-19, nếu không tôi nghĩ dự án nghệ thuật Phúc Tân sẽ là điểm đến của nhiều du khách và tạo công ăn việc làm cho không ít người. Những người làm du lịch sẽ dẫn các nhóm khách đi tour đến đó, thuyết minh tác phẩm, đi dọc cầu Long Biên đến cầu Chương Dương rồi ngồi nghỉ ngơi, uống bia… Phúc Tân, theo tôi, sang năm sẽ là một nơi rất “hot”. Sau khi chúng tôi đặt 16 tác phẩm, rất cảm động là người dân đã giữ chỗ này sạch sẽ một cách kinh ngạc. Chúng tôi rất cảm kích. Đứng từ đó, cạnh cầu Long Biên nhìn qua một bên rất xanh, bên kia là các tác phẩm nghệ thuật, sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật và thiên nhiên. 

Tác phẩm Xẹp/Phồng được triển lãm tại TP.HCM
Tác phẩm Xẹp/Phồng được triển lãm tại TP.HCM

“Bố muốn chứng kiến những việc tôi làm" 

* Con đường thi vào trường đại học Mỹ thuật rồi đi theo nghệ thuật tới giờ của anh được định sẵn từ trước bởi bố anh, họa sĩ Rừng?

- Khi tôi hỏi bố “có nên thi Đại học Mỹ thuật không” thì ông nói “không” nhưng tôi cứ thi, hai lần mới vào được. Sau này vào trường học rồi, tôi hỏi ông tại sao “không” thì được trả lời, việc đó tôi phải tự quyết định. Nghệ thuật không phải là con đường dễ dàng nhất. Khi quyết định theo, tôi ý thức được có nhiều giá phải trả và có “hy sinh” nên mỗi người phải tự chọn để sau này không đổ lỗi cho ai. Tôi thích con đường mình đã chọn.

* Lúc đầu, vì sao anh chọn điêu khắc?

- Lúc nhỏ, tôi tình cờ tiếp xúc với đất sét do em trai (Nam Quan) đem về. Sau đó bố tôi phát hiện tôi có năng khiếu điêu khắc, nhất là về chân dung. Tôi lúc đó đơn giản nghĩ bố tôi là họa sĩ thì tôi học điêu khắc để khỏi “đụng hàng”. Khi sang Mỹ học tại UCLA, tôi thấy vẽ, điêu khắc, quay phim, chụp hình… tất cả là những công cụ để làm nghệ thuật. Có một số môn, học sinh có thể tự “chế” rồi trường sẽ duyệt và thầy giáo sẽ hướng dẫn.

Lúc ở trường đại học Mỹ thuật TP.HCM, tôi biết sơ về nghệ thuật đương đại, khi sang Mỹ, môi trường ở đây tác động đến tôi rất tốt, mở ra nhiều cánh cửa mà trước đó tôi không nghĩ mình sẽ bước vào.

Nghệ sĩ Ưu Đàm và bố (họa sĩ Rừng) ngoài khơi Bắc Mỹ -  hành trình thả ngón tay thứ ba chinh phục châu Mỹ trong dự án Time Boomerang (năm 2019)
Nghệ sĩ Ưu Đàm và bố (họa sĩ Rừng) ngoài khơi Bắc Mỹ - hành trình thả ngón tay thứ ba chinh phục châu Mỹ trong dự án Time Boomerang (năm 2019)

* Bây giờ, anh và bố anh có chia sẻ nhiều với nhau về nghệ thuật?

- Có ở một mức độ nhất định, không như cách tôi chia sẻ với bạn bè và giám tuyển nhưng luôn có sự tôn trọng như giữa các đồng nghiệp. Đến tuổi này, tôi từ từ nhận ra sự ngăn cách giữa các thế hệ là có thật. Tôi và bố tôi cũng vậy nhưng điều quan trọng là ông ủng hộ tôi và ngược lại. Hiểu nhau thì quá tốt, không hiểu mà vẫn ủng hộ thì càng quý vì không ai hiểu ai trăm phần trăm. Ngoài là họa sĩ Rừng, bố tôi còn là nhà văn Kinh Dương Vương, nhà thơ Dung Nham. Tôi thích cách nhìn/nghĩ phóng khoáng đầy lửa và trẻ thơ của ông, có lẽ nó đã ảnh hưởng nhiều đến tôi trong nghệ thuật. 

Ngày 17/9/2019, tôi thật sự xúc động khi ông đã ở trên tàu cùng tôi chứng kiến sự kiện lịch sử thả ngón tay đồng thứ ba xuống biển trong dự án Time Boomerang, chinh phục châu Mỹ. Ông cũng tham gia đập bản đồ tạo ra trật tự thế giới mới tại Bảo tàng quận Cam hay lái robot vẽ tại The Factory 2017 trong dự án License 2 Draw. Ông muốn chứng kiến những việc tôi làm và sự đồng hành của hai thế hệ trong ý thức và tiếp nối là điều quan trọng đối với tôi.
* Xin cảm ơn anh.

Nghệ sĩ Nguyễn Trần Ưu Đàm sinh năm 1971 tại Kon Tum. 
1994: tốt nghiệp ngành điêu khắc tại Đại học Mỹ thuật TP.HCM. 
2002: tốt nghiệp cử nhân nghệ thuật tại Đại học UCLA (Los Angeles). 
2005: tốt nghiệp thạc sĩ mỹ thuật tại School of Visual Arts (New York - Mỹ). 
Các tác phẩm của anh đã được triển lãm nhiều nơi trên thế giới như: Yokohama Art Museum, Orange County Museum of Art, Jewish Museum New York, The High Line Art, Shanghai Museum of Art, Mori Art Museum (Tokyo), Singapore Art Museum, Bildmuseet Museum of Art, Queensland Art Museum (Úc)… 
Từ khi trở về Việt Nam, anh hoạt động khá sôi nổi, có nhiều triển lãm cá nhân cũng như triển lãm nhóm và tham gia nhiều buổi tọa đàm về nghệ thuật. 

Lam Hạnh (thực hiện)  

Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

 

 

 

 


 

 


 

 
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • KHANH TUAN NGUYEN 06-10-2020 07:44:54

    Bài viết chứng tỏ người phỏng vấn có trình độ và sự hiểu biết nhất đinh về nghệ thuật và nghệ sĩ. Từ đó người thưởng ngoạn hiểu được sự sáng tạo của nghệ sĩ, bắt nguồn từ thực tế cuôc đời đến cảm hứng sáng tạo và rồi tác phẩm.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI