Nghệ sĩ làm từ thiện: Thay vì hạn chế, cần cơ chế rõ ràng

23/10/2020 - 13:36

PNO - Nghệ sĩ làm từ thiện nói riêng và cộng đồng nói chung, có bị xử lý khi phát động kêu gọi ủng hộ từ thiện? Nếu không, có nghĩa, pháp luật chưa được thượng tôn. Nhưng có, sẽ là chuyện buồn cười khi lòng tốt bị quy đổi thành chuyện phạm pháp.

Chuyện tốt lại bị “mắc kẹt” 

Trong một tuần lên tiếng quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung, ca sĩ Thủy Tiên nhận được hơn 100 tỷ đồng. Ngoài Thủy Tiên, vợ chồng ca sĩ Lý Hải - Minh Hà, vợ chồng Lương Thế Thành - Thúy Diễm, á hậu Lệ Hằng, người mẫu Lê Thúy, ca sĩ Phi Nhung, Hòa Minzy, Thái Thùy Linh, nghệ sĩ ưu tú Hoài Linh, MC Trấn Thành, MC Đại Nghĩa… cũng đều nhận được số tiền ủng hộ từ thiện ủng hộ rất lớn từ cộng đồng. 

Những hành động này đáng tôn vinh, trân trọng, nhưng đối chiếu với luật hiện hành lại vướng mắc. Cụ thể, theo quy định tại điều 5, chương 2 của Nghị định 64/2008/NĐ-CP, chỉ có những đơn vị sau được nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ: Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam; hội Chữ thập đỏ (HCTĐ) Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của trung ương, địa phương; Ủy ban MTTQ Việt Nam và HCTĐ các cấp ở địa phương, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện hợp pháp theo quy định của Chính phủ; các tổ chức, đơn vị ở trung ương được Ủy ban MTTQ Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép. Nghị định nhấn mạnh: “Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ”.

Ca sĩ Thủy Tiên trong một chuyến đi cứu trợ  ở vùng lũ

Ca sĩ Thủy Tiên trong một chuyến đi cứu trợ ở vùng lũ

Trong khi đó, cũng nghị định này tại khoản 1, điều 2, chương 1 lại ghi, “nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp và tổ chức vận động đóng góp để nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn”… Dư luận tự hỏi, có phải nội dung nghị định đang mâu thuẫn nhau?

Cần thay đổi

100 tỷ đồng không phải nhỏ; nhưng Thủy Tiên có thể quyên góp chỉ trong bảy ngày (trong khi thu nhập bình quân của người Việt Nam chỉ khoảng 65 triệu đồng/năm, hơn 5 triệu đồng/tháng). 3,2 tỷ đồng từ NSƯT Hoài Linh chỉ trong 24 giờ, hơn số tiền quyên góp được từ một đêm nhạc được tổ chức trước đó để hỗ trợ miền Trung chống dịch COVID-19 với sự tham gia của hàng chục nghệ sĩ. Điều đó cho thấy sức ảnh hưởng của nghệ sĩ trong những tình huống khẩn cấp. Trong khi đó, các tổ chức được quy định trong luật chưa chắc thực hiện được việc tương tự. 

Bên cạnh đó, có một thực tế, không phải là tất cả nhưng ở đâu đó, vẫn có chuyện tiền, hàng cứu trợ thông qua các tổ chức, địa phương chưa đến đúng đối tượng, mục đích, khiến lòng tin của người dân bị giảm sút. Thực tế, việc cứu trợ đồng bào do nghệ sĩ thực hiện thường diễn ra nhanh chóng do không vướng mắc về thủ tục, giấy tờ. Họ chủ động, linh hoạt để việc cứu trợ hiệu quả hơn. Không quá khó hiểu khi họ có thể thu hút được nguồn đóng góp lớn hơn.

Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư Hà Nội, cho rằng: “Chúng ta nên ủng hộ mọi nguồn lực để hỗ trợ người

Nhà nước làm những việc lớn hơn, còn một người dân nhỏ bé như mình là làm sao giúp được cộng đồng càng nhiều càng tốt theo tinh thần lá lành đùm lá rách. Việc làm của Tiên xuất phát từ cái tâm của một cá nhân mong muốn giúp đỡ cộng đồng, trao tận tay để giúp đỡ bà con, không thông qua một tổ chức nào cả và cũng không tạo ra một tổ chức nào cả. Tiền người dân gửi cho Tiên đi trực tiếp giúp đỡ, là Tiên phải cầm đi, dù có cực đến mấy… 

Ca sĩ Thủy Tiên

dân trong những tình huống khẩn cấp này. Nghị định 64/2008/NĐ-CP ra đời hơn mười năm, xã hội đã nhiều thay đổi, đến nay có vẻ đã lỗi thời, chưa hỗ trợ phát huy tối đa các nguồn lực tham gia cứu trợ, đặc biệt với nhóm cá nhân. Tôi nghĩ đã đến lúc cần thay đổi để người người, nhà nhà có khả năng đều được thực hiện việc quyên góp, cứu trợ nhân đạo”.

Theo luật sư Nguyễn Quốc Cường, đoàn luật sư TP.HCM, Nghị định 64 ra đời trong thời điểm đó có thể hợp lý với thực tế. Vì bên cạnh những hoạt động thiện nguyện tích cực; có không ít người cũng dựa vào đây để trục lợi.

“Trong tình cảnh cấp bách, người dân thường không quá xét nét. Nhưng đến khi mọi việc ổn định trở lại, họ lại đòi hỏi công khai minh bạch tài chính. Nếu không có sự chuẩn bị, việc báo cáo tài chính sẽ rất khó cho cá nhân. Thứ hai, việc cứu trợ của cá nhân diễn ra nhanh nhưng công việc phân phối tiền, hàng khi không có kinh nghiệm, đặc biệt trong tình cảnh bão, lũ nguy hiểm, nếu xảy ra sự cố ai sẽ chịu trách nhiệm?”, luật sư Cường đặt vấn đề. 

Theo anh, những điều này cần được cân nhắc. Tuy nhiên, anh vẫn ủng hộ những việc làm tương tự của ca sĩ Thủy Tiên và nhiều nghệ sĩ trong thời gian qua, miễn minh bạch, phân phối hiệu quả.

Luật sư Tú góp ý, nếu luật định thay đổi, cho phép cá nhân được quyên góp, phân phối tiền, hàng tài trợ cần có cơ chế rõ ràng: “Chúng ta cần quy định rõ trình tự thực hiện, từ khâu tiếp nhận cho đến phân phối. Ví dụ, đóng góp chỉ được qua tài khoản ngân hàng, lập quỹ có sự giám sát của ngân hàng nhà nước hoặc một bên thứ ba có chức năng quản lý, giám sát, công khai chi tiêu bằng cách báo cáo với các cơ quan địa phương, có chứng từ. Nhà nước cũng cần thực hiện công tác kiểm toán, đặc biệt nhanh chóng trong những trường hợp nghi ngờ có sai phạm. Tôi nghĩ chúng ta cần có một cơ chế chặt chẽ, thay vì hạn chế đối tượng”.

Luật sư Nguyễn Quốc Cường cho rằng, việc phân phối nên thông qua những tổ chức chuyên nghiệp nhưng phải bảo đảm nhanh chóng, có thể xã hội hóa hoàn toàn, không nên cứng nhắc chỉ là tổ chức nhà nước. 

Thành Lâm

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI