Nghe học trò mượn sách mà vui

21/05/2022 - 06:32

PNO - Khi học trò kết thúc kỳ thi cuối năm cũng là lúc phụ huynh băn khoăn làm gì để con có mùa hè bổ ích. Để hạn chế con cầm điện thoại, ngoài các khóa học năng khiếu… cần nhất vẫn là đọc sách, dù không phải dễ dàng.

Sách “cạnh tranh” với điện thoại

“Tôi có một cậu học trò lớp 8, khá nhút nhát và thiếu kỹ năng sống. Lần nào dạy, tôi cũng khơi gợi để em chịu khó đọc sách mà thay đổi mình. Gần đây, em đã đến tìm tôi thỏ thẻ là muốn mượn sách, tự dưng tôi thấy vui vô cùng, vì lâu rồi mới thấy có học trò chủ động làm điều này”, cô Lê Thị Phương Lan (TP.Hà Nội) chia sẻ. Là giáo viên dạy toán nhưng cô Lan thường xuyên khuyến khích học trò đọc sách với hy vọng các em có thể học thêm điều gì đó mà bứt phá hơn. Bởi lẽ, học trò của cô đa phần sống ít va chạm, thiếu ý chí và bị động trước các tình huống thực tế. Các em phụ thuộc vào sự chủ động của cha mẹ, nhưng không phải cha mẹ nào cũng có đủ thời gian để quan tâm các em một cách tuyệt đối.

 

Thạc sĩ Vũ Thị Thanh Tâm đang kể chuyện bằng kịch vải Nhật Bản cho học sinh ở triển lãm Sách và trải nghiệm các hình thức kể chuyện sáng tạo tại Đà Lạt - ẢNH: NHÂN VậT CUNG CấP
Thạc sĩ Vũ Thị Thanh Tâm đang kể chuyện bằng kịch vải Nhật Bản cho học sinh ở triển lãm Sách và trải nghiệm các hình thức kể chuyện sáng tạo tại Đà Lạt - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô Hồ Thị Hoàng Trang - Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Xuân Thưởng (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) - cũng cho biết số lượng học sinh (HS) của trường thích đọc sách hiện rất ít, có chăng cũng chỉ đọc sách nâng cao, sách tham khảo nhằm phục vụ cho việc học tập. Dù nhà trường đã xây dựng nhiều tủ sách và thường xuyên phát động phong trào văn hóa đọc, trao đổi sách tại thư viện để HS có thể đọc nhiều sách hơn nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện.

“Trường có tầm 700 HS nhưng phần lớn những cuốn sách mà các em mang đến trao đổi đều là truyện tranh với những câu từ, hành động rất ngắn, thậm chí là không có trong từ điển Việt Nam. Việc đọc quá nhiều những loại sách như vậy đã dẫn đến vốn từ, cách diễn đạt, khả năng chính tả của các em trở nên vụn vặt, yếu kém. Khả năng giao tiếp cũng ngày càng hạn chế, nói một câu trọn vẹn trước lớp thôi đã là khó khăn”, cô Trang bày tỏ.

Theo cô Trang, công nghệ phát triển giúp cuộc sống con người trở nên thuận lợi hơn nhưng đồng thời cũng khiến HS xa rời thực tế, thích chơi với thiết bị điện tử hơn là đọc sách và giao tiếp bạn bè. Ngày trước, khi không có gì để cập nhật kiến thức ngoài sách, người ta quý sách như một món quà rất giá trị. Còn trong thời đại internet thì điện thoại, máy tính trở thành phương tiện bất ly thân. Tất nhiên, chúng vẫn mang lại nhiều giá trị nếu sử dụng đúng cách, nhưng ngay cả người lớn còn bị cuốn theo các sản phẩm mạng rồi xao nhãng nhiều việc thì chắc gì các em nhỏ sẽ chỉ học và đọc mỗi khi được cầm điện thoại trên tay. 

Vẽ đường… cho con đọc sách

Theo thạc sĩ Vũ Thị Thanh Tâm - người sáng lập dự án phát triển văn hóa đọc Ô cửa sách - trong thời đại văn hóa nghe nhìn lên ngôi, HS càng không muốn đọc sách. Đơn giản là bởi các phương tiện nghe nhìn tác động trực quan, sinh động và hấp dẫn, trong khi đọc sách thì phải qua các khâu trung gian như tưởng tượng, suy ngẫm, đối với các bạn trẻ là rất mất thời gian và không có hứng thú. Mặt khác, cách dạy học ở nước ta còn theo lối truyền thụ, chưa đòi hỏi nhiều sự tìm tòi, tra cứu nên các bạn cũng không có nhu cầu phải đọc sách.

Vậy nên, để HS thích đọc sách, cần phải giải quyết hai vấn đề trên. Cô Vũ Thị Thanh Tâm chia sẻ: “Về khía cạnh hứng thú đọc sách, cần khơi gợi các em bằng việc xuất bản những đầu sách hay, kích thích khả năng đọc qua các hoạt động ngoại khóa thú vị như ngày hội đọc sách, liên hoan kể chuyện… Chú trọng việc tạo thêm nhiều không gian đọc sách; thư viện nhà nước và thư viện trường học nên được thiết kế thân thiện, thư viện phải là trái tim của trường học. Đồng thời khuyến khích các mô hình thư viện tư nhân, cà phê sách cũng như các góc đọc sách công cộng tại công viên, trạm xe buýt”.

Ngoài ra, cô Vũ Thị Thanh Tâm còn nhấn mạnh vai trò của thư viện nhỏ, góc đọc sách trong mỗi hộ gia đình cũng đặc biệt quan trọng. Cha mẹ phải tìm ra những lý do thuyết phục hơn để khuyến khích con trong hành trình làm quen với việc đọc sách. Ví dụ như đọc sách sẽ tăng độ gắn kết giữa cha mẹ và con cái; đọc sách giúp con trải qua nhiều cuộc đời, nhiều nhân vật để dễ đồng cảm và bao dung hơn; đọc sách để con có thể tự học, tự khám phá trong niềm say mê giữa thời đại mà việc học ở trường và ở các trung tâm dạy thêm đã chiếm gần trọn thời gian. 

Về khía cạnh nhu cầu đọc sách, chương trình học của nhà trường cũng như cách dạy học của thầy cô phải chú trọng vào việc kích thích khả năng tự học, tạo điều kiện để HS tự tìm tòi, tra cứu chứ không cung cấp sẵn kiến thức bằng kiểu dạy đọc chép. Trong mùa hè này, cô Vũ Thị Thanh Tâm khuyến khích HS nên tìm đọc những loại sách, truyện hỗ trợ phát huy trí tưởng tượng, khả năng thấu cảm và nhiều loại sách khoa học để bổ sung kiến thức. 

Hè này nên cho trẻ đọc sách gì?

Với nhóm trẻ từ 4 - 10 tuổi, theo thạc sĩ Vũ Thị Thanh Tâm, phụ huynh nên tìm các loại sách có kèm theo hoạt động vui chơi như bộ Hít hà mùi đất nước kèm với hoạt động khám phá thiên nhiên, trồng cây xanh; bộ Bella - Cô bé hay tò mò kèm với hoạt động tư duy cùng con; bộ COVID trong mắt trẻ thơ cùng hoạt động quan sát và viết lại cuộc sống xung quanh mình… Khi có con đang trong độ tuổi này, cha mẹ cần dành nhiều thời gian để quan sát và hỗ trợ con làm quen với sách. Thay vì đưa cho con một chiếc điện thoại thông minh, hãy ngồi xuống để đọc cùng con những dòng chữ, hoặc khuyến khích con đọc và lắng nghe.

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI