Ngân hàng hạ lãi vay doanh nghiệp, âm thầm nâng lãi vay cá nhân

27/02/2020 - 07:29

PNO - Để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, nhiều ngân hàng thông báo hạ lãi suất huy động và lãi suất vay với doanh nghiệp, song lại “âm thầm” tăng lãi vay với khách hàng cá nhân.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện thanh khoản của các ngân hàng vẫn dồi dào, không có hiện tượng thiếu vốn. Do đó các ngân hàng phải xem xét giảm lãi vay, không được tăng lãi suất huy động để hỗ trợ khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ngay sau đó, một số ngân hàng đã thông báo điều chỉnh giảm lãi suất huy động từ 0,1 - 0,4%/năm.

Ngân hàng Nam Á đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động sản phẩm tiền gửi tiết kiệm xuống 0,1% cho các kỳ hạn từ 18 tháng, 23 tháng, 25 tháng và các kỳ hạn từ 26 tháng trở xuống. Riêng các giao dịch gửi tiết kiệm trực tuyến, ngân hàng này áp dụng giảm 0,1% cho kỳ hạn 18 tháng và giảm 0,2% cho kỳ hạn 36 tháng.

Một số ngân hàng khác cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động như Techcombank điều chỉnh giảm từ 0,05 - 0,2% ở hầu hết các kỳ hạn. Eximbank giảm 0,4% kỳ hạn 36 tháng và giảm 0,1 - 0,2% ở các kỳ hạn 12 và 18 tháng. VPBank điều chỉnh giảm 0,1 - 0,3% ở các kỳ hạn gửi 6 tháng trở lên. ACB cũng điều chỉnh giảm 0,2% ở các kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng so với biểu suất mà ngân hàng này niêm yết tháng 1/2020.

Các ngân hàng không chỉ giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp mà nên giảm cả lãi suất vay cá nhân
Các ngân hàng không chỉ giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp mà nên giảm cả lãi suất vay cá nhân

Theo các chuyên gia, một khi đã giảm lãi suất huy động, các ngân hàng phải giữ nguyên hoặc giảm lãi suất vay. Trong khi đó, các ngân hàng chỉ giảm lãi suất vay hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, không hề hạ lãi suất vay đối với cá nhân, thậm chí còn nâng lãi suất vay cá nhân lên.

Vào ngày 22/2, một số khách hàng đang vay tín chấp tại TPbank cho biết, họ được thông báo tăng lãi suất vay thêm 2%/năm, từ 18,6% lên đến 20,6%/năm. Ngân hàng này giải thích, lãi suất khách hàng cá nhân sau ba tháng sẽ thay đổi một lần, đây là quy định từ trước đến nay. Theo đó, lãi suất vay sẽ bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng với biên độ 10,2%/năm. Nếu lãi suất tiết kiệm tăng thì lãi suất vay mới tăng, trong khi đó lãi suất tiết kiệm của ngân hàng này từ tháng 1/2020 đến nay vẫn giữ nguyên, thậm chí vào tháng 12/2019 còn hạ lãi suất huy động từ 0,2-1%/năm tại một số kỳ hạn.

Ngoài ra, một số khách hàng cho biết, trong năm 2019 cũng bị tăng lãi suất, nhưng chỉ tăng nhẹ từ 18,4% lên 18,6%/năm, tức chỉ tăng 0,2%. Nhưng đợt này lại tăng mạnh một lúc lên 2%/năm.

Không chỉ ngân hàng nội mà khối ngân hàng ngoại cũng điều chỉnh tăng lãi suất vay. Mới đây Pulicbank đã điều chỉnh tăng lãi suất vay thế chấp dành cho khách hàng cá nhân thêm 0,2%/năm. Nhiều khách hàng vay thế chấp tại các ngân hàng khác cũng cho biết bị nâng lãi suất vay lên đến 0,5 - 1%. Khi khách hàng phản ánh thì các ngân hàng cho rằng, do đến thời điểm lãi suất chuyển từ cố định sang thả nổi, nhưng cách tính lãi suất thả nổi như thế nào, biên độ lãi suất bao nhiêu thì các ngân hàng không hề ghi vào hồ sơ vay.

Một số ngân hàng khác mặc dù thời điểm này không tăng lãi suất nhưng vẫn giữ mức lãi suất rất cao so với mặt bằng lãi suất chung. Như Eximbank vẫn giữ lãi suất từ 11,5 - 12%/năm đối với vay thế chấp. Còn ngân hàng V. đối với vay tín chấp, mặc dù một số khách hàng được trong diện lãi suất 28% nhưng vẫn bị áp dụng mức lãi suất là 32%/năm kể từ khi làm hồ sơ vay.

Nhiều ý kiến cho rằng, phải chăng các ngân hàng đang nâng lãi suất vay cá nhân để bù vào khoản lợi nhuận đã hao hụt từ việc hạ lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch COVID-19?

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – cố vấn cao cấp Hội đồng quản trị ngân hàng NCB cho biết, không có bằng chứng để khẳng định các ngân hàng tăng lãi suất vay cá nhân lên để bù trừ cho việc hạ lãi suất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo tinh thần thì mặt bằng lãi suất chung (cả doanh nghiệp, cá nhân, vay thế chấp, tín chấp) tại thời điểm này cần phải giảm xuống. Nếu tăng lãi suất cá nhân lên để bù trừ cho doanh nghiệp thì không hợp lý vì tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng mọi mặt kinh tế, không riêng các doanh nghiệp mà khách hàng cá nhân vay cũng gặp khó.

Theo ông Hiếu, trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát diện rộng nói riêng và tình hình kinh tế suy giảm nói chung, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thật sự, NHNN cần hỗ trợ giảm lãi suất điều hành xuống (bao gồm lãi suất tái chiết khấu, lãi suất thị trường mở, lãi suất tái cấp vốn, cho vay bù đắp thiếu hụt…). Lần này không thể giảm ở mức độ 0,25% lãi suất điều hành như NHNN vừa công bố mà phải đến 0,5%.

Việc giảm mạnh này sẽ giúp chi phí vốn của các ngân hàng thương mại, nền kinh tế giảm xuống, từ đó mới kéo theo giảm lãi suất vay. Ngoài ra, để hỗ trợ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa cũng có thể vào cuộc bằng cách giảm thuế cho ngân hàng, từ đó giảm lãi suất vay.

“Với lãi suất điều hành hạ 0,25%, NHNN đang hướng tới mục tiêu giảm ít nhất 0,5%/năm lãi suất cho vay trong năm 2020. Nhưng mức lãi suất này thì không thể “ngấm” đối với các doanh nghiệp trong thời điểm bình thường, chưa tính mức ảnh hưởng do dịch COVID-19. Lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện nay rất cao, trung bình 9 - 11%/năm nên việc giảm 0,5% lãi suất thì chi phí chỉ giảm ở mức độ thấp. Như vậy nếu muốn hỗ trợ doanh nghiệp thì cần phải giảm mức 1% - mức giảm này chưa tính vào mức lãi suất giảm hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 mà các ngân hàng mới công bố gần đây” – tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI