Ngân hàng cần chính sách để có thể hỗ trợ mạnh cho doanh nghiệp

05/10/2021 - 06:21

PNO - Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp đang rất cần ngân hàng cho vay nguồn vốn mới với lãi suất thấp để có thể khôi phục hoạt động. Các ngân hàng thì cho biết Nhà nước cần có chính sách để họ có thể tự tin hỗ trợ cho doanh nghiệp mà không lo bị rủi ro tín dụng.

Dè dặt giảm lãi

Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp (DN) khu công nghiệp TPHCM - cho biết vấn đề được các DN quan tâm, kiến nghị hỗ trợ nhiều nhất là tài chính, như giảm lãi, khoanh nợ, miễn giảm thuế, phí. 16 ngân hàng (NH) thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ của nền kinh tế) đã nhất trí nguyên tắc áp dụng giảm lãi suất (LS) cho vay từ 0,5 - 2,5%/năm trên dư nợ hiện hữu, áp dụng từ ngày 15/7/2021 cho đến cuối năm nhưng đến nay, chỉ có vài NH lớn giảm lãi cho DN, mức giảm cao nhất cũng chỉ 0,5%. 

Chính phủ cũng thông báo sẽ miễn, giảm thuế thu nhập DN nhưng chính sách này không có ý nghĩa thực tiễn bởi DN phải đóng cửa nhiều tháng qua, không có thu nhập. Điều mà DN mong muốn là khi tái hoạt động, họ được hỗ trợ ba vấn đề: giảm LS trên dư nợ hiện hữu, cho vay với LS  thấp và không cần thế chấp.

“Hiện các DN không còn tài sản gì để thế chấp, trong khi NH vẫn yêu cầu thế chấp tài sản. NH cũng cần kinh doanh hiệu quả nên nếu không nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước thì họ cũng không dám hỗ trợ DN mạnh tay. Trong khi đó, các DN phải tồn tại, phát triển thì mới tiếp tục trả LS NH được”, ông Nguyễn Văn Bé nói. 

Theo ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.Cần Thơ, Chủ tịch Hội đồng Các hiệp hội DN đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - trong ba tháng qua, vùng ĐBSCL có gần 10.000 DN (chiếm 20%) tạm dừng kinh doanh, ngừng hoạt động hoặc giải thể. Hầu hết các DN chỉ sản xuất được khoảng 20% sản lượng, không có doanh thu, lợi nhuận để trả lãi vay. Việc cho DN hoạt động trở lại là điều đáng vui, nhưng DN đang thiếu vốn để mua nguyên vật liệu để tái sản xuất. Vừa qua, chỉ có bốn NH thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank) giảm lãi mạnh, còn các NH thương mại cổ phần vẫn duy trì lãi cao, trong khi phần lớn DN nhỏ và vừa, nông dân, hộ kinh doanh chủ yếu vay vốn từ các NH thương mại cổ phần. 

Ông Nguyễn Phương Lam đề nghị: “DN hiện nay rất cần vốn, rất cần khoản vay với LS thấp. Phải có cách nào đó giảm lãi tối đa cho DN, hoặc NH Nhà nước xem xét, đưa ra gói cho vay LS thấp hoặc không lãi với các điều kiện xét duyệt dễ dàng hơn, để hỗ trợ cấp thời cho DN”. 

Các doanh nghiệp đang rất cần được ngân hàng cấp vốn với lãi suất thấp để khôi phục hoạt động
Các doanh nghiệp đang rất cần được ngân hàng cấp vốn với lãi suất thấp để khôi phục hoạt động

Ông Nguyễn Hữu Nam - Phó Giám đốc VCCI chi nhánh TPHCM - thông tin theo khảo sát của VCCI và NH Thế giới (WB), có đến 87% DN bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Hiện nay, số DN rút khỏi thị trường tăng 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương khoảng 85.500 DN. Đại diện các DN đã phản ánh đến VCCI nhiều vấn đề, trong đó có việc không được giảm lãi vay như mong muốn. Phần lớn DN ở TPHCM chỉ hoạt động đạt 30% công suất và chưa được hưởng sự ưu đãi nào ngoài việc giảm lãi nhỏ giọt của các NH. 

Nhà nước cần cấp bù lãi suất 

Ông Phan Đình Tuệ - Phó Tổng giám đốc NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) - cho biết nhiều DN phản ánh, điều kiện cho vay của NH còn quá khắt khe. NH cũng muốn hỗ trợ DN nhưng vẫn phải bảo đảm các điều kiện cho vay để giữ an toàn hệ thống tín dụng, như DN phải có kế hoạch kinh doanh hiệu quả, có năng lực tài chính, có tài sản, khả năng trả nợ gốc lẫn lãi. NH có thể nới lỏng điều kiện cho vay nhưng chỉ ở một mức độ nhất định với từng DN. Ông nói: “Phải có sự hỗ trợ của Chính phủ, NH mới yên tâm triển khai kế hoạch cho vay, hỗ trợ số 
đông DN”. 

Tiến sĩ Phạm Thị Thanh Xuân - giảng viên nghiên cứu chính sách, Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) - cho rằng nếu đòi hỏi NH tiếp tục giảm LS sâu hơn và nới lỏng điều kiện vay thì rủi ro từ nền kinh tế sẽ chuyển dịch vào hệ thống NH. Việc hấp thụ các rủi ro này sẽ là gánh nặng cho ngành NH. 

Theo bà, NH đang lấy tiền gửi của khách hàng để cho vay; muốn giảm LS cho vay xuống thấp thì phải hạ LS tiền gửi xuống thấp hơn nữa. LS tiền gửi xuống quá thấp thì lại có hại cho nền kinh tế vì dòng vốn sẽ rời khỏi NH, chảy vào bất động sản, vàng, USD; NH sẽ thiếu vốn để rót vào sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, hiện nay, dòng vốn luân chuyển từ người có sang người cần thông qua hệ thống NH lên đến 90% vốn cả nền kinh tế. Một sự thay đổi nhỏ về LS cũng làm ảnh hưởng đến hệ thống NH. Bà đề nghị: “Chính phủ nên đóng vai trò là người hấp thụ rủi ro cuối cùng, bù LS để NH thương mại giảm lãi vay mà không phải giảm lãi tiền gửi; hoặc Chính phủ giảm thuế thu nhập DN cho NH thương mại; đồng thời, NH Nhà nước nên đẩy mạnh thị trường bán nợ, tạo thanh khoản cho hoạt động tín dụng của NH vốn đã đóng băng do COVID-19”. 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Nam cho rằng, thời gian qua, Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ DN như gói vay 7.500 tỷ đồng với LS 0% hỗ trợ DN vay trả lương người lao động và tái sản xuất; chỉ đạo NH Nhà nước ban hành các thông tư về giảm lãi, khoanh nợ, cơ cấu lại nợ cho DN bị ảnh hưởng của dịch COVID-19; giảm thuế cho DN. Nhưng tính khả thi của các chính sách trên lại không cao, nguồn vốn vẫn nằm một chỗ, không giải ngân được, còn DN vẫn khát vốn: Ông nói: “Các quy định cần phải thực tế hơn. Để NH mạnh dạn giảm LS, cần sự hỗ trợ từ Chính phủ và nhiều bộ, ngành, để NH có chính sách khoanh nợ đại trà (không cần điều kiện) trong một giai đoạn nào đó đủ để DN sống được, tạo ra doanh thu để trả nợ đúng hạn”. 

Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - DN đang cần một giải pháp đột phá, khẩn cấp để có nguồn vốn sản xuất. Hầu hết các DN vừa và nhỏ đều rất khó khăn, không còn tài sản thế chấp, yếu về khả năng tài chính, vốn tự có và phương án kinh doanh, trong khi đây lại là điều kiện để các NH cấp vốn. Để đối tượng này tiếp cận được nguồn vốn, cần phải thành lập một “tổ hợp tín dụng” cung cấp gói vay 300.000 tỷ đồng (lấy từ nguồn tiền gửi không kỳ hạn của các NH) dưới sự bảo lãnh của quỹ tín dụng quốc gia và sự hỗ trợ của các quỹ bảo lãnh tín dụng ở địa phương. Đây là hình thức mà các nước phát triển đang áp dụng để hỗ trợ DN và rất hiệu quả. 

“Nếu chưa thành lập “tổ hợp tín dụng” thì trước mắt, có thể sử dụng các quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương (28 quỹ) để bảo lãnh cho DN, giúp NH mạnh dạn rót tiền. Thời gian qua, không ít DN đã tìm đến các quỹ này nhưng lại không được hỗ trợ như mong muốn. Đây là lúc các địa phương cần tạo điều kiện để các quỹ này phát huy vai trò của mình” - tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói. 

Thanh Hoa 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI