Nên tăng mức giảm trừ, giảm thuế thu nhập cá nhân

02/08/2023 - 06:05

PNO - Từ ngày 1/7, lương của chị Ngọc Hằng - nhân viên một đơn vị hành chính sự nghiệp - tăng thêm hơn 1,2 triệu đồng/tháng, thuế thu nhập cá nhân của chị cũng tăng thêm 123.700 đồng/tháng.

Lương tăng, vẫn sống chật vật

Theo Nghị quyết 69/2022/QH15 của Quốc hội, từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức tăng từ mức 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Tính theo hệ số lương (từ 1,35 đến 8), mức lương của mỗi người tăng thêm từ 700.000 đến 2,48 triệu đồng/tháng. Lương tăng kéo theo mức thuế thu nhập cá nhân (TNCN) phải đóng hằng tháng cũng tăng. 

Người lao động làm thủ tục quyết toán thuế thu nhập cá nhân tại Chi cục Thuế quận 1, TPHCM
Người lao động làm thủ tục quyết toán thuế thu nhập cá nhân tại Chi cục Thuế quận 1, TPHCM

Là giảng viên một trường đại học, anh Huỳnh Khánh có ngạch công chức A2, hệ số lương 5,42. Đầu tháng 7/2023, lương của anh tăng thêm 1,681 triệu đồng, từ 8,076 triệu đồng/tháng lên 9,756 triệu đồng/tháng. Sau khi cộng thêm các khoản phụ cấp (giờ dạy học, thu nhập tăng thêm do hoàn thành nhiệm vụ…), tổng thu nhập của anh Khánh là 17,8 triệu đồng/tháng. 

Anh Khánh chưa kịp mừng thì thấy thuế TNCN tăng từ 261.900 đồng/tháng lên 430.000 đồng/tháng. Trong khi đó, khoản vay 600 triệu đồng mua căn hộ trả góp đã hết thời gian ưu đãi lãi suất nên số tiền phải đóng hằng tháng tăng thêm 1,75 triệu đồng, từ 7,91 triệu đồng lên 9,66 triệu đồng (tháng 6/2023, lãi suất khoản vay ở mức 9,9%/năm, nay thả nổi ở mức 13,4%/năm). Giá cả hàng hóa, dịch vụ trên thị trường cũng liên tục tăng nên anh Khánh phải chi xài rất tiết kiệm mới đủ sống.

Chị Ngọc Hằng là nhân viên một đơn vị hành chính sự nghiệp, có hệ số lương là 3,99 nên mức lương của chị được tăng thêm 1,237 triệu đồng/tháng, từ 5,945 triệu đồng lên hơn 7,18 triệu đồng/tháng. Do có thêm các khoản thu nhập ngoài lương nên sau khi lương cơ sở tăng, tổng thu nhập của chị khoảng 20 triệu đồng/tháng. Mức thuế TNCN mỗi tháng của chị cũng tăng từ 526.300 đồng lên 650.000 đồng/tháng (không có người phụ thuộc để miễn trừ gia cảnh). Trong tháng, nếu có thêm các khoản tiền nghỉ lễ, tiền du lịch, tiền đồng phục, chị phải đóng thêm thuế TNCN từ 5 - 10% trên số tiền đó. Do vậy, có tháng, chị phải đóng thuế TNCN gần 2 triệu đồng. 

Theo quy định hiện hành, người có thu nhập từ 11 triệu đồng trở lên mỗi tháng thì phải đóng thuế TNCN và không được mua nhà ở xã hội. Như vậy, khi lương cơ sở tăng thêm, nhiều người không đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội dù kinh tế không khá giả. 

Phải tăng mức giảm trừ gia cảnh 

Theo luật sư Nguyễn Đức Nghĩa - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đại lý thuế TPHCM - năm 2009, Chính phủ có chính sách miễn, giảm thuế TNCN 6 tháng cho người lao động. Từ đó đến nay, vẫn chưa có chính sách hỗ trợ nào cho đối tượng này. Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay (kể từ khi có dịch COVID-19), rất nhiều doanh nghiệp kiến nghị nên miễn, giảm thuế TNCN cho người lao động để vừa giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, vừa giúp người lao động có thêm chi phí trang trải cuộc sống. 

Nhiều doanh nghiệp kiến nghị nhà nước giảm thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ người lao động bớt khó khăn (ảnh chụp tại Công ty cổ phần may Sài Gòn 3)
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị nhà nước giảm thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ người lao động bớt khó khăn (ảnh chụp tại Công ty cổ phần may Sài Gòn 3)

Theo ông, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ người làm công ăn lương vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Có thể xem xét miễn, giảm thuế TNCN trong 6 tháng cuối năm và tăng mức giảm trừ gia cảnh. Ông đề xuất, nên tăng mức giảm trừ gia cảnh gấp 4 lần theo lương tối thiểu vùng để phù hợp với mức sống của người lao động, tăng tính pháp lý, giảm chênh lệch giữa các vùng miền. 

Chẳng hạn, TPHCM có mức lương tối thiểu vùng là 4,68 triệu đồng, mức giảm trừ gia cảnh gấp 4 lần sẽ là 18,72 triệu đồng, thay vì mức 11 triệu đồng/tháng như hiện nay. “Nếu người lao động có chứng từ hợp lệ đối với các chi phí học tập, vay mua nhà, khám chữa bệnh… thì nên tính chung vào thu nhập chịu thuế để khấu trừ cho họ” - luật sư Nguyễn Đức Nghĩa kiến nghị. 

Theo luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang - sau 5 năm (từ 2019-2023), Nhà nước mới tăng lương cơ sở nên mức tăng 20,8% là không nhiều và lạc hậu so với mức tăng giá ngoài thị trường. Mức tăng này chỉ dành cho lương cơ bản, còn thu nhập thực tế chỉ tăng 6%. Trong khi đó, người lao động phải tăng số tiền đóng thuế TNCN, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, các loại sinh hoạt phí. Mức tăng lương này cũng chỉ dành cho người lao động thuộc cơ quan nhà nước, còn người lao động ở khu vực tư nhân vẫn không được tăng lương. 

Theo luật sư Trần Xoa, mức giảm trừ gia cảnh ở Việt Nam đang quá thấp và lạc hậu (mức phải đóng thuế TNCN của người nộp thuế là từ 11 triệu đồng, người phụ thuộc là từ 4 triệu đồng). Nếu mức giảm trừ gia cảnh được nâng lên phù hợp thì với mức tăng lương cơ sở hiện nay, người lao động sẽ không phải nộp thuế TNCN. 

Cũng theo ông, hiện có sự chênh lệch quá lớn giữa các đối tượng nộp thuế, tạo ra sự vô lý và thiệt thòi cho người lao động. Thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ tối đa 20% nhưng từ năm 2020 đến nay, doanh nghiệp được giảm thuế trong 4 năm và giảm tiếp 50% số thuế phải nộp trong 5 năm tiếp theo. Còn mức thuế TNCN tối đa lên tới 35%, chưa từng được miễn, giảm đồng nào. Ông kiến nghị, phải gấp rút nâng mức giảm trừ gia cảnh.

Bộ Tư pháp đã có kế hoạch điều chỉnh toàn diện Luật Thuế TNCN nhưng đến năm 2025 mới trình Quốc hội và dự kiến áp dụng từ năm 2026. Theo luật sư Trần Xoa, đợi đến năm 2026 mới nâng mức giảm trừ gia cảnh là quá chậm. Trong kỳ họp thứ năm vừa qua, Quốc hội cũng đồng tình rằng, trước mắt, phải tăng mức giảm trừ gia cảnh, nên đã ban hành Nghị quyết 101 ngày 24/6/2023, yêu cầu Chính phủ nghiên cứu phương án tăng để áp dụng ngay trong năm 2024. 

Luật sư Trần Xoa đề nghị, mức giảm trừ gia cảnh mới phải tuân theo cách tính của Luật Thuế TNCN hiện hành, tức gấp 2,5 lần GDP bình quân đầu người, còn người phụ thuộc là 40% thu nhập người nộp thuế. Theo Tổng cục Thống kê, GDP bình quân đầu người năm 2022 là 96 triệu đồng/người/năm, tương đương 8 triệu đồng/người/tháng nên mức giảm trừ gia cảnh phù hợp hiện nay phải là 20 triệu đồng/tháng, còn người phụ thuộc là 8 triệu đồng/tháng. 

Theo ông, Bộ Tài chính luôn cho rằng, tăng mức giảm trừ gia cảnh thì tổng thu ngân sách sẽ giảm. Thế nhưng, thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Như năm 2013, mức giảm trừ gia cảnh tăng từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng (tăng lên 125%) nhưng tổng thu ngân sách năm 2013 vẫn tăng. Năm 2020, mức giảm trừ gia cảnh tăng từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng thì tổng thu ngân sách cũng tăng cao kỷ lục. 

“Phải thu thuế TNCN theo cách để nuôi dưỡng nguồn thu chứ không nên tận thu. Đừng chỉ nắm “người có tóc” trong khi lại không quản lý được thu nhập và thả nổi những người làm nghề tự do” - luật sư Trần Xoa nói. 

Theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp được Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) thực hiện mới đây, người lao động đang đối diện với nhiều khó khăn, mức chi tiêu của họ giảm trong khi thuế TNCN có nhiều bất cập và không được điều chỉnh, người lao động không được hỗ trợ giảm thuế TNCN. Bên cạnh đó, trước tình hình nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động đang diễn ra phổ biến hiện nay, nhiều người lao động bất an, cảm thấy tương lai bấp bênh. Không ít người đã phải rút bảo hiểm xã hội một lần để chi tiêu trước mắt. Theo kiến nghị của các doanh nghiệp, nhà nước cần hỗ trợ giảm thuế TNCN để người lao động giảm bớt khó khăn, có chính sách đào tạo lại lao động, sắp xếp lao động dôi dư, qua đó hỗ trợ cho người lao động và cả doanh nghiệp. 

Ông Nguyễn Phước Hưng - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA)

Thanh Hoa 

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEanlanhsongmanhvi /strCate=anlanhsongmanh
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthitruongvi /strCate=thitruong