Nên biết xấu hổ từ một sự từ chối

15/09/2020 - 16:09

PNO - Hào Sĩ Phường và một số địa điểm khác “đóng cửa” với các cư-dân-check-in, khiến nhiều người bức xúc. Họ bức xúc, trong khi lý ra phải xấu hổ.

Trong hàng trăm ý kiến bức xúc lên án Hào Sĩ Phường, nhiều người cho rằng người dân khu này “vô ơn” khi chính những cư-dân-check-in đã làm nên sự nổi tiếng của nơi đây, để từ đó, con hẻm nhỏ ở quận 5, TPHCM trở thành địa điểm được biết đến không chỉ với ta mà còn với Tây.

Ý kiến khác cho rằng sự cấm đoán này thể hiện tính tùy ý, không căn cứ trên các quy định luật pháp. Với nhiều địa điểm khác tương tự như Hào Sĩ Phường, sự “vô ơn” đó càng nặng hơn khi cư-dân-check-in đã giúp các cơ sở kinh doanh được quảng bá miễn phí, như ở các chung cư cũ tại trung tâm thành phố...

Sự bức xúc ấy diễn ra khi không được đặt vị thế vào chiều ngược lại, ở người đưa ra sự từ chối.

Thực tế, khó ai có thể chấp nhận cảnh vừa mở cửa nhà, đã có vài cô gái ăn mặc hở hang uốn éo tạo dáng trước mặt – như điều mà người dân Hào Sĩ Phường đã chịu đựng suốt thời gian qua. Đi cùng với đó là sự ồn ào, văng tục và xả rác, cản trở lối đi của người dân... đến mức, có lúc chính quyền địa phương phải can thiệp, giải quyết.

Hào Sĩ Phường là một địa điểm lâu đời của Sài Gòn, một nơi khá thú vị để kể và chuyển những câu chuyện đến người khác bằng hình ảnh (dù trong số các cư-dân-check-in kia không mấy ai có mục đích đó, mà “sống ảo” là chính), nhưng đây cũng là nơi sinh sống của một cụm dân cư cụ thể với nhu cầu riêng tư, yên tĩnh và ứng xử có văn hóa.

Sự từ chối của người dân nơi đây, cũng là từ chối những phiền nhiễu đến từ ứng xử thiếu văn hóa của nhiều cư-dân-check-in.

 

Hẻm Hào Sĩ Phường hơn 100 năm tuổi đã "đóng cửa" với các cư-dân-check-in. Ảnh: Internet

Trước Hào Sĩ Phường, người dân ở một chung cư cũ trên đường Lý Tự Trọng, quận 1 cũng nhất trí đặt bảng cấm quay phim, chụp ảnh dù tại đây có rất nhiều cơ sở kinh doanh như shop thời trang, quán cà phê, quán ăn… Cấm chụp ảnh, quay phim cũng đồng nghĩa họ chấp nhận ít nhiều mất đi sự quảng bá địa điểm kinh doanh của mình.

Thế nhưng, khi “10 người đến chụp ảnh, để lại 10 ly nước trên lối đi” (lời một người dân nơi đây), mỗi nhóm đến là mỗi cuộc ồn ào, rượt đuổi nhau trên cầu thang… thì giá trị của sự quảng bá đó không đủ cho những bực mình, phiền toái mình họ nhận lại.

Mặt khác, đây còn là nơi sinh sống của một số hộ dân, ai sẽ chịu đựng được tình trạng mở cửa nhà là thấy ngổn ngang những rác? Chưa kể, nhiều "khách không mời" còn phản ứng lại sự bực bội của người dân bằng những lời lẽ vô văn hóa.

Không phải ngẫu nhiên nhiều nước đặt ra quy chuẩn ứng xử cho các địa điểm có tuổi đời cao, nơi mà ngay chính người dân đang sinh sống tại đó cũng phải “đi khẽ, nói nhẹ” không hẳn vì sự lâu đời hay xuống cấp của cơ sở vật chất.

Bên cạnh sự lâu đời thường đồng nghĩa với việc có những giá trị được xác lập bằng thời gian - cần tôn trọng lẫn trân trọng – còn có một giá trị khác về không gian, về văn hóa cần được tôn trọng không kém.

Nhưng khu chung cư là nơi ở của các hộ dân bỗng dưng trở thành điểm hẹn của check in của giới trẻ
Những khu chung cư là nơi ở của các hộ dân bỗng dưng trở thành điểm hẹn của cư-dân-check-in. Ảnh: Internet

Hào Sĩ Phường không chỉ xuống cấp vì có tuổi đời hơn 100 năm, đây còn là nơi lưu giữ gần như nguyên vẹn dấu ấn của người Hoa tại Sài Gòn, từ nếp sống đến kiến trúc lẫn cấu trúc quần thể. Yếu tố đó khiến nơi này thu hút cư-dân-check-in, cũng là yếu tố cần tôn trọng một cách tuyệt đối.

Phố cổ Hội An, nhiều năm trước đã phải ban hành quy tắc ứng xử thành văn bản, với sự giám sát của chính quyền, để ngăn ngừa những tổn hại có thể diễn ra với phố cổ đến từ những ứng xử vô ý thức. Đó cũng chính là điều mà Hào Sĩ Phường hay nhiều địa điểm khác đang gặp phải, dẫn đến những bảng cấm được đặt ra. 

Sẽ rất cũ nếu lại đề cập đến những người trẻ, ham check-in hơn ham tìm hiểu và trải nghiệm. Nhưng có vẻ như, dù đã bao nhiêu sự phẫn nộ được nêu lên khi những di tích, di sản hoặc không gian văn hóa bị xâm phạm bởi những hành vi, thái độ vô ý thức, điều này vẫn không dừng lại. Họ, đôi khi nhân danh khái niệm du lịch, lắm lúc nhấn mạnh sự tìm hiểu văn hóa để không ít lần quẳng cái nhìn khó chịu cho những “nạn nhân” của mình, bằng sự xấc xược và vô học.

Vậy thì, với những bảng cấm này, nên bức xúc hay cần biết xấu hổ, hỡi các cư-dân-check-in?

Di Di

 

 

 

 

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Mai Hoang Nguyen 23-09-2020 16:44:33

    Ở Seoul, người ta còn biểu tình, đặt các tấm biểu ngữ cẩm khách du lịch, hình và chữ yêu cầu Giữ yên lặng. Mình "xâm phạm" khu vực sinh hoạt của người ta, gây ồn ào, mất trật tự, xả rác thải (cái rác và các lời nói vô văn hóa, tục tĩu...) thì ai mà chịu được. Cần có luật quy định việc này.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI