Nâng hiệu quả phòng, chống lao của y tế cơ sở

20/04/2024 - 06:27

PNO - Để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, việc nâng cao năng lực của y tế cơ sở là giải pháp hết sức quan trọng.

Là cán bộ quản lý chung nhưng bác sĩ Võ Quốc Trạng - Trưởng trạm y tế thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang - cũng trực tiếp lãnh nhiệm vụ theo dõi chương trình lao ở địa phương.

Anh cho biết, trong thị trấn, đang có những ca mắc bệnh lao mới được phát hiện và lao kháng thuốc. Cứ 10 ngày, các bệnh nhân lao mới sẽ đến trạm y tế lãnh thuốc uống theo phác đồ, còn các bệnh nhân lao kháng thuốc được cán bộ y tế trực tiếp đến nhà phát thuốc 3 ngày/lần.

Quy định là vậy nhưng đa phần bệnh nhân thuộc diện kinh tế khó khăn, đi làm thuê trong huyện hoặc làm công nhân ở xa, thường quên ngày lãnh thuốc. Cán bộ y tế phải gọi điện thoại nhắc uống thuốc đúng phác đồ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bà Phạm Thị H. - 52 tuổi, ở khu phố Vĩnh Phước 2, thị trấn Vĩnh Thuận - nói: “Tôi buôn bán ở chợ nên bận rộn suốt ngày, có khi tới kỳ mà quên lãnh thuốc lao về uống. Mỗi lần như vậy, bác sĩ Trạng gọi điện nhắc. Nay đã hơn 4 tháng uống thuốc, sức khỏe cải thiện rõ rệt, hy vọng tôi sẽ khỏi bệnh lao trong lần xét nghiệm vào tháng Năm tới đây”.

Ông Nguyễn Văn Ph. - 63 tuổi, ở khu phố Vĩnh Phước 1, thị trấn Vĩnh Thuận - kể, trước đây, ông không nghĩ mình bị lao nên mỗi lần ho, sốt thì tự mua thuốc uống. Sau khi biết mình mắc bệnh lao, ông uống thuốc được vài tháng rồi bỏ do phải đi làm xa.

Gần đây, được bác sĩ Trạng tới nhà phát thuốc, yêu cầu uống đúng phác đồ, ông cố gắng điều trị tới nơi tới chốn để vừa khỏi bệnh, vừa tránh lây bệnh cho người xung quanh.

Để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, việc nâng cao năng lực của y tế cơ sở là giải pháp hết sức quan trọng.

Bác sĩ Hà Văn Nhân - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thuận - cho hay, mỗi năm, trung tâm điều trị cho hơn 100 ca lao các thể. Sau khi được điều trị ban đầu, bệnh nhân được chuyển hồ sơ về cho các trạm y tế quản lý, cấp thuốc theo bảo hiểm y tế.

Cán bộ y tế cơ sở là những người trực tiếp theo dõi, nắm tình hình và hỗ trợ kịp thời cho bệnh nhân lao. Nhờ cán bộ ở các trạm y tế nhiệt tình, giàu trách nhiệm nên 97% số ca đã khỏi bệnh.

Theo bác sĩ Lê Thành Hưng - Trưởng trạm y tế thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang - trạm có biên chế 7 người nên người phụ trách phòng, chống lao phải kiêm nhiệm chương trình phòng, chống dịch, tiêm chủng mở rộng và phòng, chống sốt rét.

Công việc nhiều nhưng chế độ của cán bộ chương trình ở trạm y tế xã và tổ y tế ấp khá thấp. Nhân sự của trạm ít nên khó triển khai thường xuyên việc tầm soát lao trong cộng đồng mà chỉ làm theo đợt (1-2 lần/năm).

Ngoài ra, đối tượng dễ bị lao là người nghèo, đi làm thuê rày đây mai đó nên việc tiếp cận họ cũng khó khăn.

Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Văn Lượng - Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi trung ương, Trưởng ban điều hành Chương trình Phòng, chống lao quốc gia - cho rằng, nước ta có số ca mắc lao cần điều trị và theo dõi rất cao, số ca mắc lao có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng cũng nhiều.

Do đó, rất cần tăng cường năng lực của y tế cơ sở nhằm chủ động phát hiện, phối hợp điều trị bệnh lao cho cư dân. Cần bổ sung trang thiết bị y tế, nhân lực, tập huấn các kiến thức, kỹ năng và có chế độ đãi ngộ thích đáng cho đội ngũ này.

Huỳnh Trọng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI