Nấm mối, “tiểu thư đỏng đảnh” thời thơ ấu

19/09/2020 - 12:44

PNO - Với tôi, nấm mối là một loại cây có chân, thích đâu mọc đó và thích ai thì cho người đó thấy. Nếu nó không thích, dù bạn có bò, lăn, lê lết trên đất từ ngày này sang ngày khác cũng không thể gặp.

Nấm mối, cây nhưng “lại có chân?”

Năm nào, khi Ngưu Lang - Chức Nữ sắp gặp nhau, má đều giục chúng tôi tăng cường dạo vườn, tìm nấm mối. Sau lời má, mỗi ngày, ít nhất, có một đứa rảo quanh vườn với dáng đi người ta thường bảo là “cắm đầu tìm tiền”. Tôi cũng không ngoại lệ nhưng tôi là ca đặc biệt. Tôi không được đi tìm nấm mối một mình mà luôn đi cùng ai đó. Lý do cho vấn đề này vừa bi vừa hài. Các anh chị tôi, kể cả thằng út trong nhà, từ lúc 6 tuổi đã có thể phát hiện nấm mối nhưng tôi... chưa một lần tìm thấy. Cơ duyên để tôi luôn đi cùng ai đó là do hai năm liên tiếp, sau "ngày trực” của tôi, anh chị hay mẹ tôi đều phát hiện đám nấm mối "lẽ ra hôm qua hái là vừa đẹp” nay đã bị dòi ăn hết.

Từ lúc ấy, tôi được má miễn nhiệm vụ tìm nấm mối nhưng anh chị em tôi không đồng ý. Mỗi khi đến ngày “cắm đầu xuống đất”, mỗi người đều kéo tôi đi cùng "để dạy cách tìm nấm mối (thật ra thì đi cùng cho có bạn)".

Nhà tôi có gần 3 héc-ta đất. Ba má tôi đều là nông dân. Từ nhỏ, ngày mưa hay ngày nắng, rảnh buổi nào, chị em tôi ra vườn lúc đó nên tôi cảm nhận kha khá khái niệm “má trồng toàn những cây dễ thương/ còn ba trồng toàn cây dễ sợ” như thế nào nhưng phạm trù này không bao hàm nấm mối, đều đặn xuất hiện vào tháng Bảy âm lịch mà vô cùng “đỏng đảnh”.

Nếu bạn nằm lòng câu chuyện: nấm mối chỉ sinh ra do một chất gì đó tiết ra từ con mối nên tìm quanh các ụ mối sẽ thấy thì tin tôi đi, đó chỉ là một cách nói. Kinh nghiệm 10 năm tìm nấm mối cho tôi một đúc kết: nấm mối là loài cây có chân, thích chỗ nào mọc chỗ đó và thích ai thì “gặp” người đó. Ai không thích thì có lăn lê bò lết trên đất cũng không tìm thấy. Mọi người bảo, người vía nặng, có đi ngang, đạp lên nấm cũng không biết. Và tôi là minh chứng sống. Suốt 10 năm trước khi xa nhà học đại học, tôi không tìm thấy đám nấm mối nào trong bán kính 5m quanh ụ mối. 10 năm, tôi chỉ tìm thấy lá và cỏ tại chỗ anh chị tôi từng tìm thấy nấm mối năm trước. 10 năm, có khi tôi đang chân bước đều bước trong “phiên trực” thì bạn đồng hành của tôi la lên: "Dừng dừng, mày lại đạp nát đám nấm mối rồi". Đấy, hai người đi chung với nhau, một người thấy nấm mối, người kia cứ thẳng chân mà giẫm lên nó, rồi nhận những ánh mắt khó hiểu của mọi người, thì bạn biết tôi bi ai đến nhường nào. 

Chỉ được dùng tre hay thân cây mà đào

Nấm mối, người ta bảo, ăn ngon nhất, giòn nhất, thơm nhất là khi còn búp nhưng má tôi ngược lại, bà bảo thích những chiếc ô bung to như những chiếc dù được cắm dưới đất. Lần đầu nghe má nói vậy, ba nhìn má, từ tốn: "Nấm còn búp mới ngon!". “Tôi nói nở”, má nói và ba im lặng. Thành ra, nhà người ta hái nấm vào buổi sáng, khi nấm còn búp, rất đẹp; nhà tôi đến chiều mới mang cây mang rổ đi đào nấm. Lúc đó, nấm mối đã nở rất to, trắng xóa. Ngồi bệt xuống đất, vừa bươi lá cây, vừa gạt bụi cây thấp, bạn sẽ có cảm giác như đang tiếp cận những ngôi nhà nấm của người tí hon trong chuyện cổ tích hay sắp gặp Tí cô nương của làng Xì trum. 

Nhắc đến việc mang cây đi đào nấm, tôi có một kỷ niệm nhớ đời. Năm đó, vào ngày phát hiện nấm mối, má tôi có việc bận, bảo mấy anh em ở nhà đào nấm, làm sạch, má về nấu. 

Trẻ con ham chơi, khi nhớ lại đã hơn 4g chiều. Cả đám quáng quàng xuống vườn, đứa nhổ, đứa kéo nhưng phần thân và gốc ngon nhất cũng là phần ăn sâu vào đất nhất, phải đào mới lấy được. Nấm mối mà nắm kéo thì toàn đứt gốc. “Nước đến chân”, tôi lao vào bếp, gom hết mớ dao của má, xuống đào. Nhờ vậy khi má về, rổ nấm mối đã sẵn sàng để vô chảo. Thoát nạn, mấy anh chị tôi vui lắm, khen không ngớt, khiến lỗ mũi tôi nở đến mấy phân. Nhưng rồi chiều ba ngày sau, má vác thanh tre xuống vườn, nhổ nấm mối, định bụng đổ bánh xèo mà không thấy mụt nấm nào. Má loay hoay tìm bên trái, bên phải, gọi cả đám con. Mười hai con mắt tìm đều không thấy. Biết má sắp nổi nóng, chị ba vội kể lại chuyện hôm trước và nhấn mạnh tôi là đứa bày trò dùng dao đào nấm mối. Tôi bị má “đánh 5 roi, để dành 5 roi, nếu lần sau tái phạm sẽ đánh 15 roi”.

Má bảo: “Nấm mối chỉ được dùng thanh tre hay cành cây vót nhọn mà đào hoặc lấy tay nhổ. Đào hay nhổ theo cách đó, vài ngày sau, nấm mối lại mọc, rồi lại mọc. Một chỗ nấm mối có thể đào được ba lần. Dùng dao, rựa hay cuốc thì... nấm mối sẽ không mọc nơi đó nữa”. Lúc đó, tôi mới nhận ra, tại sao nhà tôi có nhiều bữa cơm với nấm mối hơn so với nhà người khác; mới hiểu, tại sao đào nấm bằng thanh tre hay các cành cây nhọn tốn thời gian, công sức hơn nhưng má chưa bao giờ cho phép dùng dao hay cuốc để đào.

Trời mưa, ăn bánh xèo nấm mối

Lượng nấm mối nhà tôi thu hoạch được luôn nhỉnh hơn nhà hàng xóm. Ví dụ như, nhà người ta, nấm mối lớn nhất khi búp chỉ nhỉnh hơn ngón chân cái, khi nở thì bằng bàn tay bụm lại còn nấm mối nhà tôi khi búp đã bằng nấm nhà người khác nở và khi nở tương đương bàn tay người lớn xòe ra. Nấm mối nhà người ta mọc từng cụm nho nhỏ, nấm mối nhà tôi mọc “cả dề”, mỗi dề đào được vài ký. 

Khi nấm mối đã nhiều, giờ giấc đào nấm của nhà tôi lập tức thay đổi. Má bắt lũ con dậy đào nấm từ rất sớm, sao cho lấy được phần gốc nấm nhiều nhất. Sau đó, má lựa những bông nấm nở để ở nhà ăn còn nấm búp, má mang ra chợ bán. Tiền bán nấm, hôm má mua thịt heo, hôm mớ tôm biển tươi rói. Có lần nhìn nồi canh sườn heo nấm mối trong mâm cơm, má vui miệng nói lý do đào nấm ngược giờ: "Hồi trước, nhiều lúc muốn bán nấm mối lấy tiền mua thứ này thứ nọ nhưng thấy nấm ít, nhà thì đông, tao kìm lòng chờ đến chiều mới đào. Lúc đó, chợ tan, nấm mối nở nhiều, bán không được nhiêu tiền, ăn không tiếc”.

Được gọi là "thịt gà mọc từ đất", nấm mối có hương thơm đậm, vị ngọt, cả thân và búp nấm đều ngậm nước. Không chỉ ngon, nấm mối còn dễ nấu. Chỉ cần cạo sạch phần đất ở gốc, lộ ra phần thân trắng nõn, ngâm tí nước muối loãng, xả sạch, để ráo thì nấm mối xào cũng ngon, nấu canh cũng tuyệt, nấu cháo không ai có thể chê, còn đổ bánh xèo thì cả nhà giành nhau mà ăn. 

Chiều mưa, má đổ bột gạo vào khuôn. Khi tiếng xèo tan đi, má nhón tay, lấy vài miếng nấm mối đã được rửa ráo, cho lên bánh, đậy nắp. Bánh chín, má mở nắp, hương thơm đặc trưng của nấm mối thoảng như mời gọi. Lấy một ít rau sống cho vào tô, thêm chiếc bánh xèo nấm mối nóng hổi, chan tí nước mắm chua ngọt, lùa một phát rồi cắn. Vỏ bánh làm từ bột gạo thoang thoảng mùi củ nghệ tươi, nóng hổi phần giữa, giòn tan phần viền; nấm mối thơm ngọt; rau sống tươi thanh; nước mắm chua ngọt quyện vào nhau đã đến mức đứa nào cũng nuốt vội để cắn miếng tiếp theo... Nhà có hai khuôn bánh xèo bé xíu mà đông con nên má đúc liền tay vẫn không ngăn được âm thanh giành nhau. 

Tôi xa nhà gần 20 năm. Chiều, đang ngồi trong văn phòng, Zalo reo, anh năm khoe hình rổ nấm mối đầy vun nhưng mỗi cái nấm đều nở rõ to. Tiếng chị dâu tôi cười giòn tan: "Sáng tao xuống vườn, đi dạo mấy vòng không thấy. Trưa anh mày về, hái được đến 4 ký”. Nhìn anh chị, nhìn rổ nấm mối, tôi bật cười. Gần 20 năm làm dâu, vợ anh năm cũng "vô duyên" với nấm mối hệt như tôi. 

Huỳnh Hằng
 


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI