Vĩnh biệt nữ cán bộ hết lòng vì nước, vì dân

Một thế kỷ trọn tình vẹn nghĩa với nước non

08/06/2022 - 06:30

PNO - 22 tuổi, bà đã là Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, bị địch bắt, bị kết án tù chung thân khổ sai. Bà là một trong số mười nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên, là người bạn đời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Bà nhập cuộc và là chứng nhân bao giây phút thăng trầm của đất nước.

Bà tên là Ngô Thị Huệ (tên cha mẹ đặt là Nguyễn Thị Ngỡi). Hơn một thế kỷ cuộc đời trọn tình vẹn nghĩa với nước non, 20g ngày 5/6/2022, bà vĩnh viễn ra đi, để lại một kho huyền sử chan chứa tình yêu thương...

Từ nhà chùa đến với cách mạng

Bà Ngô Thị Huệ, sinh năm 1918, tại làng Mỹ Quới, H.Phước Long, tỉnh Sóc Trăng. Sống qua hai thế kỷ, bà kịp ghi lại hồi ký “Tiếng sóng bủa ghềnh” để thế hệ con cháu hiểu những gian truân của thế hệ tiền nhân đứng trên đầu ngọn sóng, dám hy sinh cuộc đời, tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của đất nước.

Chớm tuổi thiếu nữ, bà đến với nhà chùa tụng kinh, ăn chay trường, làm công quả… mong tìm thấy một lối thoát từ tôn giáo. Nhưng đến chùa rồi, bà vẫn không ngăn được bao đợt sóng ngầm vò xé trong lòng. Trong những ngày rằm đầy lễ vật của khách thập phương, bà có dịp nhìn thấy sự bất công trong cách đối xử của nhà chùa theo giá trị của từng mâm lễ vật. Đó cũng là dịp cho những người giàu đem khoe lòng mộ đạo. Họ được xun xoe, kính trọng còn những người nghèo bị hắt hủi, khinh miệt. 

Bà hoang mang, đau khổ. Sự hoài nghi thôi thúc bà đi tìm một con đường. Qua những người làm “kinh tế mạo hiểm” cho hoạt động cách mạng, bà chợt nhận ra, có một con đường thiết thực hơn để giải phóng cho mình, cho dân tộc. Từ đó, bà bắt đầu dấn thân… 

Dì Bảy Huệ và các đoàn viên thanh niên Hội LHPN TP.HCM trong buổi giao lưu, họp mặt Phụ nữ Cứu quốc năm 2010 ẢNH: PHÙNG HUY
Dì Bảy Huệ và các đoàn viên thanh niên Hội LHPN TPHCM trong buổi giao lưu, họp mặt Phụ nữ Cứu quốc năm 2010 Ảnh: Phùng Huy

Bà có nhiều kỷ niệm sâu sắc gắn với cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ. Hoạt động cách mạng khiến bà phải tiếp xúc, liên lạc với nhiều đồng chí. Sợ những người xung quanh dị nghị, đồng thời để che mắt mật thám, bà và đồng chí Quản Trọng Hoàng - Xứ ủy viên Xứ ủy Nam kỳ - tổ chức một buổi tiệc thân mật nhằm hợp pháp mối quan hệ. Nhưng bà giao hẹn với ông: “Đợi đến ngày khởi nghĩa thành công, có sự chứng kiến của cha mẹ đôi bên, tôi mới thực sự là vợ anh”.
Khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra, bà và ông Hoàng mỗi người chia tay mỗi ngả, lao vào đại cuộc. Năm ấy, bà Ngô Thị Huệ mới 22 tuổi, là Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, chỉ huy cuộc khởi nghĩa ở Châu Thành.

Sau cuộc khởi nghĩa, bà bị bắt vào tù rồi được thả, rồi lại bị bắt vào tù lần thứ hai, bị kết án chung thân khổ sai. Còn đồng chí Quản Trọng Hoàng bị bắt vào tù, bị kết án tử hình. Họ vẫn gửi cho nhau những bài thơ tràn đầy niềm tin về ngày chiến thắng. Cho đến khi ông bị đưa ra trường bắn, bà đau đớn hiểu rằng, chẳng còn dịp để bà ông về quê, ra mắt họ hàng của bà nữa. 

Bà Ngô Thị Huệ (hàng đứng thứ nhất, thứ hai từ phải) trong buổi lễ mừng thọ bà 90 tuổi tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ
Bà Ngô Thị Huệ (hàng đứng thứ nhất, thứ hai từ phải) trong buổi lễ mừng thọ bà 90 tuổi tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ

Người đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên

Năm 1945, nhân dân ta vùng lên giành chính quyền. Bà thoát khỏi nhà tù, trở lại quê hương hoạt động. Trong kỳ bầu cử đại biểu khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào tháng 1/1946, bà được người dân tin tưởng bầu làm đại biểu. 

Bà không thể quên được chuyến đi đầu tiên ra Hà Nội họp Quốc hội: “Thật là bỡ ngỡ. Tôi cũng không lường hết được những gian khổ, hiểm nguy. Lúc ấy, chúng tôi không thể đi công khai. Đoàn đại biểu đi trên một chiếc ghe đánh cá nghi trang. Tôi đi với anh Bạch, anh Quang, anh Nguyễn. Ba anh thay nhau lái, đôi lúc tôi cũng cầm lái. Tôi chỉ có được bộ bà ba trên người suốt hành trình trên biển vì va li đựng quần áo và các vật dụng thiết yếu bị thất lạc. Tàu đến mũi Cà Mau, qua biên giới đến Thái Lan. Ở đây, chúng tôi được Việt kiều ra đón. Mãi đến cuối năm 1946, tôi mới về được Hà Nội. Sau khi họp Quốc hội, toàn quốc đã đi vào kháng chiến. Tôi về đến Sài Gòn vào cuối năm 1947. Anh Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh, sau này là Tổng Bí thư) lúc đó là Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định ra đón chúng tôi. Tôi còn nhớ lúc đó, anh mặc một chiếc áo sơ mi vá vai”.

Mải dấn thân làm cách mạng, đến năm 29 tuổi, bà mới lập gia đình. Người đàn ông bà chọn làm người bạn đời chính là vị Bí thư Thành ủy mặc chiếc áo vá vai đi đón bà năm ấy. Do hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, năm 1959, bà mang ba con ra Hà Nội để nhận nhiệm vụ Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ thuộc Ban Tổ chức Trung ương. Chồng bà ở lại miền Nam hoạt động. Họ đã chịu cảnh xa cách đúng 15 năm.

Bà Ngô Thị Huệ cùng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong cuộc họp kỷ niệm 60 năm ngày Khởi nghĩa Nam kỳ (năm 2000)
Bà Ngô Thị Huệ cùng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong cuộc họp kỷ niệm 60 năm ngày Khởi nghĩa Nam kỳ (năm 2000)

Vị lãnh đạo giản dị, nhân từ

Tôi không bao giờ quên được hình ảnh bà trong ngày đầu đến Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ công tác, ra mắt các dì. Năm ấy (1990), tôi còn rất trẻ, nghe nói bà Bảy Huệ - một trong những thành viên sáng lập bảo tàng là phu nhân Tổng Bí thư nên có chút tò mò. 

Và tôi thật bất ngờ khi sau cánh cửa gian bếp hẹp của cơ quan, phu nhân Tổng Bí thư dung dị trong bộ quần áo bà ba đen đang cọ rửa một đống lớn ly tách. 

Cũng từ ngày 19/5/1990, tôi gắn bó với Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ hơn 30 năm, cho đến ngày về hưu. Nhiều bạn văn của tôi ngạc nhiên về điều đó. Họ nghĩ tôi phóng khoáng, không thích trói buộc thì khó bề gắn bó với một cơ quan toàn mấy bà má khó tính. Nhưng tôi đã được cái tình của các dì cưu mang và thuyết phục. 

Các dì đã truyền cho tôi tình yêu lịch sử, trách nhiệm với quá khứ. Cũng từ đó, trang viết của tôi đồng hành với số phận phụ nữ trên mọi nẻo đường đất nước. Những ngày đầu tiên đến với bảo tàng, với cá tính mạnh mẽ và có phần “lập dị”, khi vào cơ quan, ngoài công việc, tôi cắm mặt vào quyển sách, chẳng màng chú ý đến ai.  

Hôm ấy, tôi đang ngồi ở phòng khách đọc sách, dì Bảy Huệ bước vào. Với sự nhạy cảm của mình, tôi ái ngại xếp quyển sách lại, đầy cảnh giác. Dì nhìn tôi cười - nụ cười thật hiền, hồn hậu, thấu hiểu: “Con đọc sách đi. Thời giờ trống, đọc sách thì quá tốt con à”. Tôi nhìn dì, tự dưng rơi nước mắt. 

Cũng từ đó, tôi gắn bó với các dì trong công tác tìm lại các nhân chứng lịch sử, các dự án xây dựng nhà tình nghĩa, những công trình phim tài liệu về phụ nữ. Nhờ tầm nhìn và tấm lòng các dì mà bảo tàng có được những bộ phim tài liệu quý hiếm: Chân dung người mẹ, Ngày ấy Trường Sơn, Niềm vinh quang lặng lẽ, Những người con gái trong Khởi nghĩa Nam kỳ... Và quyển sách Lịch sử truyền thống phụ nữ Nam bộ do các dì chủ biên là một gia tài quý báu gửi lại cho thế hệ mai sau... 

Bà Ngô Thị Huệ trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM năm 2015
Bà Ngô Thị Huệ trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM năm 2015

Lần lượt các dì ra đi: dì Mười Thập (Nguyễn Thị Thập), đại tá - anh hùng Hồ Thị Bi, dì Trương Thị Thu... Rồi hôm nay, chúng tôi ngậm ngùi tiễn đưa dì Bảy Huệ về trời.

Dì ra đi, để lại biết bao tình. Tôi nhớ mãi lúc quyết định một mình sinh con. Ở một cơ quan truyền thống, đương nhiên tôi đối mặt nhiều sóng gió. Sau này, dì Bảy Huệ nói với tôi, cảm thông và chia sẻ: “Không phải mấy dì khe khắt mà vì thương con quá. Con là đứa con gái tốt, xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Người ta vợ chồng có đôi mà nuôi một đứa con còn chật vật, khó khăn. Con chỉ có một mình, làm sao nuôi nổi hai đứa con đây?”. 

Một lần nữa, tôi nhìn dì, rơi nước mắt vì sự thấu hiểu, sẻ chia. Sau này, khi tôi không còn ở cơ quan, dì vẫn hỏi thăm và rất vui khi biết cuộc sống của tôi ổn và các con tôi ngoan, trưởng thành. 

Cuộc đời trải qua hơn thế kỷ, nếm trải vinh quang và cay đắng, bà vẫn là bông hoa huệ trong trắng, thơm ngát và tỏa sáng tấm lòng trung kiên, nhân hậu của người phụ nữ Nam bộ đối với đồng bào và sự nghiệp cách mạng. Giản dị mà đường bệ, cẩn trọng mà gần gũi, chân tình, bà là một hình ảnh đầy thuyết phục cho những người trẻ nhìn lại chính mình.

Bà Ngô Thị Huệ từng làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa IV. Bà từng là Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM, cùng 11 cán bộ phụ nữ lão thành sáng lập, xây dựng Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ. Bà là người phụ nữ hiếm hoi của thế kỷ XXI được trao tặng Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng, Huân chương Hồ Chí Minh...

Trầm Hương

 
TIN MỚI