Mơ về ngôi trường hạnh phúc

16/02/2021 - 08:03

PNO - Có một ngôi trường khá khiêm tốn về quy mô, nhưng nhờ xác định đúng mục tiêu và cập nhật các phương pháp dạy học nên đã và đang gặt hái được rất nhiều giá trị.

 

Cơ sở chính của trường THCS và THPT Thái Bình khá khiêm tốn so với những khu “vườn trường” thênh thang, xanh mát
Cơ sở chính của trường THCS và THPT Thái Bình khá khiêm tốn so với những khu “vườn trường” thênh thang, xanh mát

Khu vườn bên bờ sông Sài Gòn

Chị hẹn và đưa chúng tôi đi thăm vườn trường. Xe hướng về Củ Chi, qua cầu Bến Súc thì khung cảnh “miệt vườn” với những vườn cây trái xanh tốt dần hiện ra. 

Vườn rộng 3ha nằm bên bờ sông Sài Gòn, thuộc xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, cách nội thành TPHCM hơn 60km, trồng đủ loại cây trái.

Con đường bê tông rộng 2,5m dẫn từ cổng vào ngôi biệt thự rộng 450m2, được thiết kế đầy đủ tiện nghi để phục vụ cho 30-40 học sinh (HS) và giáo viên (GV) cùng lưu trú.

Trước ngôi nhà là khoảng sân rộng. Ao cá, công trình điện mặt trời kết hợp với khu vườn ôn đới trong nhà kính đang hình thành. Phía sau ngôi biệt thự là vườn rau sạch trong nhà lưới. Hai bên con đường bê tông, hoa hồng, sao nhái, hoa mười giờ, bầu, bí, mướp cũng đang vươn lên trong nắng sớm.

Tất cả chi tiết đó tạo nên một điểm dừng chân của HS Trường THCS & THPT Thái Bình trong những chuyến học tập trải nghiệm tại hai tỉnh Bình Dương và Tây Ninh, và là nơi các thầy cô giáo triển khai các đề tài nghiên cứu và giảng dạy thực tiễn.

Tùy theo nội dung bài học, thầy cô sẽ đưa từng nhóm học trò đi học tập thực tế theo các lộ trình như qua vườn rau công nghệ cao, địa đạo Củ Chi hoặc lên các nhà máy công nghiệp ở Bình Dương, hồ Dầu Tiếng, núi Bà Đen, tòa thánh Tây Ninh... rồi về vườn trường.

Rau xanh và sạch do học sinh tham gia gieo trồng tại vườn trường
Rau xanh và sạch do học sinh tham gia gieo trồng tại vườn trường

Ngoài ra, khu vườn cũng là nơi cung cấp nguồn rau xanh - sạch cho bữa ăn hằng ngày của HS. Hiện tại, lượng rau cung ứng mới chỉ đạt khoảng 20% nhu cầu. Vì vậy, nhà trường có kế hoạch mở rộng diện tích trồng rau sạch để có thể cung ứng khoảng 60% nhu cầu về rau xanh cho bữa ăn của HS. 

Mỗi HS khác nhau phải có cách tiếp cận khác nhau

Sau khi đi thăm vườn trường, cô hiệu trưởng Lê Thúy Hòa đưa chúng tôi về thăm Trường THCS & THPT Thái Bình tại số 10 Trương Hoàng Thanh, phường 12, quận Tân Bình, TPHCM. Đó là một ngôi trường khá khiêm tốn về quy mô (chỉ với 1.800m2 mặt bằng, khoảng 5.000m2 sàn xây dựng và 350 HS), sạch sẽ và ngăn nắp.

“Nhà trường luôn nỗ lực khắc phục một số hạn chế về cơ sở vật chất để các em HS vẫn được phát triển toàn diện. Trường không có hồ bơi, nhưng tất cả HS của trường đều được bơi ở hồ bơi đạt chuẩn, xóa mù bơi cho 100% HS”, cô Hòa cho biết.

Ngoài ra, nhà trường còn luôn cập nhật và đổi mới phương pháp dạy học. Trường không kén chọn HS đầu vào, nhưng kết quả đầu ra thì khá mỹ mãn: 100% HS khối 12 của trường đậu đại học, trong đó có cả những trường danh tiếng như Y Dược, Bách khoa, Kinh tế, Luật, Kiến trúc...

Kết quả đó đến từ việc khảo sát nghiêm túc về khả năng, thiên hướng của học sinh để định hướng, bồi dưỡng ngay từ lớp Mười với quan niệm “giỏi toán cũng là giỏi mà giỏi thể dục cũng là giỏi”. 

Nhưng, chất lượng giáo dục không chỉ là tỷ lệ HS đỗ đại học. Sau nhiều chuyến thăm các nước có nền giáo dục phát triển, cô Hòa đã học hỏi những cái hay trong phương pháp và triết lý giáo dục tiến bộ.

Sau khi tìm hiểu và nghiên cứu kỹ, cô đã bàn bạc với các cộng sự và đi đến thống nhất: bên cạnh những đổi mới đã được triển khai, trường tiếp tục đề cao sự độc lập trong tư duy của HS. Từ đó, ở trường Thái Bình, bài học được thiết kế giúp tất cả HS dễ dàng nắm bắt và phát huy năng lực.

Sau mỗi bài giảng, GV sẽ đưa ra một hệ thống câu hỏi và bài tập có tính gợi mở, được thiết kế theo từng khung năng lực, giúp HS củng cố bài học và giải quyết vấn đề theo khả năng của từng em.

Với hệ thống câu hỏi và bài tập đó, HS sẽ tự giải quyết vấn đề. Sau đó sẽ chọn lọc và phát triển vào tài liệu học tập cá nhân từ những nội dung mình cho là hay. Sau cùng, thầy cô sẽ xem và góp ý. 

Cô giáo trẻ Đặng Kim Yến nhận xét: “Cách dạy và học này giúp HS không học vẹt, nâng cao tính tự chủ, biết phản biện và tư duy độc lập. Giúp GV đánh giá được năng lực và đưa ra cách tiếp cận phù hợp với từng em. Quả thực, thời gian đầu tiếp cận với phương pháp này, GV sẽ cảm thấy lúng túng và mất thời gian. Nhưng khi thầy và trò hiểu được tinh thần của phương pháp, mọi chuyện trở nên đơn giản hơn”.

HS lớp 11A3 Vũ Trương Tường Vy cũng cho biết: “Tụi con được thầy cô yêu cầu soạn bài theo ý của mình. Hiểu sao thì viết ra như vậy. Nếu sai thì thầy cô sửa. Mình học theo cách hiểu và cách trình bày của mình thì sẽ dễ hơn”.

Trong chuyến đi thực tế tại danh thắng Tràng An, các em học sinh lớp 12 được hòa mình vào một hoạt cảnh có tên “Hào khí Đông A” để cảm nhận được khí thế hào hùng một thời
Trong chuyến đi thực tế tại danh thắng Tràng An, các em học sinh lớp 12 được hòa mình vào một hoạt cảnh có tên “Hào khí Đông A” để cảm nhận được khí thế hào hùng một thời

Cô Hòa còn cho rằng: “Thay đổi thói quen rất khó, nhưng phải làm để dần tiến đến dạy thật, học thật”.

“Dạy thật, học thật” theo quan điểm của Trường THCS & THPT Thái Bình là HS phải nắm vững nội dung đã học để ứng dụng vào cuộc sống, hoàn thiện kỹ năng và nhân cách. Những chuyến học tập thực tế mang “thương hiệu" của trường, vì thế, đã ra đời từ hơn mười năm nay. Trước mỗi chuyến đi, các GV bộ môn cùng biên soạn chương trình học tập liên môn, và HS sẽ được tiếp cận những bài học cụ thể tại mỗi điểm dừng chân.

“Giữa khung cảnh Tây Bắc mà nghe giảng bài thơ Tây Tiến các em sẽ thấm thía “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi” là như thế nào. Ngoài học văn, các em đi thực tế để tìm hiểu địa hình đồi núi và sự phân bố các dân tộc, để hiểu “ngàn thước lên cao ngàn thước xuống” theo cả nghĩa đen, nghĩa bóng, hiểu lịch sử và cuộc sống của các dân tộc anh em. Các GV trẻ cũng được trải nghiệm để giảng dạy có hồn hơn” - cô Kim Yến chia sẻ.

Còn HS lớp 12A1 Nguyễn Thanh Hiếu cảm nhận: “Học tập thực tế giúp tụi em dễ tiếp thu kiến thức, mà lại nhớ lâu. Sau hơn hai năm theo học tại trường, em thấy mình đã trưởng thành rất nhiều”. 

Ngoài ra, trong mỗi hành trình, HS sẽ ghi chép lại trải nghiệm để rèn luyện kỹ năng viết và trình bày, được học về cách thức tổ chức một chuyến đi, từng nhóm sẽ cùng nhau thực hiện chung một kế hoạch học tập. Từ đó, HS được rèn luyện tinh thần đồng đội, lối sống tập thể và cả bài học về trách nhiệm.

“Khi nhận HS vào học, chúng tôi không dám hứa điều gì ngoài việc đảm bảo rằng tất cả các em sẽ tiến bộ, cho nên trong mọi hoạt động trường đều quan tâm rèn cho các em các kiến thức và kỹ năng cần thiết trong cuộc sống” - cô Hòa nói. 

Ngôi trường hạnh phúc trong tương lai

Để đổi mới mạnh mẽ hơn, mỗi tuần trường dành hai buổi chiều thứ Ba và thứ Năm để HS rèn luyện tiếng Anh và các môn năng khiếu. Mỗi buổi, sau hai giờ học tiếng Anh với người bản xứ, HS sẽ tập trung theo nhóm để học bơi, đá bóng, hoặc sinh hoạt tại các câu lạc bộ võ thuật, khiêu vũ, cầu lông, bóng bàn, trang trí mỹ thuật, nấu ăn, guitar và organ, hội họa, nhiếp ảnh.

Anh Hoàng Văn Quyết, phụ huynh có con đang học lớp Bảy tại trường, nhận xét: “Mới học ở trường gần hai năm nhưng con tôi tiến bộ rõ rệt, lễ phép và tự giác hơn. Tôi cũng tham gia nhiều hoạt động với nhà trường và rất hài lòng với quan điểm: phát hiện và phát huy năng lực của HS theo sở trường”.

Khi được hỏi, nhà trường còn tham vọng gì về sự phát triển trong tương lai, cô hiệu trưởng nói ngay: "Chúng tôi đang mơ về một ngôi trường mà tất cả HS, GV, cán bộ nhân viên đều hạnh phúc; phụ huynh gửi con vào học cũng cảm thấy hạnh phúc.

Thứ nữa là khả năng tiếng Anh của HS. Từ 15 năm qua, ngoài 4 tiết học tiếng Anh theo quy định, trường đã cho HS học thêm 4 tiết tiếng Anh với GV nước ngoài mỗi tuần. Việc dạy và học cũng theo trình độ của từng nhóm HS, có nhóm chỉ có 4-5 em. Khả năng nghe nói tiếng Anh của HS đã được cải thiện, HS giao tiếp với người nước ngoài đã tự tin hơn. Chúng tôi đang quyết tâm, trong vài năm tới sẽ nâng cao khả năng tiếng Anh cho HS, hướng tới chuẩn quốc tế".

Minh Nhật

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI