Học sinh Sài Gòn thích thú đón... giao thừa sớm

27/01/2021 - 14:00

PNO - Khi vừa bước vào cổng trường, học sinh Trường tiểu học Nguyễn Huệ (quận 6) không khỏi "giật mình" lẫn thích thú khi sân trường biến thành không gian... xa lạ chỉ sau một đêm.

Sáng 26/1, hàng trăm học sinh Trường tiểu học Nguyễn Huệ bất ngờ khi bước vào sân trường. Thật kỳ diệu khi chỉ sau một đêm, sân trường đã "biến hình" thành làng quê có nhà tranh vách lá, có thầy đồ và câu đối đỏ... lung linh mà lạ lẫm.

Bé Bích Vân thích thú: "Con chưa từng thấy cảnh này nhưng vui quá cô ơi. Con thích được mặc áo dài, ngồi trên chiếu, ăn mứt, uống nước ngọt và chụp hình". 

Học sinh thích thú hoà mình vào không khí tết xưa

Có lẽ vì sinh ra và lớn lên ở thành phố nên nhiều học sinh ở đây cảm thấy lạ lẫm với không gian tết xưa. Tuy nhiên, cái lạ ấy mang đến cho các bé những trải nghiệm mới mẻ. Các bé được tự mình đóng vai để cảm nhận không khí tết cổ truyền. Những trò chơi dân gian ngày tết cũng được các bé học sinh tái hiện sinh động.

Để tái hiện không gian văn hóa đậm chất đồng quê, Trường tiểu học Nguyễn Huệ đã tổ chức hội thi làm hoa mai, hoa đào, trang trí tết ở 33 lớp học và phải nhờ phụ huynh mỗi người góp một tay.

Một tuần trước, phụ huynh học sinh các lớp đã chia giấy về cắt hoa mai, hoa đào. Nhiều gia đình đã huy động tất cả thành viên cùng chung sức. Như gia đình anh Quốc Bảo, có con đang học lớp 3, kêu gọi cả cô, dì qua nhà vừa cắt hoa vừa trò chuyện rôm rả. Trong khi phụ huynh cắt hoa mai, hoa đào thì học sinh chia nhau làm thiệp xuân, làm thơ và tự viết lời chúc tết...

Những tấm ảnh phụ huynh và học sinh chuẩn bị tết đã được nhiều lớp lấy cảm hứng làm chất liệu trang trí tiểu cảnh tết.

Đến chiều tối 25/1, phụ huynh mang sản phẩm về trường để trang trí. 

Nhiều phụ huynh chia sẻ, không gian này làm cho người lớn cũng nôn nao, chộn rộn như trẻ nhỏ. Đêm 25/1 mà ngỡ như đêm giao thừa khi sân trường có gần cả trăm phụ huynh, thầy cô và học sinh ở lại đến khuya để hoàn tất những công đoạn cuối cùng. Người nắn lại từng cánh hoa mai, người bắt nồi bánh chưng, bánh tét, người vác rơm, người trồng cây tre trúc... Nhờ những dịp như vậy phụ huynh và thầy cô mới có nhiều thời gian để trò chuyện, hiểu và gắn kết với nhau hơn.

Khó tin nhất là phụ huynh toàn “tay ngang” nhưng chỉ trong một đêm đã cùng với thầy cô “hô biến” sân trường thành không gian rộn rã mùa xuân đầy đủ phong vị của tết xưa với các chủ đề Tết sum vầy, Tết ấm no.

Lớp 3/3 gây ấn tượng mạnh với toàn bộ tiểu cảnh được làm thủ công từ “của nhà trồng được”. Cô Phạm Thị Ngọc Huyền - Chủ nhiệm lớp 3/3 - cho biết, hơn 20 phụ huynh đã cắt cả ngàn bông hoa mai vàng và trắng. Còn học sinh được tự do sơn phết, vẽ theo sở thích những chiếc rổ, thúng để tạo điểm nhấn cho tiểu cảnh tết quê của lớp.

 

Còn lớp 2/3 và 4/4 kỳ công đi tìm và mang cả ụ rơm, tre trúc xanh rì và lu nước và những ông đồ "nhí" guốc mộc, áo the đen ngồi cho chữ… tái hiện khung cảnh tết xưa. Nhiều học sinh vừa thích thú, vừa lạ lẫm với không gian này.  

 

Học trò thích thú trải nghiệm không gian Tết lạ lẫm
Học trò thích thú trải nghiệm không gian tết lạ lẫm

Lớp 3/5, 5/2 mang đến cái tết ấm no, sung túc với hoa xuân rực rỡ, trái cây vun đầy, bánh mứt đầy mâm, bánh chưng bánh tét đầy nồi.

Lớp 3/7, 2/6, 3/3 chăm chút bàn trà khá tinh tế, với những chiếc tách xinh xắn mang tông màu của gốm sứ cổ, mâm bánh mứt, hạt dưa bắt mắt và bình trà nghi ngút khói trên chiếc bàn tre với những chiếc ghế để sẵn như đợi khách tri âm.

Ở đây, chúng tôi vô tình bắt gặp giai phẩm Xuân Phụ Nữ được bày trang trí bên bàn trà. Vừa thưởng thức trà, vừa ăn bánh mứt và đọc báo Xuân là một trong những nét văn hóa của người Việt.

Xuân yêu thương của lớp 2/6 được chia thành nhiều tiểu cảnh nhỏ: chợ hoa, bàn trà, chợ Tết… với những đôi quang gánh trái cây, thóc lúa kẽo kẹt.

 

Ngoài ra, có những lớp không làm đại cảnh, thì chọn trang trí tại lớp học, hội trường cũng bằng tất cả sự tỉ mỉ, kỳ công và tái hiện rõ nét mùa xuân ấm áp, xuân đoàn viên, sum vầy.

 

Tiếng cười nói rộn ràng, tiếng chân bước vội vã, tiếng hối nhau gấp rút, lao xao thu dọn trong nền nhạc xuân rộn rã từ chiếc loa của trường như thời khắc chuyển giao mùa năm cũ qua năm mới. Quang cảnh và không khí này làm lòng ai cũng thấy háo hức, xôn xao và cả bồi hồi. Mọi người nhao nhao, lớp này nhắc lớp kia “nhanh lên, sắp giao thừa rồi”.

Và thành quả là học sinh thích thú với một không gian tết xưa, xông xênh bát phố và... sống ảo.

Thùy Dương

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI