Mở rộng thị trường, tăng chế biến để nông sản không ùn ứ

29/12/2021 - 11:19

PNO - Hơn 5.000 xe container hàng xuất khẩu đang ùn tắc ở cửa khẩu các tỉnh phía Bắc khiến doanh nghiệp lẫn nông dân đều bị thiệt hại nặng.

Tìm mọi cách để giải phóng hàng

 Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách “zero COVID-19” nên sẽ tiếp tục duy trì việc kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu đường bộ với các nước đến ngày 15/3/2022. 

Theo thống kê từ sở công thương các tỉnh phía Bắc giáp Trung Quốc, tính đến sáng 25/12, có 5.759 xe đang chờ ở các cửa khẩu. Trong đó, 4.204 xe đang chờ ở các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, 1.555 xe đang chờ ở cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Lượng xe chờ ở TP.Móng Cái tăng đột biến là do phía Trung Quốc tăng cường kiểm soát dịch bệnh nên nhiều doanh nghiệp (DN) đưa hàng về Móng Cái để thông quan. Tuy nhiên, hiện các cửa khẩu của tỉnh Quảng Ninh đều tạm dừng xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa. 

Cửa khẩu quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành (tỉnh Lào Cai) cũng tạm dừng thông quan và chưa xác định ngày mở cửa lại. Tỉnh Lạng Sơn cũng dừng hoạt động cửa khẩu Tân Thanh, hai cửa khẩu Hữu Nghị và Chi Ma đang tạm thời mở cửa nhưng phía Trung Quốc siết chặt quy trình giao, nhận hàng hóa để kiểm soát nguy cơ dịch bệnh.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam đã chủ động giao thiệp ở tất cả các cấp để giữ cho hàng hóa được lưu thông, nhưng đầu tháng 12, Trung Quốc ra Công điện số 14/2021 gửi các bộ, ngành và địa phương về việc tăng cường công tác phòng, chống COVID-19 tại các cửa khẩu. Chính sách “zero COVID-19” của Trung Quốc khiến người và hàng hóa phải chịu sự kiểm soát rất nghiêm ngặt khi nhập cảnh. Theo quy định của Trung Quốc, tài xế chuyên giao, nhận hàng hóa xuất nhập khẩu và nhân viên phòng, chống dịch làm việc tại cửa khẩu, cảng biển của Trung Quốc có tiếp xúc với hàng hóa phải cách ly bắt buộc 21 ngày trước khi rời khỏi khu vực cửa khẩu biên giới hoặc cảng biển để về quê đón tết. 

Trước mắt, Bộ Công Thương đề nghị các bộ, ngành phối hợp với UBND các địa phương khuyến cáo thương nhân điều tiết việc đưa hàng lên biên giới phía Bắc kể cả những trường hợp khách hàng Trung Quốc đã thanh toán tiền. Bộ Công Thương cũng gửi công hàm cho Lào, Campuchia, Thái Lan đề nghị phía bạn không đưa hàng quá cảnh sang Việt Nam trong bối cảnh các cửa khẩu tại Việt Nam đang bị ùn ứ như hiện nay. Theo tính toán của Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, mỗi ngày, năng lực thông quan tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị chỉ đạt từ 78-90 xe và đến tết Nguyên đán Nhâm Dần cũng chỉ giải tỏa được khoảng trên 1.700 xe hàng trên tổng số xe đang ách tắc. 

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong thời gian qua, việc xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đã được thực hiện rất hiệu quả bằng đường biển. Để tránh rủi ro như khi đi bằng đường bộ, cục khuyến cáo các DN, hiệp hội ngành hàng nên lựa chọn những phương thức vận tải khác nhau, có thể đi bằng đường biển hoặc đường sắt, đồng thời các địa phương cần đánh giá lại thị trường nội địa. Vừa qua, các tỉnh Bắc Giang, Sơn La thu hoạch trái cây đúng thời điểm xảy ra dịch bệnh, nhưng nhờ có giải pháp ngay từ đầu mùa vụ nên đã tiêu thụ hết nông sản. Do đó, các địa phương cần coi việc tiêu thụ nông sản là trách nhiệm của mình.

Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn cũng đã làm việc với Cục Hải quan tỉnh Nam Ninh (Trung Quốc). Phía Trung Quốc đã đề xuất hai phương thức giao, nhận hàng hóa: giao trực tiếp ngay tại các cửa khẩu hoặc chuyển toàn bộ container chở hàng sang phía Trung Quốc, tài xế không được xuống xe mà sẽ lái xe đầu kéo về Việt Nam sau khi chuyển container hàng cho phía Trung Quốc. Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn chấp nhận cả hai phương thức giao, nhận hàng này nhằm giải quyết nhanh số hàng ùn ứ. Cũng theo Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, ngày 29/12, Cục Hải quan tỉnh Nam Ninh (Trung Quốc) sẽ hội đàm với Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh về việc tạo thuận lợi hơn nữa để thông quan hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lạng Sơn còn chỉ đạo các cơ quan chức năng giảm phí cho các DN xuất khẩu từ ngày 25/12/2021 đến ngày 31/3/2022. Cụ thể, giảm 10% đối với phương tiện vận tải chở hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, giảm 5% đối với phương tiện vận tải chở hàng hóa kinh doanh theo loại hình tạm nhập tái xuất, hàng hóa tạm xuất tái nhập, hàng hóa chuyển khẩu, hàng hóa của nước ngoài gửi kho ngoại quan xuất khẩu, hàng hóa quá cảnh, hàng hóa chuyển cảng, hàng hóa có nguồn gốc nước thứ ba, đồng thời giảm phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu. 

Các DN tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn cũng chỉ thu một lượt phí bến bãi đối với tất cả các phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị; giảm 30% giá phòng lưu trú cho các tài xế, chủ hàng ở lại; giảm giá dịch vụ phương tiện vận tải lưu ngày hoặc đêm tại bến xe hàng xuất nhập khẩu cửa khẩu Tân Thanh từ 20-70%; giảm 20% mức giá lưu tại bến xe hai ngày hoặc đêm đầu tiên; từ ngày hoặc đêm thứ ba đến ngày thứ mười giảm 50% và từ ngày hoặc đêm thứ 11 trở đi giảm 70%.

Tại cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành và địa phương bàn các giải pháp tháo gỡ tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì hôm 26/12, ông Lê Văn Thành đề nghị Bộ Ngoại giao và các bộ liên quan làm việc với phía Trung Quốc nhằm tạo điều kiện và phối hợp tốt hơn với phía ta để thông quan nhiều hơn, giảm nhanh hơn số hàng hóa đang ùn ứ tại các cửa khẩu. 

Một điểm giải cứu nông sản ở Hà Nội để góp phần giảm thiệt hại do hàng xuất qua Trung Quốc bị ùn ứ - ẢNH: BẢO KHANG
Một điểm giải cứu nông sản ở Hà Nội để góp phần giảm thiệt hại do hàng xuất qua Trung Quốc bị ùn ứ - Ảnh: Bảo Khang

Mở rộng thị trường, đẩy mạnh chế biến nông sản 

Trước tình trạng nông sản ùn ứ ở cửa khẩu, bà Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu - cho biết ngay khi cửa khẩu tắc, khâu thu mua ở các vùng nông sản cũng chững lại. Một số loại trái cây bị ảnh hưởng nặng nhất do tình trạng ùn tắc là dưa hấu, xoài, thanh long đang vào vụ thu hoạch. Bà nói: “Đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong lần kẹt nông sản tại biên giới lần này vẫn là nông dân. Trung Quốc thay đổi chính sách thu mua do dịch COVID-19. Lý do này nằm ngoài tầm dự liệu của chúng ta”.

Theo bà Ngô Tường Vy, để hỗ trợ nông dân trong những tình huống như thế này, các cơ quan nhà nước, DN cần có biện pháp hạn chế hàng tồn đọng, rớt giá. Các DN xuất khẩu nên chủ động nắm bắt tín hiệu của thị trường, khi thấy có dấu hiệu tắc biên, hàng không qua được thì phải tìm cách điều hướng xe hoặc có sẵn kênh tiêu thụ đề phòng trường hợp rủi ro, nhất là với một số loại nông sản, trái cây có thời gian bảo quản ngắn ngày. 

Bà cho rằng, về lâu dài, vẫn cần chính sách đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc. Đồng thời, cần một kênh thông tin chính thống cập nhật nhanh diễn biến thị trường, sức tiêu thụ cũng như cảnh báo về rủi ro, biện pháp xử lý cho các đơn vị xuất khẩu, nông dân và cơ quan quản lý nhà nước. DN có thể căn cứ vào đó để chủ động trong việc thu mua, nông dân chủ động trong việc sản xuất, chuẩn bị nguồn hàng để xuất khẩu.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết tình trạng ùn ứ nông sản đang diễn ra do chính sách “zero COVID-19” của Trung Quốc. Họ kiểm soát nông sản nhập khẩu khá gắt gao, thậm chí đóng bớt một số cửa khẩu. Đáng ngại hơn, tình trạng này có thể kéo dài tới sang năm. Theo ông, tình trạng ùn ứ thanh long hiện nay một phần còn do nông dân cố tình kích thích cho ra trái sớm, nhiều để bán tết, dẫn tới sản lượng quá nhiều, ứ đọng: “Nông dân phải có kế hoạch hạn chế, không cho cây ra trái nhiều vào những tháng đầu năm 2022 vì theo dự đoán, 5-6 tháng đầu năm sau, tình hình nhập khẩu nông sản vào Trung Quốc sẽ còn khó khăn, ảm đạm. Nông dân nên giảm sản lượng, tăng chất lượng nông sản, đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời tăng chế biến các loại nông sản chứ không chỉ tập trung xuất thô”.

Ông cho biết thêm, năm 2021, cơ cấu nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 55%. Nông dân nên tăng trồng các loại nông sản xuất sang các thị trường khác và canh tác theo tiêu chuẩn an toàn, đáp ứng yêu cầu của các nước hoặc có thể trồng xen những loại cây có đầu ra tốt như cao su, chuối, sầu riêng, dứa… Để làm được điều này, Bộ Nông nghiệp phải hướng dẫn cho nông dân về trồng trọt, canh tác, sản xuất an toàn và chứng nhận sản phẩm an toàn để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, Nhà nước cần định hướng cho nông dân chuyển đổi cây trồng, đẩy mạnh những loại cây có thể chế biến được. 

“Với tình trạng ùn ứ nông sản ở cửa khẩu hiện nay, ước tính, DN thiệt hại đến 3.000 tỷ đồng. Nếu Nhà nước có quỹ hỗ trợ cho DN thì quá tốt vì DN đã gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 rồi. Sau một tháng bị ùn ứ, khoảng 30 - 40% nông sản bị hư hỏng, cơ quan chức năng nên kiểm tra các xe hàng, kho hàng nào có dấu hiệu bị hư hỏng thì khuyến khích xe quay đầu về và hỗ trợ chi phí xăng dầu, giúp giải quyết tình trạng ùn tắc kéo dài” - ông Đặng Phúc Nguyên đề xuất. 

Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ Phần Vinamit - cho rằng Trung Quốc đang muốn đóng chính sách nhập khẩu tiểu ngạch qua các cửa khẩu để chuyển sang hình thức nhập chính ngạch. Do đó, trong thời gian tới để tiếp tục xuất khẩu vào Trung Quốc, không còn con đường nào khác là chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, mã vạch, vùng trồng… đặc biệt là đồng bộ chất lượng hàng hóa, nông sản để nhập khẩu chính ngạch vào thị trường đông dân nhất thế giới này.

Ngoài ra, ông Viên cũng cho rằng, để ít lệ thuộc vào một thị trường, rủi ro như việc khó thông quan hàng hóa vào Trung Quốc trong thời gian vừa qua, nhà sản xuất, nông dân nên chuyển đổi, tập trung nhiều hơn vào khâu chế biến sâu, sấy khô… thay vì trồng và xuất hàng tươi như hiện nay. Theo đó, vừa nâng cao được gia trị nông sản, vừa đảm bảo được khâu bảo quản, đi được nhiều thị trường xa hơn như châu Âu, Mỹ.

Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM - cho rằng Nhà nước cần có một chính sách xuất khẩu rõ ràng với Trung Quốc và Bộ Công Thương đóng vai trò quan trọng. Không thể để tình trạng xuất khẩu nông sản manh mún như lâu nay, ủy thác cho tài xế, thương nhân tự giải quyết. Phải ký kết hợp đồng, xuất khẩu đàng hoàng chính ngạch với Trung Quốc, không nên xuất khẩu tiểu ngạch. Hơn nữa, Bộ Nông nghiệp và Bộ Công Thương cần phối hợp định hướng rõ nông dân nên trồng cây gì, sản lượng bao nhiêu, xuất khẩu vào thị trường nào… để tránh tình trạng bà con đổ xô trồng một loại cây với sản lượng quá nhiều như thanh long, trong khi hiện nay Trung Quốc cũng trồng thanh long. Đồng thời, cần tăng cường khâu chế biến, hạn chế xuất khẩu thô. 

Ông nói: “Bộ Công Thương cần tìm nhiều con đường xuất khẩu khác và định hướng cho DN, nông dân; mở rộng thị trường xuất khẩu chứ không lệ thuộc vào Trung Quốc. Nông dân hoàn toàn có thể đáp ứng được tiêu chuẩn cao hơn của các nước, chỉ cần Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ. Đồng thời, có thể vận chuyển nông sản bằng tàu hỏa để thuận tiện hơn. Với tình trạng ùn ứ hiện nay, không chỉ DN bị thiệt hại mà cả nông dân cũng gặp khó khăn, giá nông sản rớt, khó tiêu thụ hàng. Nhà nước cần hỗ trợ nông dân”.

Theo tiến sĩ Võ Mai - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam - từ trước đến nay, nông sản Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc và hai bên chưa có quy định rõ ràng, chỉ thương lái hai nước tự làm việc với nhau. Nhưng hiện nay, Trung Quốc bắt đầu có những quy định khắt khe hơn như nông sản phải đạt chất lượng an toàn thực phẩm, có nhãn hàng hóa, nếu nông sản Việt Nam không đạt yêu cầu của họ thì không xuất qua được. Vì vậy, Nhà nước cần có chủ trương mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản sang nhiều nước khác như Mỹ, Úc, Hà Lan, Hàn Quốc… 

Tiến sĩ Võ Mai cho rằng, một trong những điểm yếu của Việt Nam là chế biến nông sản. Khi bán không hết nông sản tươi, ta có thể chuyển sang chế biến rau củ quả sấy, mứt, rượu vang từ các loại trái cây. Việt Nam cần đẩy mạnh khâu chế biến nông sản. Chẳng hạn, rượu thanh long đã xuất khẩu được sang Úc, trong khi loại trái cây nào cũng có thể ủ lên men, làm rượu được.

Muốn đẩy mạnh khâu chế biến, Nhà nước cần phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, mở rộng diện tích canh tác vì lâu nay, nông dân trồng trọt riêng lẻ, diện tích nhỏ. Bộ Công Thương cần đại diện kết nối cung cầu giữa DN với hợp tác xã và Nhà nước tìm đầu ra cho nông sản, đồng thời đẩy mạnh khuyến khích “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, trong đó có cả nông sản. Bên cạnh đó, cần mở rộng các kho lưu trữ có thể bảo quản nông sản hơn một tháng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có chỉ đạo, hướng dẫn từng vùng nên trồng cây gì, thậm chí mỗi làng một sản phẩm theo thế mạnh từng nơi.

Với hơn 5.000 xe hàng nông sản đang bị ùn ứ, tiến sĩ Võ Mai cho rằng, DN nên chở hàng về lại, chuyển sang chế biến và kêu gọi tiêu dùng trong nước, hạ giá bán để tránh tình trạng hư hỏng nông sản và tốn thêm chi phí thuê container; Nhà nước cũng cần hỗ trợ một phần cho DN. 

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI