Mẹ tôi luôn thấy tôi là người có lỗi, kể cả khi tôi bị sếp quấy rối

25/02/2022 - 12:00

PNO - Đừng hoàn toàn xa lánh, "đóng cửa" tình cảm của mình với mẹ. Hãy lựa chọn những vấn đề để có thể trò chuyện với mẹ và nhận lời khuyên từ mẹ.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Em không hiểu mẹ em nữa chị à. Chưa bao giờ, từ ngày em hiểu chuyện đến giờ mà mẹ bênh vực em trong bất cứ việc nào. Hễ em gặp chuyện gì ở trường, ngoài đường, với ai, là y như rằng mẹ nói mọi việc lỗi đầu tiên là ở em.

Cô giáo đì em thì là vì em học kém, vì em nói chuyện trong giờ học. Bạn học ghét em thì là vì em không gần gũi, không thân thiện, không biết cách kết giao. Em chưa có bồ thì là vì em không xinh xắn, không biết cư xử với đàn ông. Đến con chó hay sủa em cũng bởi vì cái mặt em khó chịu, lúc nào cũng như sắp đánh nó...

Nhưng đến chuyện này nữa thì em thật hết hiểu nổi mẹ em, chị à.

Ở chỗ làm việc, em bị một lão sếp quấy rối tình dục. Lão thường xuyên gửi em những tin nhắn ỡm ờ, luôn giao việc cho em ra ngoài lúc cuối giờ để bắt em quay lại công ty báo cáo khi đã không còn ai ở đó. Luôn bóng gió, nhận xét về các bộ phận nhạy cảm của em. 

Khi em biết có vài người nữa trong công ty cũng bị như vậy, tụi em dự tính sẽ tố cáo lão lên Ban giám đốc. Thế nhưng, mẹ em lại cản em với lý do: Coi chừng nhục mặt. Không có lửa làm sao có khói? Em phải có gì đó không được đứng đắn thì người ta mới dám làm vậy...

Em tức phát nghẹn. Không thể nghĩ được rằng mẹ có thể nghĩ về mình như vậy. Em hoàn toàn thất vọng về mẹ em, không còn muốn trò chuyện, tâm sự với mẹ nữa. Nhưng điều đó khiến em cảm thấy cô đơn khi về nhà. Em như người câm, che giấu và lảng tránh mọi giao tiếp với mẹ. Buồn quá chị ạ!

Thanh Tâm

Em Thanh Tâm thân mến,

Có một điều chị luôn muốn khẳng định với em trước khi phân tích và cùng em tìm hướng giải quyết vấn đề của em là mọi người mẹ đều yêu thương con mình, và những gì họ làm đều hướng về một điều: bảo vệ hay dạy dỗ gì đó cho con của mình, dù không phải những điều họ làm đều đúng.

Ở trường hợp mẹ em, chị cũng nghĩ vậy. Khác với những người mẹ khác thường bênh con cái một cách vô lối, bà có thể lại có một cách lo khác: bà sợ con bà, tức là em, không nhìn ra điểm yếu, điểm sai của bản thân để mà phấn đấu.

Nếu bà tiếp tục bênh em, có lẽ em sẽ khó có cơ hội để hoàn thiện con người mình. Và thật sự đó là cách dạy con của một người mẹ cứng cỏi, bản lĩnh, thậm chí có vẻ hơi khô khan: bà xô con về phía khó khăn, để con có thể được tôi rèn mà bước qua những bất lợi của cuộc sống.

Tất nhiên, cũng không thể không nói đến một lý do nữa: Bà chưa đủ lòng tin vào em, vào phẩm chất của em, vào khả năng của em, vào sự phấn đấu của em. Và điều đó khiến một người mẹ có cá tính mạnh như mẹ em càng thấy không thể chịu được.

Ở cả hai trường hợp, thay vì dìu dắt, chỉ bảo cho em một cách nhẹ nhàng, thì bà sử dụng liều thuốc hơi "đắng" quá đối với con gái mình. Và em không chịu nổi được điều đó. 

Riêng trong trường hợp cuối, chị cũng nghiêng về hướng mẹ lo sợ em sẽ vấp phải những bất lợi cho cuộc sống, công việc, sẽ bị tổn thương khi dám vạch ra những chuyện đáng xấu hổ, và bà muốn cảnh báo cho em biết điều có thể xảy đến với em, để em từ bỏ ý định đó.

Phân tích để hiểu tâm lý của mẹ khi một cách vô tình làm em tổn thương và mất lòng tin vào mẹ, chị chỉ muốn em chấp nhận một điều: xem thuốc của mẹ có thể tác dụng với mình đến đâu.

Có thể nó cũng giúp em nhìn lại bản thân mình một cách kỹ càng, rõ ràng, minh bạch hơn. Để mà có thể thay đổi sự việc không vui, bất lợi ấy từ gốc rễ. Tuy nhiên, em cũng có quyền từ chối thứ thuốc mà nó có thể gây sốc, dị ứng với cơ thể em.

Đừng hoàn toàn xa lánh, "đóng cửa" tình cảm của mình với mẹ. Trước tiên em hãy lựa chọn những vấn đề để trò chuyện với mẹ. Biết mẹ hay nghi ngờ, phản biện, em hãy trò chuyện với mẹ những chuyện vui.

Có những trường hợp, thay vì kể cho mẹ, thì hãy đặt câu hỏi với mẹ: nếu mẹ trong trường hợp đó, mẹ sẽ xử sự như thế nào? Lúc đó, em sẽ không cảm thấy những mũi dùi của mẹ chĩa vào mình.

Bên cạnh đó, em hãy học từ từ những cách thức xử lý các vấn đề của cuộc sống từ mẹ, từ người xung quanh, và từ chính nhận thức hiểu biết của mình. Để ngày một trưởng thành hơn, và để tạo cho mẹ lòng tin bền vững vào em.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn 

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Mạnh Quân 25-02-2022 22:30:26

    Có lẽ mẹ bạn hơi vụng về trong cách thể hiện sự giúp đỡ của mình thôi. Tuy nhiên, bạn đã đủ trưởng thành để có thể tự giải quyết vấn đề của mình rồi mà!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI