Mây trên đỉnh Quế

18/05/2021 - 06:47

PNO - Lúc đó khoảng 7 giờ sáng, đứng trên mặt đất mà chúng tôi ngỡ như đang ngồi trên máy bay bởi ngay bên dưới chân là một biển mây - mây trên đỉnh Quế.

Nhà  truyền thống ở Tây Giang
Nhà truyền thống ở Tây Giang

Ngoằn ngoèo đường đến Tây Giang

Chúng tôi bay từ Sài Gòn ra Đà Nẵng và ngày hôm sau khởi hành từ trung tâm thành phố Đà Nẵng đi Tây Giang - một huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam, nằm trên đỉnh Trường Sơn. Nơi đây được ví như Đà Lạt của miền Trung, một trong những điểm du lịch đang rất thu hút dân “phượt”.

Tây Giang cách Đà Nẵng 120km, trong đó khoảng 100km đèo dốc quanh co, thử thách “sức bền” của du khách.

Tại điểm dừng chân đầu tiên - đồi chè Đông Giang, một vùng trồng chè nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam - đã bắt đầu thấy mây bay là đà trên đỉnh núi, đồi nối tiếp đồi, đẹp ngoạn mục. Không khí trong lành và dịu mát. Mọi người hòa mình vào thiên nhiên, quên hết phồn hoa chật chội vừa lùi xa trước đó chưa lâu.

Thung lũng, vách núi, nhà của người dân tộc Cơ Tu thấp thoáng hai bên đường, nhỏ nhưng sạch sẽ. Cô hướng dẫn viên người Cơ Tu, tên Thìn, duyên dáng giải thích cho chúng tôi những phong tục bản địa: họ cúng trong nhà chứ không cúng ngoài hiên vì quan niệm cúng ngoài hiên không phải là cúng tổ tiên. Thật ra, người dân địa phương cũng ít cúng kiếng, trừ những dịp đặc biệt.

Dễ nhận thấy những ngôi mộ nhỏ bên đường. Người Cơ Tu có phong tục những người chết bình thường, chết già, không phải bất đắc kỳ tử… sẽ được chôn bên đường. Những người chết trẻ sẽ được đưa vào khu vực xa nhà, hẻo lánh và không tảo mộ. Người giàu có, ngôi mộ khang trang có điêu khắc đầu trâu, voi… Thông thường, những ngôi mộ có mái che, bên trong để những vật dụng sinh thời của người chết. Một điều rất hay là có những đoạn đường thật nhiều ngôi mộ nhưng không hề gây cho khách cảm giác sợ hãi.

Sau hơn ba giờ quanh co đường đèo dốc khá hiểm trở, chúng tôi đến trung tâm huyện Tây Giang. Hình ảnh đập vào mắt là tượng một con chó ngay bùng binh trung tâm, bên dưới có khắc một bài thơ:

Xưa câu chuyện kể rằng/ Tổ tiên người Cơ Tu/ Sinh ra từ cha chó/ Nay có họ Z’râm/ Dù chỉ là truyền thuyết/Trần gian nào ai hơn/ Chung thủy nhất với người/ Chắc chắn là loài Chó/ Cơ Tu nhớ cội nguồn/ Dựng tượng thờ tiên tổ/ Hạnh phúc hay gian khó/ Yêu thương con chó hiền”. Ký tên Quanh Lê, năm 2018.

Thìn giải thích, truyền thuyết kể rằng, thời xa xưa, trời mưa lũ, nước dâng ngập hết núi rừng, chỉ còn một ngọn núi. Trên núi có một con chó và một cô gái sống sót nhờ trốn vào một chiếc trống. Cô gái sống cùng con chó như vợ chồng, sinh ra hai người con: một trai, một gái. Lớn lên, người con trai xuống đồng bằng, người con gái ở lại miền núi. Sau này, hai người gặp lại và lấy nhau, sinh ra con cháu dòng họ Z’râm.

Mây trên đỉnh Quế
Mây trên đỉnh Quế

Làng Tưr và những câu chuyện núi rừng

Sau bữa cơm trưa, chúng tôi đi vào thôn Tưr thuộc xã Dang, cách trung tâm huyện khoảng 30km. Cũng vẫn con đường dốc quanh co, hiểm trở và rất đẹp. Màu nắng chiều pha trộn với màu xanh cây rừng tạo thành một màu vàng trong như mật. Rừng tiếp nối rừng sáng lên một loài cây có thân thẳng như tre. Thìn cho chúng tôi biết, công dụng của cây này là bọc cơm lam, làm sợi đan rổ, gói bánh tét...

Rừng nối tiếp rừng, chúng tôi nhầm một loại cây giống như dương xỉ mọc bám vào đất. Thìn giải thích: “Người Kinh gọi đây là cây guột, người Cơ Tu gọi là ađăng, có công dụng như một loại dây cứng cáp, được lồng vào trong đan lát với mục đích định hình”.

Thôn Tưr nằm biệt lập, chung quanh là đồi núi, gồm khoảng chừng vài chục nóc nhà, sạch sẽ, gọn gàng. Một nhà sàn chính là nơi dệt thổ cẩm, đan giỏ, gùi của những người thợ. Thổ cẩm làm thủ công ở đây khá dày dặn và đẹp mắt.

Chúng tôi dạo loanh quanh trong làng, ấn tượng với hình ảnh một tiệm may có bảng hiệu “Welcome 3D De Fashion”. Chủ tiệm, một phụ nữ đứng tuổi, rất sẵn lòng khoác cho chúng tôi chiếc váy dài bằng thổ cẩm gọi là Chdhoong. Một sợi dây màu xanh cũng dệt thổ cẩm vòng quanh phía trên bộ trang phục độc đáo này.

Thìn cho biết: “Ở đây, váy ngắn và áo là trang phục bình thường, Chdhoong dành cho các dịp lễ hội. Để tạo kiểu dáng đặc biệt và hiện đại hơn, người ta đính thêm vào bộ Chdhoong những hạt cườm. Ngày xưa không có hạt cườm, người ta lấy hạt adhong, là một loại cây mọc dưới suối. Hạt adhong cũng có một lỗ nhỏ giữa, khi phơi khô cứng như hạt cườm”.

Vào dịp tết, người mẹ tặng cho con gái một bộ Chdhoong và con gái sẽ tặng lại cho mẹ một xâu chuỗi hạt cườm hay mã não. Khi con gái đi lấy chồng, người mẹ gom góp cho được hơn mười bộ Chdhoong tùy theo số lượng chị em ruột/họ bên nhà chồng để con gái mang về tặng. Đám cưới nơi đây khá tốn kém nhưng rất vui, được cả làng xúm vào giúp. Đám cưới Thìn trước đây cũng vậy.

Rời làng Tưr, chúng tôi về lại trung tâm huyện dùng cơm tối trong làng truyền thống nằm trên đồi nhìn xuống trung tâm. Bữa cơm khá ngon với các món đặc sản miền núi như: xôi sắn, gà xào sả ớt, rau dớn xào tỏi, canh chua cá (nấu theo kiểu dân tộc Cơ Tu), măng rừng xào, thịt heo nướng…

Một bữa cơm
Một bữa cơm

Đỉnh Quế

Sáu giờ sáng hôm sau, chúng tôi khởi hành lên đỉnh Quế. Phải đi sớm mới ngắm được bình minh, sương mù và biển mây. Cũng vẫn cung đường ngoằn ngoèo hiểm trở, rừng nối tiếp rừng khoảng 30km nhưng về hướng khác.

Đỉnh Quế thuộc thôn Voòng, xã Tr’hy, nằm ở độ cao hơn 1.300m so với mặt nước biển, được cho là một trong những ngọn núi đẹp nhất tỉnh Quảng Nam, quanh năm sương mù bao phủ trắng xóa. Người ta cho rằng tên gọi đỉnh Quế xuất phát từ việc trước kia nơi đây là rừng nguyên sinh, có một ngọn đồi toàn cây quế.

Tại một điểm dừng chân, chúng tôi ùa xuống xe. Thìn cho biết nhiệt độ bên ngoài khi ấy là 120C, nhưng chúng tôi không thấy lạnh. Cảm giác sung sướng nhất ngoài việc ngắm mây trôi bềnh bồng bên dưới là được hít thở không khí tinh nguyên của đất trời, sạch như lọc được buồng phổi.

Tại điểm dừng chân cuối cùng bao quanh là sương mù, đứng trên một ban công nhô ra giữa mênh mông trời đất, tôi như chìm đắm trong mùi của cây lá, của núi rừng, của sương sớm.

Đi để thấy cuộc sống là những cuốn sách, bức tranh, những bài học… với thật nhiều kiến thức mới mẻ. Với tôi, Tây Giang có lẽ là một trong những nơi cần phải đến trong đời, để cảm nhận, học hỏi và chia sẻ khi cuộc sống của bà con dân tộc Cơ Tu còn quá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, có lẽ điều quan trọng bạn sẽ học được khi dừng chân nơi đây là tinh thần vui vẻ, lạc quan, hồn nhiên để vượt qua những trở ngại trong cuộc sống.

Sinh hoạt lửa trại
Sinh hoạt lửa trại

Giá tour 2 ngày 1 đêm khoảng 1,5 triệu đồng/người.
Giá vé máy bay Sài Gòn - Đà Nẵng khứ hồi khoảng 1,5 - 3 triệu đồng.
Đặc sản Tây Giang có nhiều loại như: sâm cao đỏ, chuối rừng (khô), sâm đất, linh chi, quế… Đặc biệt, nơi đây có một loại tiêu gọi là tiêu chanh, khi ăn có mùi chanh. 

Bài, ảnh: Đào Thị Thanh Tuyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI