Mâu thuẫn chuyện thờ cúng, vợ đòi ly hôn

25/10/2024 - 10:00

PNO - Cha mẹ nào cũng thương con, mong cho con cháu an vui, hạnh phúc, kể cả khi họ đã không còn trên cõi đời. Sống hạnh phúc, hòa thuận, nuôi dạy con ngoan… là cách hiếu kính ý nghĩa nhất.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Tôi là con trai thứ trong nhà. Trước đây, trách nhiệm thờ cúng chính là của anh trai tôi - cháu đích tôn bên họ nội. Tuy nhiên mới đây, vợ chồng anh trai (đã có quốc tịch nước ngoài) lại có kế hoạch cho các con đi nước ngoài học tiểu học, đồng nghĩa với việc anh chị phải theo chăm sóc con, ít ra đến khi các cháu lên cấp III hoặc đại học.

Do vậy, tôi phải lo chuyện thờ cúng hương khói cho tới khi anh chị trở về. Khi tôi đem chuyện này bàn với vợ thì cô ấy khá căng thẳng, nói rằng không quen gánh vác trọng trách này. Tuy nói thế, tôi biết ý vợ muốn nhà tôi chỉ thờ cúng ba mẹ vợ.

Sau nhiều lần tranh cãi, vợ đề nghị cùng thờ nội ngoại trên một bàn thờ. Tôi phản đối, vì quê tôi không ai làm thế. Tôi quan niệm trần sao âm vậy - có bao giờ sui gia 2 bên ở chung một nhà đâu, giờ bắt các cụ phải “ngồi cùng mâm” quanh năm suốt tháng thì không hợp lý.

Hơn nữa, cha mẹ vợ có em trai vợ thờ cúng, hà cớ gì vợ tôi lại đòi thờ thêm trong nhà? Tôi giải thích cỡ nào cô ấy cũng không chịu, hết khóc bù lu bù loa vì cho rằng tôi coi thường bên vợ đến ra tối hậu thư nếu tôi không chịu theo ý thì sẽ ly hôn, để cô ấy tự do thờ ba mẹ mình. Tôi rối quá, mong chị giúp tôi.

Công Đạt (Vĩnh Long)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Anh Công Đạt thân mến,

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Tùy theo mỗi vùng miền, mỗi dân tộc, mỗi dòng họ, thậm chí là trong từng gia đình sẽ có những quan niệm và cách thức thờ cúng khác nhau, nhưng tựu trung cũng là thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên, nguồn cội.

Đây là câu chuyện gắn với tình cảm thiêng liêng và phong tục, tập quán, thói quen của từng nơi, từng nhà, rất khó để phân định đúng - sai. Do vậy, thay vì sa vào tranh cãi để giành phần thắng, anh cần làm sao cho vợ đồng cảm và đồng lòng với mình mới là thượng sách.

Đầu tiên, chuyện vợ anh, từ chỗ không sẵn lòng thờ ba mẹ chồng, đã “xuống nước” đồng ý thờ cả ba mẹ 2 bên. Anh nên xem đây là một bước thiện chí của cô ấy. Vợ đã lùi một bước, anh cũng hãy lùi một bước - có thể là vui vẻ với chuyện vợ chồng anh cũng sẽ thờ ba mẹ vợ. Đừng khăng khăng lý lẽ em trai vợ thờ rồi thì vợ không được thờ.

Thật ra, bàn thờ gia tiên lập ra để tưởng niệm, ghi nhớ ân đức sinh dưỡng của tổ tiên, ông bà. Phụ nữ theo chồng, xa ba mẹ, về nhà chồng làm dâu - vốn họ đã có nỗi canh cánh chưa làm tròn đạo hiếu và một khoảng trống tình cảm trong lòng, nên việc vợ anh tha thiết muốn thờ cúng ba mẹ rất đáng được đồng cảm. Chưa kể, việc anh thờ cúng ba mẹ 2 bên cũng là một cách để giáo dục con cháu về đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Anh cũng không nên quan niệm cứng nhắc bàn thờ là “nơi ở” của người đã khuất rồi lấn cấn chuyện “ngồi chung mâm”. Nếu ngại anh em họ tộc bên nội có ý kiến, anh có thể thử bàn với vợ xem làm cách nào tốt nhất. Khi đã thống nhất quan điểm sẽ thờ cúng 2 bên nội ngoại trong nhà thì chuyện thờ chung một bàn thờ hay mỗi bên một bàn thờ chỉ là vấn đề hình thức.

Bàn thờ bên nội và bàn thờ bên ngoại riêng biệt, cùng được bài trí trang trọng như nhau cũng sẽ tiện khi cúng kiếng theo tập tục, thói quen ẩm thực của từng nhà. Đó là một hướng để anh có thể gợi mở với vợ. Tin rằng khi cảm nhận được ở anh tấm lòng chân thành và tình cảm với nhà ngoại thì vợ anh sẽ hiểu cho cái khó xử của anh để cùng anh chọn ra giải pháp hợp tình, hợp lý nhất.

Cha mẹ nào cũng thương con, mong cho con cháu an vui, hạnh phúc, kể cả khi họ đã không còn trên cõi đời. Sống hạnh phúc, hòa thuận, nuôi dạy con ngoan… là cách hiếu kính ý nghĩa nhất. Thờ cúng rình rang, nhang khói nghi ngút mà gia đạo không yên thì ba mẹ có chết cũng không an lòng. Chúc anh khéo léo giải quyết chuyện nhà cho trong ấm, ngoài êm.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(11)
  • Minh Châu 25-10-2024 19:38:30

    Đúng là văn hóa khác biệt gây khó khăn! Bạn có thể nhấn mạnh ý nghĩa truyền thống và thử tìm một cách mềm mỏng hơn để vợ hiểu rằng bạn không coi thường bên ngoại, mà chỉ muốn giữ lại nếp nhà

  • Yến Lê 25-10-2024 19:34:07

    Vợ bạn có vẻ hơi 'sáng tạo' khi muốn biến bàn thờ thành kiểu "gia đình liên hợp quốc" đấy nhỉ? Mỗi bên nhường một chút, kẻo các cụ nhìn xuống lại lắc đầu vì con cháu cứ mãi tranh cãi chuyện ngồi đâu, đứng đâu.

  • Thuỳ Linh 25-10-2024 19:29:53

    Thờ cúng là vấn đề không dễ dàng, đặc biệt khi hai gia đình có phong tục khác nhau. Có khi cần đặt cả tình cảm vào, không chỉ là trách nhiệm hay bổn phận, tìm điểm chung có thể giúp tránh căng thẳng giữa hai bên đấy

  • Quế Anh 25-10-2024 19:27:47

    Chuyện thờ cúng mà làm như sắp phân chia biên giới vậy! Mà bạn thử suy nghĩ xem, nhà có thêm một bàn thờ thì cũng đâu làm ai mất mát gì, nhường nhịn cho êm ấm chẳng phải tốt hơn sao?

  • Sương Mai 25-10-2024 19:25:03

    Thật khó cho bạn! Vấn đề thờ cúng là truyền thống đáng trân trọng, nhưng cũng là sự đồng hành, tôn trọng trong hôn nhân. Nên bàn kỹ để tìm cách dung hòa, không bên nào cảm thấy bị bỏ quên hoặc bị ép buộc

  • Nguyễn Văn Nam 25-10-2024 19:22:41

    Nghe cứ như chuyện "ngôi nhà chung" nhưng là ở cõi âm nhỉ? Đúng là chẳng đâu vào đâu, người thì quyết giữ phong tục, người thì quyết thờ chung! Hai bên đang căng thẳng vì... không biết cách "để các cụ ngồi đúng chỗ"!

  • Ánh Dương 25-10-2024 19:20:23

    Gia đình là chuyện lâu dài, mà thờ cúng cũng là tình cảm và trách nhiệm. Có lẽ bạn nên thử nói với vợ về ý nghĩa truyền thống của nhà bạn, để cô ấy hiểu cho cái khó của bạn hơn

  • Ngọc Châu 25-10-2024 19:15:48

    Ôi, việc thờ cúng sao mà căng thẳng vậy! Bạn và vợ có thể cân nhắc thỏa hiệp, ví dụ, thờ hai bên nhưng trong hai khu vực riêng biệt. Mỗi nhà mỗi nếp, nhưng cũng nên có không gian để cân bằng

  • Lê Xuân Trường 25-10-2024 14:46:18

    Chuyện nhỏ như con thỏ mà các cháu không nghĩ thoáng và chiều nhau được thì nên ly hôn, càng sớm càng tốt. Cháu trai nên xem lại mình: nhận thức quá lạc hậu, hẹp hòi.

    • Ttky

      Cô vợ mới hẹp hòi vì không muốn thờ bên chồng, định chỉ thờ cha mẹ mình hay sao?

  • Giang 25-10-2024 11:14:13

    thì bàn thờ cha má anh để ở nhà của anh anh, anh đi tới lui thắp hương cũng được rồi. Nhà anh, vợ anh muốn thời ba má vợ cũng đâu có gì sai... mà anh không chịu cho ngồi chung mâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI