“Màu mới” ở sân khấu Thế Giới Trẻ

15/04/2023 - 06:11

PNO - Sân khấu Thế Giới Trẻ đang “chạy nước rút” cho vở hài kịch Ngày hội Cái Bang. Như vậy, sau Bật công tắc là yêu, sân khấu này tiếp tục mang đến một màu sắc mới lạ cho khán giả.

Chuyển động tích cực 

Ngày hội Cái Bang (đạo diễn: Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Hữu Châu) được tác giả Đăng Nhân viết cách đây hơn 10 năm nhưng đến nay mới “đủ duyên” để đến với công chúng. Điều đặc biệt nhất là tác giả viết theo phong cách kịch phi lý. “Kịch phi lý xuất hiện từ thập niên 1950 với những tác phẩm như Nữ ca sĩ hói đầu (tác giả Eugène Ionesco), Trong khi chờ Godot (Samuel Beckett)… phổ biến ở phương Tây đến nay. Tuy nhiên, dòng kịch này vẫn khá xa lạ với khán giả Việt Nam.

Bật công tắc là yêu là nỗ lực rất lớn của sân khấu Thế Giới Trẻ trong việc đa dạng phong cách - ẢNH: LINH ĐOAN
Bật công tắc là yêu là nỗ lực rất lớn của sân khấu Thế Giới Trẻ trong việc đa dạng phong cách - Ảnh: Linh Đoan

Kịch phi lý nói cho dễ hiểu là từ những cái phi lý để nói chuyện hợp lý. Ở Ngày hội Cái Bang, tôi tạo ra một không gian giả định cho những nhân vật của nhiều tác phẩm văn học - điển hình như Thị Nở, Thị Mầu, Thị Hến… - gặp nhau và giải quyết mâu thuẫn” - tác giả Đăng Nhân giải thích.

Bà An Thi - quản lý sân khấu Thế Giới Trẻ - cho biết, Ngày hội Cái Bang là vở diễn đông diễn viên nhất từ trước đến nay; cũng là lần đầu Thế Giới Trẻ dựng hài kịch dân gian nên rất kỳ vọng mang đến màu sắc mới lạ cho khán giả. 
Có thể nói, vở Bật công tắc là yêu (kịch bản: Lê Hoàng, đạo diễn: Nghệ sĩ nhân dân Trần Ngọc Giàu) trước đó là một “phép thử” khi phong cách kịch Lê Hoàng vốn khác biệt những gì thường thấy tại Thế Giới Trẻ.

Kịch ở sân khấu này vốn có tiết tấu nhanh, thoại gãy gọn, hài tình huống, xem rất “xả stress”. Trong khi đó kịch Lê Hoàng thường đặt một nhóm nhân vật không rõ danh tính vào một không gian hẹp và đối thoại nên rất khó dựng, khó diễn và cả khó xem. Thế nhưng, người làm sân khấu vẫn rất hứng thú với kịch Lê Hoàng bởi chiều sâu triết lý và lời thoại xuất sắc. Trước đây, có sân khấu 5B và về sau gần như chỉ có sân khấu kịch IDECAF dựng thành công kịch bản của Lê Hoàng.

“Thành thật mà nói, Bật công tắc là yêu không thể sắp suất diễn thường xuyên như nhiều vở hài kịch khác. Thế nhưng trải nghiệm trong mỗi đêm diễn rất đáng giá cho cả người diễn và người xem. Chúng tôi xác định phải làm những gì khán giả thích nhưng cũng cần những tác phẩm đáp ứng nhu cầu của nhóm khán giả khu biệt hơn và nhất là có thể nâng cao tay nghề của diễn viên” - bà An Thi chia sẻ về định hướng của sân khấu Thế Giới Trẻ.

Khi nghệ sĩ trưởng thành 

Nhắc Bật công tắc là yêu, diễn viên Hoàng Phi vẫn nhớ rõ cảm giác hoang mang buổi đầu. “Lúc nhận kịch bản, mọi người không tin là vở có thể chạy được, không tin là mình có thể diễn được kiểu đó. Có một khoảng thời gian, cả 4 người (vở chỉ có 4 diễn viên là Hoàng Phi, Anh Đức, Nam Thư và Minh Dự) chỉ biết nhìn nhau mà muốn khóc. Lần đầu tiên tôi có cảm giác là mình không biết phải làm gì” - Hoàng Phi nhớ lại.

Diễn viên Hoàng Phi (giữa) cho rằng qua Ngày hội Cái Bang, các diễn viên trẻ sẽ học hỏi và tiến bộ nhiều từ kinh nghiệm của NSƯT Hữu Châu
Diễn viên Hoàng Phi (giữa) cho rằng qua Ngày hội Cái Bang, các diễn viên trẻ sẽ học hỏi và tiến bộ nhiều từ kinh nghiệm của NSƯT Hữu Châu

“Thế nhưng sau đó, tôi nhận ra là mình nên vui sướng khi nhận được kịch bản như thế này. Trong đầu tôi, hiện lên hình ảnh anh Thành Lộc, anh Hữu Châu và nhiều anh chị đi trước mà tôi ngưỡng mộ. Đây là một cơ hội mà mình không thể bỏ qua chỉ vì thiếu lòng tin. Mọi người lại tập trung cùng nỗ lực, cùng khám phá lại chính bản thân mình” - Hoàng Phi chia sẻ. Theo anh, điều thuận lợi là sau hơn 10 năm, khán giả của sân khấu Thế Giới Trẻ cũng đang thay đổi. Nhu cầu của khán giả đa dạng hơn, chấp nhận nhiều phong cách hơn, yêu cầu cũng cao hơn nên diễn viên lại càng “hưởng lợi” - cơ hội trau dồi nhiều hơn, có nhiều vai diễn hay hơn, năng lực ngày một tốt hơn.

Ngày hội Cái Bang cũng là một kịch bản khó đối với mặt bằng chung các diễn viên trẻ của Thế Giới Trẻ. Việc chọn NSƯT Hữu Châu - một ông thầy nổi tiếng “mát tay” của làng kịch TPHCM - đạo diễn vở cũng nhằm mang đến những trải nghiệm mới mẻ cho diễn viên. 

“Chúng tôi cảm ơn NSƯT Hữu Châu đã đến với yêu cầu rất cao và tạo áp lực lên diễn viên, làm mọi người hết sức tập trung, phấn đấu trong từng cảnh, từng phân đoạn để có kết quả tốt nhất” - Hoàng Phi nói và theo anh, đây là điều rất tuyệt vời cho người diễn viên.

Với NSƯT Hữu Châu, đây là cơ duyên tốt để anh truyền đạt kinh nghiệm đến nhiều bạn trẻ, không riêng gì học trò của mình. NSƯT Hữu Châu đánh giá cao “cái duyên” của các diễn viên trẻ đã hình thành nên thương hiệu sân khấu Thế Giới Trẻ hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, để đi đường dài, người diễn viên cần nhiều thứ hơn nữa. Anh chia sẻ: “Các em có duyên nên người ta đón nhận, nhưng các em còn hơi bị tự do, cần đi vào nhân vật một chút để người ta tới đây coi Hoàng Phi là coi nhân vật của Hoàng Phi, coi Minh Dự là coi nhân vật của Minh Dự, coi Puka là coi nhân vật của Puka… chứ không phải chỉ cần coi Hoàng Phi, Minh Dự hay Puka… là được”. 

Ninh Lộc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI