Góp ý dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Mặt trận Tổ quốc phải giúp dân giám sát và thụ hưởng

02/11/2020 - 07:17

PNO - Ngày 20/10, toàn bộ dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã được công bố để lấy ý kiến nhân dân. Một trong những điểm mới của dự thảo là bổ sung phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thành “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Kỹ sư Đồng Văn Khiêm - thành viên Hội đồng tư vấn phản biện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TPHCM - đã trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM xoay quanh nội dung mới này.

Phóng viên: Thưa ông, trên thực tế, ở một số nơi, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” dường như chưa được thể hiện rõ nét lắm?

Kỹ sư Đồng Văn Khiêm: Gần mười năm trước, tôi và người dân được UBND phường mời đến họp, nêu ba nội dung đối với việc xây vỉa hè theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm: người dân đóng trước 50% vốn, mốc thời gian hoàn thành và thông qua bản vẽ. 

Tại cuộc họp, người dân nhất trí về thời gian, chịu đóng tiền nhưng yêu cầu phải chỉnh sửa bản vẽ cho phù hợp thực tế vì họ không đồng ý làm phần bó vỉa hè vuông vức, cao hơn mặt đường 40cm, gây bất tiện cho việc dắt xe lên xuống. Người dân đề nghị xây thêm điểm nối từ mặt đường lên vỉa hè, hoặc bó vỉa nghiêng ít nhất 45 độ so với mặt đường. Sau một hồi tranh luận, vị giám đốc dự án chốt lại rằng, bản vẽ đã được cấp trên phê duyệt, không điều chỉnh lại được. Câu nói này bị người dân phản ứng dữ dội.

Khi đó tôi nói, mời dân đến để lắng nghe, thảo luận phương án mà bảo cấp trên đã duyệt thì còn mời chúng tôi đến để làm gì? Giám đốc dự án biện minh rằng, nếu thay đổi thiết kế, sẽ không kịp hoàn thành công trình trước tết. Nghe vậy, người dân đồng loạt ý kiến, vỉa hè là công trình có tính lâu dài, đã hoàn thành thì không thể đào lên, lấp xuống nên không cần đua thời gian. Cuối cùng, lãnh đạo phường đồng ý với phương án của người dân.

Công trình bó vỉa hè đó tuy lỡ dịp mừng xuân đến bốn tháng nhưng đã mang đến sự hài lòng cho người dân.

Từ một con kênh ô nhiễm, chính quyền cùng người dân Q.7 đã cải tạo, sau đó người dân chủ động chia nhau vớt rác, bảo vệ kênh
Từ một con kênh ô nhiễm, chính quyền cùng người dân quận 7 đã cải tạo, sau đó người dân chủ động chia nhau vớt rác, bảo vệ kênh

Trong những năm qua, chính quyền TPHCM đã thực hiện phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng thông qua việc thường xuyên tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc, ghi nhận ý kiến của người dân và nhận được sự đồng thuận cao. Tuy nhiên, để phát huy tinh thần dân giám sát, dân thụ hưởng như nội dung dự thảo văn kiện bổ sung, cần thêm nhiều yếu tố.

* Đó là những yếu tố gì, thưa ông?

- Tôi muốn nói đến chữ tâm của người cán bộ. Là người thực thi, giúp dân giải quyết vấn đề mà lại không tạo được niềm tin trong nhân dân, không sát dân để thấu hiểu và không nghe tiếng nói của dân thì chính sách, chủ trương hay việc triển khai các công trình, dự án phục vụ cho người dân cũng không mang lại hiệu quả cao. 

Có lần, tôi nhìn thấy một cây xanh bị mối ăn gần hết, nguy cơ đổ ngã, đè chết người rất cao. Tôi liền phản ánh đến chính quyền và công ty cây xanh. Bảy tháng sau, tôi vẫn thấy cây đó tồn tại, trong lúc đang mùa mưa gió.

Tôi hỏi ra thì cơ quan này cho biết, đã hoàn thành thủ tục hồ sơ, gửi cho đơn vị kia thẩm định, xử lý. Tôi gọi cho đơn vị kia hỏi tiếp thì lại nghe báo đã chuyển cho đơn vị khác. Một cây xanh cần phải kiểm tra, đốn hạ để an toàn cho dân mà không ai giải quyết. Dân phản ánh mối nguy mà cán bộ không đặt mình trong sự nguy hiểm đó để xử lý rốt ráo thì cũng như không. 

* Ông đánh giá ra sao về vai trò giám sát, phản biện của người dân hiện nay? 

- Cái gốc vấn đề là phải công khai, minh bạch để dân được giám sát, phản biện. Vậy, ai giúp dân giám sát, nói lên nguyện vọng của mình? Ủy ban MTTQ các cấp đảm nhiệm vai trò này. Mặt trận là cơ quan thay mặt, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền lợi của người dân, là đại biểu của nhân dân. Đảng cũng đã giao cho Ủy ban MTTQ công tác giám sát, phản biện xã hội.

Riêng ở TPHCM, Ủy ban MTTQ đã xây dựng các đề án giám sát, trong đó có giám sát hoạt động của đảng và chính quyền với 319 ban thanh tra nhân dân, 245 ban giám sát cộng đồng và nhiều chương trình hành động chung với các ngành cấp thành phố và địa phương. Trách nhiệm của MTTQ rất lớn, đã được luật hóa. 

Ngay cả khi TPHCM được Quốc hội chấp thuận cho tổ chức mô hình chính quyền đô thị, tức không tổ chức hội đồng nhân dân cấp quận, phường thì với sự hiện diện của MTTQ, tiếng nói, tính giám sát của người dân vẫn không bị ảnh hưởng. Vậy, vấn đề là MTTQ cần phải phát huy hơn nữa chức trách của mình.

* Xin cảm ơn ông. 

Tuyết Dân

 

 

 

 
TIN MỚI