Lúng túng với dị bản trong sách giáo khoa

02/11/2021 - 10:53

PNO - Việc “không đồng nhất” về một đơn vị kiến thức cụ thể trong sách giáo khoa (SGK) ngữ văn nhiều năm nay khiến giáo viên gặp khó khi đứng lớp. Về lâu dài, điều này sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của học sinh.

Truyện hay Chuyện?

Thầy N.T. (giáo viên Ngữ văn, một trường THCS ở quận 3) mới đây đã rơi vào tình huống “dở khóc, dở cười” trong giờ học online. Trong giờ học Ngữ văn 6, với bài Chuyện cổ nước mình của tác giả Lâm Thị Vỹ Dạ, học sinh và nhiều phụ huynh thắc mắc là tại sao trong SGK Ngữ văn 6 Bộ Chân trời Sáng tạo ghi là Chuyện cổ nước mình còn SGK Tiếng Việt lớp 4 hiện hành lại ghi là Truyện cổ nước mình.

“Chỉ có thể giải thích cho phụ huynh, học sinh là khi nào dùng truyện, khi nào dùng chuyện. Nhưng vì sao cùng 1 tên tác phẩm mà 2 cách viết khác nhau thì tôi xin... khất học sinh, phụ huynh để tìm hiểu thêm trước khi đưa ra câu trả lời”, thầy T. nói. 

Một ví dụ khác về sự không đồng nhất thông tin trong SGK có thể kể đến như tiểu sử của Nguyễn Du. Cụ thể, sách hướng dẫn giáo viên Ngữ văn lớp 9, thông tin: Nguyễn Du mồ côi cha năm 9 tuổi, mồ côi mẹ năm 12 tuổi. Tuy nhiên, SGK Ngữ văn lớp 10 lại thông tin: Nguyễn Du mồ côi cha năm 10 tuổi, mồ côi mẹ năm 13 tuổi. Hai cuốn sách này cùng NXB Giáo dục Việt Nam (Bộ GD-ĐT). 

Vấn đề dị bản trong văn học dân gian ở những bộ SGK cũng đã được nhiều lần bàn cãi. Từ nhiều năm nay, riêng kết thúc truyện Tấm Cám, Chuyện người con gái Nam Xương... ở mỗi bản SGK lại mang những màu sắc khác nhau...

Thầy Võ Kim Bảo (giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Du, quận 1) chia sẻ, vấn đề các bản SGK không thống nhất với nhau đã tồn tại nhiều năm nay, song không có sự thay đổi, khiến giáo viên thực sự gặp khó khi giảng dạy, thậm chí là “đứng hình” trên bục giảng khi học sinh thắc mắc.

Để “ứng phó” với các dị bản, thầy Bảo cho biết, giáo viên phải tự cập nhật các dị bản của từng bộ SGK. Tuy nhiên, không phải khi nào cũng có thể giải thích được với học sinh, phụ huynh. “Nếu như tính dị bản trong văn học dân gian có thể chấp nhận được bởi bản chất của văn học dân gian là truyền miệng thì việc cùng một tiêu đề nhưng ở 2 SGK lại có 2 cách viết khác nhau thì ngay cả giáo viên cũng lúng túng, không biết phải nói thế nào cho học sinh hiểu”.

Ảnh hưởng đến nhận thức ngôn ngữ của học sinh

Thầy Võ Kim Bảo đánh giá, SGK luôn được coi mang tính chuẩn mực, chuẩn chỉnh về nội dung và hình thức, để giáo viên, phụ huynh, học sinh soi vào đối chiếu. Đó là chưa kể, kiến thức trong SGK mang tính kế thừa, nếu như cùng một nội dung kiến thức đó nhưng ở khối lớp này các em học như thế này, lên khối lớp kia các em lại học thế kia thì sẽ rất nguy hiểm.

“Sự không thống nhất trước hết khiến học sinh băn khoăn không biết viết thế nào cho đúng chính tả, tiếp đó học sinh có thể nhầm lẫn khái niệm dùng, về lâu về dài ảnh hưởng đến nhận thức ngôn ngữ của học sinh, gây khó khăn cho giáo viên khi giảng dạy”. 

Giáo viên này cho rằng, mỗi năm in lại SGK nên có sự điều chỉnh, đính chính lại nội dung chưa hợp lý. Khi viết SGK chương trình GDPT 2018 cần có kênh để cộng đồng góp ý, điều chỉnh và nên thẳng thắn ghi nhận những góp ý đó.

ThS. Ngôn ngữ Phan Thế Hoài (giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) nhận định, thực tế trong sách tham khảo vấn đề không đồng nhất thông tin hay xảy ra nhưng trong SGK thì vấn đề này ít, song vẫn có, thường hay gặp ở văn học dân gian.

Trước các dị bản về tác phẩm văn học, giáo viên phải căn cứ vào tác phẩm nguyên mẫu để giải thích cho học sinh, phụ huynh, tra cứu thêm các tài liệu chính thống. Nhiều thông tin cần phải căn cứ theo quy ước ngôn ngữ, yếu tố pháp luật, xã hội để giải thích thông tin đúng nhất... 

Ví dụ, thông tin tiểu sử của Nguyễn Du, theo gia phả họ Nguyễn - Tiên Điền, Nguyễn Du, tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên, sinh năm 1765 tại kinh thành Thăng Long, Hà Nội. Năm 10-13 tuổi, ông lần lượt mồ côi cha mẹ, phải đến ở với người anh cả khác mẹ Nguyễn Khản, hơn 31 tuổi, là đại quan dưới triều chúa Trịnh… Như vậy, sách ghi “Nguyễn Du mồ côi cha năm lên 9 tuổi và mồ côi mẹ năm lên 12 tuổi” là đúng theo khai sinh nhà thơ (1765).

“SGK cần phải thống nhất một cách ghi chung, không thể mỗi sách ghi một kiểu, vừa không đúng theo quy ước vừa gây rối cho học sinh. Tác giả sách phải rất thận trọng, nhất quán xuyên suốt các cấp, khoa học, phổ thông, viết sao cho dễ hiểu để tránh làm khó giáo viên, học sinh, phụ huynh”, ThS. Hoài đề xuất. 

ThS. Trần Tiến Thành, chuyên viên môn Ngữ văn, Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ, với việc không đồng nhất thông tin trong các bản SGK, trước hết cần hiểu rằng căn cứ vào đâu để người biên soạn lựa chọn bản in đó. 

“Chính tôi cũng thắc mắc là cơ sở nào để chủ biên sử dụng Chuyện cổ nước mình mà không phải là Truyện cổ nước mình. Việc không đồng nhất phần nào sẽ gây khó cho giáo viên, học sinh mặc dù hiện nay yêu cầu dạy về năng lực đọc hiểu cho học sinh chứ không phải dạy học sinh ghi nhớ kiến thức. Thông tin trong SGK cần có sự thống nhất, nếu chỉnh sửa thì cần phải có thêm hiệu đính thông tin để giáo viên, học sinh hiểu...”.

Én Bông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI