Lòng thương không thể điều tiết được thị trường

15/02/2018 - 17:32

PNO - Như vậy là điệp khúc “hoa ế” không cần phải chờ đến chiều 30 tết. Mà ngay từ chiều tối 29 tết, chợ hoa tươi Đầm Sen lớn nhất Sài Gòn đã “vỡ trận”. Còn đến trưa 30 tết, nhà vườn bán hoa… đập chậu.

Trước tết khoảng dăm, bảy ngày đã có những bài viết kêu gọi người tiêu dùng hãy mua hoa sớm cho người trồng hoa bớt khổ, bớt lỗ…

Nhưng lời kêu gọi lòng thương, lòng từ thiện của người tiêu dùng, xem ra không thể thuyết phục được những toan tính về hầu bao của họ. Bởi một lẽ đơn giản, nếu người tiêu dùng mua hoa vì lòng thương và không quá quan tâm đến giá cao hay đắt đỏ, thì ai sẽ “rủ lòng thương” cho túi tiền của họ?

Long thuong khong the dieu tiet duoc thi truong
Nếu người tiêu dùng mua hoa vì lòng thương và không quá quan tâm đến giá cao hay đắt đỏ, thì ai sẽ “rũ lòng thương” cho túi tiền của họ?

Đã có những status tranh luận trên Facebook, rằng không ít nhà vườn, chủ vựa, trước tết từ mười ngày tới nửa tháng đã găm hàng hét giá cao với lí do được cho rằng năm nay thời tiết thất thường hoa mất mùa ít hàng. Mãi cho đến trước tết vài ngày, thấy sức mua yếu, nhiều mối lấy hàng rút lại đơn hàng, thì các nhà vườn và chủ vựa mới chịu hạ giá xuống, nhưng đã không còn kịp…

Nhìn nhận một cách khách quan về mặt thị trường, tình cảnh các chợ hoa tết ế ẩm năm nay được cho là cung vượt cầu. Nhưng diễn biến trên thị trường lại có những “ẩn khúc” chỉ những người bán và mua mới hiểu. Khi giá hoa đầu vụ tết bị hét cao, nghĩa là người bán cũng đã muốn “bù đắp” cho một phần hoa ế phải bán đổ bán tháo hay phải vứt bỏ vào những ngày 29, 30 tết.

Song tính toán này cũng chỉ cho thấy người trồng hay bên bán nắm đằng lưỡi. Còn đằng chuôi vẫn thuộc về người tiêu dùng. Giá hoa đắt quá họ không chơi nữa, hoặc mua ít lại, thậm chí cứ “mặc kệ” chờ đến ngày 30 tết mới đi mua hoa… sẽ giúp tiết kiệm được chi phí trong rất nhiều thứ chi phí mua sắm tốn kém trong dịp tết.

Thị trường có những nguyên tắc, qui luật rất rõ ràng. Lòng thương, sự từ thiện không thể giải cứu rốt ráo được thị trường hoa tết, càng không thể điều chỉnh được thị trường hoa tết.

Thị trường là thuận mua vừa bán. Dù có cảm thông với người nông dân trồng hoa đến mấy, thì cũng không thể trách rằng người tiêu dùng ép giá. Hoa hay cây kiểng tết muốn bán được, trước hết phải có chất lượng (đẹp là số 1), và mức giá cũng vừa phải để bên bán và bên mua có thể “khớp” được một cách nhanh chóng.

Sự hét giá quá cao, muốn lời nhiều, hay nhằm “bù đắp” cho số hoa dự kiến bị ế hàng trong một, hai ngày cận tết… , nhiều khi lại phản tác dụng, mà trên thực tế đang diễn ra đúng như vậy tại nhiều chợ hoa ở TP.HCM trong hai ngày 29 và 30 tết.

Hình ảnh đến đau lòng, khi một nhà vườn bán hoa tại Công viên 23/9 (TP.HCM) dùng gậy đập vỡ hàng loạt chậu hoa để người ta không thể nhặt về dùng, cũng là một cách không chấp nhận làm “từ thiện” cho không người tiêu dùng.

29 tết, chúng tôi có dịp ngồi hàn huyên với một người bạn tại thành phố Pleiku, đồng thời cũng là một nhà vườn nhỏ, năm nay trồng khoảng chừng trăm chậu hoa Vạn thọ. Anh bạn cho biết, hoa đã được bán hết từ ngày 28 tết, và lí giải: Thứ nhất vì hoa của anh trồng nở hoa to và đẹp. Thứ hai, anh chủ trương bán ở mức giá vừa phải, chấp nhận khớp ở một giá “cả hai bên đều vui” nhưng anh cũng đã có lời…

Đó là cách bán hàng “win – win” cả hai đều vui như anh nói. Với cách bán hàng đó, anh không cần kêu gọi lòng thương hay sự từ thiện để mua hoa giúp anh. Vì anh cũng hiểu, người tiêu dùng hầu hết đều chắt bóp và tiết kiệm, suy tính chi tiêu hiệu quả.

Cứ nhìn vào trường hợp hoa tươi vứt chất đống tại chợ hoa tươi Đầm Sen trong khi hàng chục xe tải lớn chở hoa từ Đà Lạt xuống không thể xuống hàng vì lượng hoa tiêu thụ không kịp đang bị dồn ứ.

Trong trường hợp này nếu trách người tiêu dùng lạnh lùng cố tình ép giá hoàn toàn không ổn chút nào. Bởi lòng thương không phải là yếu tố thuộc về thị trường, vậy thì đừng cứ lấy nó để điều tiết thị trường, vì thị trường kiểu ấy sẽ không bao giờ phản ánh đúng bản chất.

Thụy Du

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI