London Fashion Weeks: Thời trang thời khó

20/09/2020 - 11:46

PNO - London Fashion Weeks (LFW - Tuần lễ thời trang London) đã bắt đầu. Nhưng có lẽ, rất nhiều sự chú ý sẽ đổ dồn vào các hoạt động của nó chứ không chỉ riêng phục trang.

Đã có những tranh cãi, liệu đây có phải là thời điểm mà ngành công nghiệp thời trang nên tạm dừng một nhịp để xem xét lại liệu có nên tổ chức một sự kiện hoành tránh hay không? Ai đang là những người mua sắm những bộ trang phục đắt tiền? Tỷ lệ nhiễm coronavirus tiếp tục tăng ở nhiều nơi trên thế giới, đồng nghĩa với việc các hoạt động xã hội vẫn đang bị hạn chế và thị trường quần áo sang trọng đang rất bấp bênh, vậy tổ chức chương trình này làm gì?

Bất chấp mọi diễn biến không thuận lợi của cả về điều kiện xã hội lẫn thị trường thời trang, vẫn có một loạt hoạt động được lên kế hoạch cho LFW bao gồm 7 sự kiện trực tiếp và hàng chục hoạt động khác. Chỉ có ba thương hiệu thời trang là Bora Aksu, Mark Fast và Pronounce lên kế hoạch cho 4 buổi trình diễn trực tiếp trên sàn diễn. Bốn show diễn trực tiếp - một con số quá ít so với 46 buổi diễn ở sự kiện vào tháng 9 năm ngoái.

Nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng giới thiệu bộ sưu tập của mình tại Tuần lễ thời trang Lobdon bằng hình thức trực tuyến
Nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng giới thiệu bộ sưu tập của mình tại Tuần lễ thời trang Lobdon bằng hình thức trực tuyến.

Trong khi nhiều nhà thiết kế tên tuổi của Mỹ đã tạm nghỉ sau Tuần lễ thời trang New York vừa kết thúc,  LFW sẽ chứng kiến ​​sự trở lại của một số gương mặt quen thuộc như JW Anderson; Nhà thiết kế trẻ Charlotte Knowles, Bianca Saunders và bộ đôi người Bồ Đào Nha, Marta Marques và Paulo Almeida - chủ thương hiệu Marques Almeida. Riêng Richard Quinn, người được trao Giải thưởng Nữ hoàng Elizabeth II cho hạng mục Thiết kế vào năm 2018, sẽ giới thiệu bộ sưu tập của mình bằng một bộ phim.

Ở tuần lễ thời trang này nhiều thương hiệu lớn, trong đó có cả Tom Ford và Brandon Maxwell phát hành sách ra mắt các dòng sản phẩm mới của họ thay vì biểu diễn trực tiếp trên sàn catwalk.

Trong lịch sử thời trang, London được coi là tuần lễ thời trang nhiều sáng tạo bên cạnh các tuần lễ thời trang New York, Milan và Paris. Tuy nhiên trong tình hình dịch bệnh hiện nay, hiệu quả của LFW còn phải chờ xem liệu các nhà thiết kế có tận dụng tối đa công nghệ để kết nối với khán giả và thu hút người tiêu dùng hay không.

Người mẫu biểu diiễn trang phục của Bora ở khu vườn thuộc luôn viên nhà thờ
Người mẫu biểu diiễn trang phục của Bora Aksu ở khu vườn thuộc luôn viên nhà thờ

Show diễn mở màn ấn tượng tại LFW:

Show diễn trực tiếp đầu tiên của nhà thiết kế Thổ Nhĩ Kỳ Bora Aksu được tổ chức ở khu vườn trong khuôn viên nhà thờ Covent Garden đã gây ấn tượng rất lớn. Bộ sưu tập lấy cảm hứng từ chính cơn đại dịch của nhân loại trong thế kỷ XXI. “Đại dịch đã ảnh hưởng mạnh đến cuộc sống của chúng tôi và cách chúng tôi vận hành, làm việc”, Bora Aksu nói.

Các người mẫu của Bora đeo khẩu trang trong suốt
Các người mẫu của Bora Aksu đeo khẩu trang trong suốt

Dịch COVID-19 khiến Bora Aksu liên tưởng đến trận dịch năm 1918 và những hệ lụy tiếp theo sau nó. Nhưng thông điệp của ông trong các mẫu trang phục của mình lại là niềm tin vào một tương lai tốt đẹp: “Đại dịch 1918 nối tiếp những hậu quả của chiến tranh thế giới, nhưng thế giới đã bắt đầu thời kỳ tốt đẹp hơn vào năm 1920. Tôi được truyền cảm hứng từ những anh hùng trong cuộc chiến, nỗi đau chung mà chúng ta đang trải qua lúc này, và vẻ đẹp được tái sinh trong tương lai”, Bora nói.

Bộ sưu tập của Bora lấy cảm hứng từ trận đại dịch của thế kỷ
Bộ sưu tập của Bora Aksu lấy cảm hứng từ trận đại dịch của thế kỷ

Những người mẫu với chiếc khẩu trang trong suốt trong chiếc váy trắng bồng bềnh với tất dài và ủng trắng hoặc những chiếc váy xếp tầng với tông màu pastel hồng và xanh lam, kim tuyến đậm, ren… đã mang đến cho những khán giả có mặt những ấn tượng đặc biệt về một bộ sưu tập ghi đậm dấu ấn của thời đại dịch thế kỷ.

Một số mẫu trong bộ sưu tập của nhà thiết kế Bora Aksu:

Khánh Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI