Lều du lịch, đồ cắm trại... "cháy hàng" trước giờ các doanh nghiệp hoạt động "3 tại chỗ"

14/07/2021 - 17:17

PNO - Nhu cầu mua sắm các vật dụng, đồ thiết yếu của các doanh nghiệp TPHCM để nhân viên, người lao động ăn, nghỉ lại ngay nơi làm việc tăng vọt.

Ngày 13/7, UBND TPHCM có văn bản khẩn về việc dừng hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố nếu không đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Theo đó, chỉ các doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ theo phương châm “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ – ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ) mới được phép hoạt động.

Sau yêu cầu này, trong buổi sáng ngày 14/7 hàng loạt các công ty, nhà máy… trên địa bàn thành phố cắt cử người tìm mua các trang thiết bị (lều bạt, túi ngủ, chăn màn…) hàng thiết yếu để có thể đáp ứng yêu cầu vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất.

Công ty Nidec Sankyo trong Khu công nghệ cao bố trí chỗ ở cho công nhân ngay trong công ty. Ảnh: Đức Long
Công ty Nidec Sankyo trong Khu công nghệ cao bố trí chỗ ở cho công nhân ngay nơi làm việc. Ảnh: Internet

Anh Phan Phước Lộc – Giám đốc Công ty TMDV Lều Việt cho biết, tất cả doanh nghiệp đều muốn mua lều, doanh nghiệp nhỏ thì 300 – 500 cái, còn doanh nghiệp lớn đặt số lượng từ 2.000 – 3.000 cái. Nhưng do số lượng đặt hàng tăng đột biến nên nhất thời công ty không thể đáp ứng kịp. Hiện công ty sản xuất hết tốc lực, nhưng đang là thời điểm giãn cách xã hội nên mỗi ngày chỉ đáp ứng được hơn 1.000 sản phẩm. Cũng may là doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu có sẵn nên mới đáp ứng được lượng hàng này, còn các đơn vị khác thì khá bị động.

Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu này chỉ cầm cự được khoảng vài ngày nữa, nếu nguồn nguyên liệu mới không về kịp phải ngưng sản xuất để chờ tiếp. “Vải lều của Việt Nam nên nguyên liệu không thiếu, nhưng khung lều là nhập từ nước ngoài, mỗi tháng hàng về 2 lần. Trong nước cũng có công ty sản xuất khung lều nhưng lại không đồng bộ với nguyên liệu khác của công ty” – anh Phan Phước Lộc nói.

Còn Công ty WindTrip chuyên sản xuất lều dù cho biết, công ty nhận được đơn đặt hàng lên đến vài chục ngàn chiếc nhưng lại không đủ để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.Giá nguyên liệu sản xuất lều dù cũng bị tăng, khan hiếm nên công ty cũng hạn chế nhận đơn hàng của doanh nghiệp.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cho biết, yêu cầu hoạt động "3 tại chỗ" đưa ra chỉ có một ngày chuẩn bị nên họ trở tay không kịp.

Nhiều người lên mạng xã hội nhờ bạn bè, người quen... tìm nguồn mua trang thiết bị để người lao động ở lại nhà máy
Nhiều người lên mạng xã hội nhờ bạn bè, người quen... tìm nguồn mua trang thiết bị để người lao động ở lại nhà máy

Ông Nguyễn Văn Trí - Tổng giám đốc Cty TNHH khuôn mẫu Lập Phúc (Q.7, TPHCM) cho biết, tình hình chuẩn bị thực hiện phương án “3 tại chỗ” của công ty không gặp nhiều khó khăn. Công ty hiện chỉ có 130 công nhân, mỗi người đảm nhiệm vận hành một máy. Các máy cũng đặt ở vị trí khá xa nhau, đáp ứng yêu cầu về khoảng cách an toàn dịch bệnh. 

“Chúng tôi không trang bị lều vì khá ngộp, việc mua cũng khó khăn. Với không gian thoáng rộng đảm bảo khoảng cách như quy định nên chúng tôi chuyển sang trang bị mùng (màn), mền (chăn), chiếu gối với giá khoảng 50.000 đồng/sản phẩm. Công ty cũng tăng cường cho nhân viên nhà bếp ở lại để phục vụ công nhân ngày 3 bữa ăn. Mặc dù chi phí có đội lên nhưng cũng đành chấp nhận tiếp tục sản xuất để đảm bảo đơn hàng xuất khẩu sang nước ngoài cho các đối tác” – ông Nguyễn Văn Trí nói.

Một số doanh nghiệp khác thì khá lúng túng và không đủ điều kiện để chuẩn bị việc ăn ở tại chỗ cho công nhân nên quyết định đóng cửa ngưng hoạt động.

Ông Nguyễn Ngọc Luận – Tổng giám đốc Công ty Meet More, cho biết mặc dù lực lượng công nhân của công ty chỉ khoảng 40 người nhưng với quy định “3 tại chỗ” cho công nhân, công ty đang gặp khó khăn trong việc lo chỗ ăn, ở, cuộc sống tại nơi sản xuất cho công nhân vì chưa có sự chuẩn bị và cũng không có đủ không gian để bố trí. Bình thường công ty chỉ có 4 phòng vệ sinh, giờ sắp xếp làm sao để đủ chỗ tắm giặt, vệ sinh cho hơn 40 công nhân, nam – nữ riêng thì không dễ. Ở tạm 1 – 2 ngày còn được chứ ở cả tháng thì khó.

“Chỉ thị ra quá gấp, chúng tôi không kịp trở tay, chưa bố trí được chỗ ăn, ở liền cho 40 con người nên tạm thời cho công nhân tạm nghỉ khoảng 4 – 5 ngày, chúng tôi sắp xếp từng bước. Không như các công ty lớn có sẵn mặt bằng rộng và đã có sự chuẩn bị từ trước, hầu hết các công ty vừa và nhỏ như chúng tôi đang rất bị động, khó khăn”, ông Luận than khó.

Nói về giải pháp thuê nhà trọ cho công nhân ở, ông Luận cho biết không phải khu vực công ty, nhà máy nào cũng có sẵn khu nhà trọ gần đó để thuê. Mặc dù nhìn nhận khó khăn trăm bề nhưng công ty ông vẫn đang cố gắng sắp xếp dựng tạm các vách ngăn trong công xưởng và mua lều, dụng cụ nấu ăn... để bố trí cho khoảng 10 – 15 công nhân ở lại làm việc, luân phiên từng nhóm.

“Tất cả việc này không thể làm ngay được trong một ngày nên tạm thời chúng tôi cho công nhân, nhân viên nghỉ để có thời gian chuẩn bị. Dù khó vẫn phải cố vì nếu dừng lại là ngưng trệ. Doanh nghiệp mong lãnh đạo Thành phố có chính sách dài hơi để doanh nghiệp yên tâm sản xuất chứ chỉ thị đột ngột, chúng tôi không kịp trở tay”, ông Luận kiến nghị.

Ông Phạm Quang Anh, giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony ở Bàu Cát 2 (Q.Tân Bình) với quy mô hơn 100 công nhân cho biết, lúc đầu công ty chuẩn bị phương án “3 tại chỗ” nhưng sau khi bàn bạc đã phát sinh ra nhiều vấn đề. Thứ nhất là trong tình hình này không dễ đặt suất ăn cho công nhân, còn nếu tự tổ chức nấu thì với không gian chật hẹp rất nguy hiểm, dễ xảy ra cháy nổ, không đủ lực lượng nhà bếp để cung cấp ngày 3 bữa ăn.

Công ty Dony hiện đưa ra phương án là sẽ bố trí một phần nào đó cho công nhân tiếp tục làm để hoàn thành các đơn hàng của khách. Theo ông Phạm Quang Anh, các đối tác của công ty phần lớn cũng nghỉ nên bị đứt nguồn nguyên liệu dẫn đến việc hoàn thiện các đơn hàng khá khó khăn. Công ty phải mất cả buổi sáng để sắp xếp thương lượng với đối tác xem đơn hàng nào được hoãn, đơn hàng nào phải tiếp tục hoàn thiện. Cũng may là hiện các đơn hàng quốc tế từ Mỹ và nội địa cũng đã đồng ý giãn đơn hàng. Hiện chỉ còn một đơn hàng đi Nhật, do gần xong nên công ty cố gắng bố trí khoảng 10% công nhân ở lại làm cho xong việc rồi ngưng sản xuất chờ thông báo mới.

“Nếu tình hình giãn cách tiếp tục kéo dài hơn 2 tuần nữa thì chúng tôi bàn lại phương án, tìm cách bố trí công nhân lên công ty ăn, ở. Nhưng với điều kiện lượng công nhân làm việc phải đảm bảo công suất bình thường khoảng 50%, còn thấp hơn thì kế hoạch phá sản vì sẽ tốn chi phí quản trị” – ông Phạm Quang Anh nói.

Nguyễn Cẩm – Thanh Hoa – Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI