Doanh nghiệp vừa gồng mình chống dịch, vừa sản xuất

14/07/2021 - 11:11

PNO - Nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất của TPHCM đang nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất dù liên tục xuất hiện nhiều ca mắc COVID-19.

COVID-19 có ở 15 khu chế xuất, khu công nghiệp 
Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp (DN) khu công nghiệp (KCN) TPHCM - cho biết từ tháng 4/2021, dịch COVID-19 đã xâm nhập vào 15 KCN, khu chế xuất (KCX), khu công nghệ cao (KCNC) của TPHCM. Hàng trăm công nhân là F0 (dương tính với vi-rút SARS-CoV-2) và hàng chục ngàn công nhân là F1 (tiếp xúc gần với F0)… khiến nhiều nhà máy, công ty phải ngừng hoạt động. 21.000 công nhân Công ty Nidec (KCNC) và Công ty  Freetrend (KCX Linh Trung 1), 4.000 công nhân Công ty Long Rich (KCX Linh Trung 2) phải tạm thời nghỉ việc. 

Người lao động ở Khu công nghệ cao TP.HCM được tiêm vắc-xin Ả NH: ĐÔNG QUÂN
Người lao động ở Khu công nghệ cao TPHCM được tiêm vắc-xin - Ảnh: Đông Quân

TPHCM giãn cách xã hội nên các DN đều giảm bớt nhân sự làm việc, doanh thu cũng sụt giảm 30 - 50% do đơn đặt hàng từ đối tác giảm, chi phí logistics tăng cao, sức tiêu thụ của thị trường trong nước cũng giảm mạnh. 

Đại diện một DN trong KCX Tân Thuận cho biết, nhà máy của công ty có ba phân xưởng thì hai phân xưởng phải dừng hoạt động do bị phong tỏa và chưa biết đến bao giờ hoạt động trở lại. Phân xưởng còn lại cũng có nguy cơ bị phong tỏa. Hầu hết đơn hàng đã bị chậm tiến độ, DN có nguy cơ sẽ chịu thiệt hại rất lớn từ việc đền bù hợp đồng vì không thể giao hàng và ký kết hợp đồng mới.

Theo ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội DN cơ khí điện TPHCM - đa số DN trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đều giảm bớt lượng lao động hoặc chia nhau làm việc luân phiên. Nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu đang gặp khó khăn do không ít DN trong chuỗi đã đóng cửa hẳn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các DN khác; giá nguyên vật liệu sản xuất đang tăng chóng mặt, nhiều loại đã tăng 30 - 40% so với năm 2020. Các DN cũng chủ động tìm nguồn cung từ nơi khác nhưng với tình hình dịch COVID-19 hiện nay, việc vận chuyển, lưu thông được không hề dễ. 

Ông Nguyễn Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TPHCM - thông tin qua khảo sát nhanh 100 DN ở TPHCM, có đến 84% DN nhỏ và vừa đang gặp khó khăn, trong đó 40% thiếu vốn kinh doanh, 80% bị ảnh hưởng về thị trường, 52% phải cắt giảm lao động, 14% bị gãy đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu... Hầu hết DN đang tốn thêm nhiều chi phí để vừa duy trì lực lượng sản xuất, vừa chống dịch. 

Doanh nghiệp cần được hỗ trợ gấp

TPHCM hiện có 18 KCN, KCX, KCNC với gần 1.500 nhà máy, 300.000 người lao động. Theo ông Nguyễn Văn Bé, hiện các DN đều tạo điều kiện tối đa cho người lao động ở lại nhà máy, khu lưu trú, khu nhà tạm nghỉ, nhà trọ gần nhất; khuyến cáo người lao động không qua lại địa phương khác, nhất là các vùng có dịch; chủ động phối hợp cơ quan y tế hoặc bệnh viện xét nghiệm định kỳ, trả kết quả nhanh cho công nhân. Nhiều DN còn chủ động lập khu cách ly tạm thời dành cho F0 và F1 ngay tại nhà máy. Tuy nhiên, với thực trạng dịch bệnh lây lan nhanh, nhiều DN có công nhân là F0 và F1 đã bị động, lúng túng khi phải lưu giữ tại chỗ hàng ngàn người. “DN trong 18 KCN, KCX và KCNC đều mong muốn nhanh chóng có vắc-xin tiêm mũi thứ hai cho tất cả người lao động” - ông Nguyễn Văn Bé nói. 

Ngoài ra, các DN cũng đang rất cần các ngân hàng giảm lãi vay, khoanh nợ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN yêu cầu các ngân hàng quyết định việc miễn, giảm lãi đối với khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 mà nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi đến hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2021; đối tượng là khách hàng bị giảm thu nhập do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Mới đây, cơ quan này cũng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm ngay 1% lãi suất tín dụng của tất cả dư nợ hiện hữu. Nhưng đến nay, chưa ngân hàng nào có thông báo về việc giảm lãi này.

Công ty TNHH PouYuen  Việt Nam  dừng hoạt động từ ngày 14/7 để thực hiện phòng chống dịch bệnh   ẢNH: LINH LINH
Công ty TNHH PouYuen Việt Nam dừng hoạt động từ ngày 14/7 để thực hiện phòng chống dịch bệnh ẢNH: LINH LINH

Theo ông Nguyễn Văn Bé, trong  sáu tháng đầu năm nay, lợi nhuận của các ngân hàng lên đến hàng ngàn tỷ đồng, trong khi các DN đang phải vừa gồng mình chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh. “DN trong các KCN, KCX mong muốn các ngân hàng giảm lãi suất vay đối với tất cả dư nợ hiện hữu, cho phép cơ cấu lại vốn vay, thời hạn trả nợ. Đối với các DN uy tín, cần điều chỉnh nâng hạn mức định giá tài sản thế chấp từ 70% lên 85% để giúp họ tăng giá trị vốn vay ngắn hạn, ổn định sản xuất ” - ông Nguyễn Văn Bé thông tin. 

Ông Nguyễn Ngọc Hưng cho rằng, các DN cần được xem xét giảm tiền điện, miễn tiền sử dụng nước sạch, xa hơn là gia hạn thuế và tiền thuê đất, xem xét giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 5%, miễn 100% kinh phí khi tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong nước. UBND TPHCM cần đẩy nhanh các gói hỗ trợ cho người lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho họ dễ dàng nhận được tiền hỗ trợ càng sớm càng tốt. Ông nói: “UBND TPHCM mới họp bàn về gói hỗ trợ DN lần thứ hai. Mong rằng gói này được triển khai nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả và khắc phục được những bất cập khi triển khai gói hỗ trợ lần trước”. 

Nhiều nhà máy ở Khu công nghệ cao tạm dừng sản xuất

Bà Lê Bích Loan - Phó Ban quản lý (BQL) KCNC TPHCM - cho biết hiện các DN đã bắt đầu bố trí phương án ba tại chỗ (công nhân sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ  ngơi tại chỗ). Kể từ ngày 13/7, Công ty TNHH điện tử Samsung đã cho hơn 7.000 công nhân tạm nghỉ theo chế độ phép hằng năm để nhà máy chuẩn bị, sắp xếp, bố trí lao động ăn ở tại nơi làm việc.
Nhà máy Nidec Việt Nam cũng đã bố trí phương án ăn ở làm việc cho hơn 4.000 công nhân. 150 công nhân, nhân viên sinh sống ở các khu vực phong tỏa được công ty bố trí ở tại các khách sạn, nhà nghỉ gần KCNC. Công ty Intel, Công ty TNHH Jabil Việt Nam với khoảng 8.000 công nhân, do không thể bố trí hết cho tất cả lao động ở lại nên đã thu hẹp sản xuất. Với những lao động đang còn làm việc được công ty sẽ thuê khách sạn, nhà nghỉ gần nhà máy, tổ chức xe đưa đón mỗi ngày từ nơi ở đến nơi làm việc, không để lao động tự ý rời DN. 
Tính đến sáng 13/7, đã có hơn 700 ca nhiễm COVID-19 trong KCNC TPHCM. Số ca nhiễm tập trung nhiều nhất ở Công ty TNHH Nidec Sankyo Việt Nam với 573 trường hợp. DN này đã ngừng hoạt động từ chiều 3/7 để xây dựng phương án sản xuất mới trong tình hình dịch bệnh, tìm cách giải quyết khó khăn do nhiều công nhân đang bị phong tỏa tại nhà, không thể đến làm việc. 
Hàng loạt DN khác cũng có ca nhiễm như Công ty TNHH Jabil Việt Nam (68 ca), Công ty TNHH Điện tử Samsung (42 ca), Công ty TNHH Nidec Việt Nam (19 ca), công ty Daeyoung Electronics Vina (5 ca)… Ngoài việc được đưa đi cách ly tập trung, một số công nhân F1 được cách ly tại các khu vực do các công ty thành lập ngay trong KCNC. 
 

Thanh Hoa - Quốc Thái

Dừng hoạt động các doanh nghiệp không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch

Ngày 13/7, UBND TPHCM đã có văn bản chỉ đạo về các biện pháp đảm bảo vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. Theo đó, các DN trên địa bàn thành phố chỉ được phép tiếp tục hoạt động sản xuất nếu đảm bảo một trong hai trường hợp:

Một là đảm bảo vừa sản xuất vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “ba tại chỗ” gồm sản xuất - ăn - nghỉ ngơi tại chỗ. Hai là DN đảm bảo thực hiện phương châm “một cung đường - hai địa điểm”, tức chỉ duy nhất một cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở (ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung).

Sở Y tế chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng khác thẩm định DN đảm bảo các điều kiện nêu trên mới cho phép hoạt động, thực hiện xét nghiệm công nhân bảy ngày/lần, kinh phí do DN chi trả. Các DN không đảm bảo điều kiện phải dừng hoạt động từ 0 giờ ngày 15/7 cho đến khi có chỉ đạo mới.


Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI