Lao đao bán trú

14/08/2014 - 07:28

PNO - PN - Năm học mới đã bắt đầu, nhưng ở nhiều nơi trên địa bàn TP.HCM, đông đảo phụ huynh vẫn đang chạy đôn chạy đáo để tìm một chỗ học bán trú cho con.

edf40wrjww2tblPage:Content

 Phụ huynh thấp thỏm

Sáng 11/8, sau khi xem xong thông báo về việc nhập học đối với học sinh (HS) lớp 1 tại Trường Tiểu học Kim Đồng (Q.Gò Vấp), nhiều phụ huynh (PH) không kìm được bức xúc. Anh Th. - một PH, bực bội: “Cách làm việc của nhà trường không ổn. Theo thông báo của trường, ngày 31/7, chúng tôi đến trường đăng ký cho con vào lớp 1 bán trú (BT) thì được thông báo “mời quay lại vào 7/8”. Đến ngày 7/8, lại thấy thông báo “chưa có chủ trương về BT, PH nào có nhu cầu thì quay lại vào ngày 8/8”. Sáng 8/8 tôi tới trường, chỉ thấy thông báo “Hiện trường chưa có chủ trương mở BT lớp 1. Do vậy, việc xếp lớp chính thức chưa thực hiện được. Ngày 12/8, HS lớp 1 sẽ tập trung theo danh sách tạm. Danh sách chính thức sẽ niêm yết sau. PH vui lòng theo dõi thông báo mà nhà trường gửi HS mang về hàng ngày”. Tại sao lại hành hạ PH đến vậy?”.

Sau khi đưa con vào lớp học tạm, trở ra, anh Th. vẫn chưa hết âu lo: “Đã vào học rồi mà vẫn chưa biết cháu học lớp nào, có được học BT không. Hai vợ chồng tôi đều làm việc ở Q.1, Q.Bình Thạnh, nếu không gửi được con vào học BT là rối trăm bề”. Trong sân trường, bên cạnh bảng thông báo là danh sách HS lớp 1 vào 10 phòng học tạm, mỗi phòng 45 em. Cô Phạm Khoa Khánh Phương - Hiệu phó nhà trường cho biết: “Chúng tôi biết cứ hẹn lần hẹn lữa là phiền hà cho PH. Nhưng cho đến nay, trường vẫn đang chờ Phòng Giáo dục (GD) duyệt kế hoạch BT, và cũng không biết sẽ được duyệt bao nhiêu lớp, nên chưa thể thông báo chính xác đến PH. Năm nay, trường dự kiến mở sáu lớp BT và bốn lớp một buổi. Khi được phép, nhà trường sẽ công khai các điều kiện, thủ tục, đồng thời sẽ phát đơn rộng rãi đến mọi đối tượng có nhu cầu”.

Vì sao đến giờ này vẫn chưa có kế hoạch BT? Chúng tôi đã tìm đến Phòng GD Gò Vấp để tìm câu trả lời. Bà Đỗ Thị Hoa - Phó Phòng GD Gò Vấp - cho biết, theo nguyên tắc, tất cả các trường phải nhận HS vào hết, sau đó mới cân đối các điều kiện cơ sở vật chất xem có thể mở bao nhiêu lớp BT, rồi báo cáo lên để Phòng phê duyệt. Riêng với Trường Tiểu học Kim Đồng, do quận dự kiến sẽ sửa chữa trong năm học này, nên trường phải lập kế hoạch chi tiết. Hiện Phòng GD đang thẩm định kế hoạch này.

Tương tự, nhiều PH Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến (Q.Tân Bình) lo lắng: "gần đến ngày học thì trường đột ngột thông báo ngày nhập học chính thức là 18/8, nhưng ngày thực hiện BT được dời lại, chờ chỉ đạo của Phòng GD. Chúng tôi lo lắng không biết con mình có được học BT không nữa. Nếu không thì chúng tôi phải đưa đón con mỗi ngày bốn bận". Ông Nguyễn Nghĩa Dũng - Phó Phòng GD Tân Bình, thừa nhận có sự điều chỉnh dời ngày thực hiện BT cho đến sau ngày 18/8, nhưng trấn an PH: “Thông báo này chỉ cho biết trường chưa thể phục vụ ăn BT được ngay từ ngày đầu nhập học, hoàn toàn không liên quan đến sắp xếp lớp BT, không ảnh hưởng đến danh sách lớp BT của HS. PH không nên quá lo lắng. Trường sẽ thông báo đến PH khi có sự chỉ đạo cụ thể của Phòng GD. Thông báo cũng đã được viết lại để PH không hiểu lầm và lo lắng nữa”.

Trường Tiểu học Bành Văn Trân (Q.Tân Bình) năm nay tuyển 10 lớp 1 nhưng chỉ có một nửa số lớp được học BT. Sĩ số các lớp BT đều lên đến 50 HS (quy định 45), trong đó hai lớp tiếng Anh tăng cường sĩ số cũng lên đến 42 HS/lớp (quy định 35).

Anh Phương - một PH tại một trường tiểu học khác tại Q.Gò Vấp, cho biết: năm nay con anh vào lớp 1. Trường tuyển 10 lớp 1, nhưng dự kiến chỉ mở hai lớp BT. Hai vợ chồng anh đã nộp hai giấy xác nhận là viên chức đang làm việc trong cơ quan nhà nước, nhưng xem ra vẫn rất khó “đậu”.

Tại một phòng GD, chúng tôi tình cờ nghe được câu trả lời của một vị lãnh đạo phòng qua điện thoại: “Không nói sớm. Bây giờ lớp BT của họ đã lên đến 60 rồi, có thân mấy cũng không giải quyết được”!

Lao dao ban tru

Nhu cầu gửi con học bán trú đang trở nên bức thiết với nhiều phụ huynh

Bài toán chưa có lời giải

Nhu cầu gửi con học BT ngày càng trở nên bức thiết với người dân thành phố, nhưng đây cũng là bài toán khó giải, nhất là những quận vùng ven, dân nhập cư đông như Q.Gò Vấp, Q.Tân Bình, Q.Tân Phú, Q.Bình Tân… Thống kê của Phòng GD Gò Vấp cho thấy, sĩ số HS tại quận này năm nào cũng tăng và luôn trong tình trạng quá tải. Riêng ở bậc tiểu học, năm nay, số HS học hết lớp 5 là 6.000 em, nhưng số HS vào lớp 1 lên đến 8.000 em. “Dù quận xây thêm một trường mới, nhưng chưa thể kéo giảm áp lực HS lớp 1. Việc đáp ứng đủ chỗ học đã khó, đáp ứng chỗ học BT lại càng khó” - bà Đỗ Thị Hoa khẳng định.

Do điều kiện phòng ốc và cơ sở vật chất không cho phép nên Trường Tiểu học Bành Văn Trân chỉ tổ chức BT cho đến lớp 3. Từ lớp 4, toàn bộ HS không BT. Ông Nguyễn Tấn Nghiệp - Hiệu trưởng nhà trường, tiết lộ: “Chỉ tổ chức BT đến hết lớp 3 cũng là lý do khiến PH phải cân nhắc khi cho con học BT”. Theo ông Nghiệp, giải quyết hết nhu cầu BT là điều không thể nên trường mới đặt ra điều kiện cả cha và mẹ là công chức, viên chức. Những trường hợp khác, trường cứ ghi nguyện vọng, nhưng còn chỗ mới xét.

Tại Q.5, năm nay số HS lớp 1 tăng khoảng 1.000 em. Để đảm bảo trẻ được học hai buổi và BT, quận phải hạn chế việc nhận trẻ ngoài tuyến. Tỷ lệ HS BT bậc tiểu học đạt khoảng 98% không gặp khó khăn, nhưng bậc THCS chỉ khoảng 40%, các trường phải xét duyệt theo nguyên tắc ưu tiên HS có cả cha và mẹ là cán bộ công chức; sau đó xét đến diện có cha hoặc mẹ là cán bộ công chức; nếu còn chỗ mới xét đến các đối tượng khác.

Còn tại Q.Tân Bình, năm nay HS vào lớp 1 tăng hơn 1.000 em, đầu vào lớp 6 tăng khoảng 2.000 em, quận phải ưu tiên giải quyết chỗ học cho HS trước rồi mới sắp xếp đến BT. Trường lớp không tăng kịp với số HS nên bài toán BT trở thành nan giải. Trong năm học này, trụ sở Phòng GD Tân Bình cũng phải tận dụng một số phòng cho HS học tạm đến khi trường THCS Võ Văn Tần xây xong. Tỷ lệ BT năm nay vì thế giảm nhẹ, chỉ còn khoảng 60%.

Tình hình cũng không sáng sủa đối với Q.Tân Phú. Ông Trần Trọng Khiêm - Phó Phòng GD Tân Phú, than thở: “Nơi khác ngày càng tăng tỷ lệ học hai buổi/ngày, học BT, nhưng Q.Tân Phú trong mấy năm qua ngày càng giảm. Năm trước, bậc tiểu học còn khoảng 20% BT, bậc THCS chưa đến 10%, năm nay lại tiếp tục giảm, vì số lượng HS tăng nhiều".

Dù ngành GD TP cố gắng tăng tỷ lệ HS được học hai buổi/ngày, nhưng việc tăng dân số cơ học quá nhanh đã biến những nỗ lực của địa phương trở thành bọt biển. Nói như ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thì “ngành GD TP quyết tâm phủ sóng mạng lưới trường lớp đủ để trẻ được học hai buổi/ngày, được nuôi BT để cha mẹ HS yên tâm công tác. Không chỉ là chuyện trông con giúp PH mà trẻ được học hai buổi còn được tiếp cận nhiều hơn với những môn năng khiếu, ngoại ngữ… Nhưng lực bất tòng tâm, tốc độ tăng dân số cơ học ở nhiều quận huyện như Q.Tân Phú, Q.Gò Vấp, Q.Bình Tân, Q.12… buộc các trường phải ưu tiên giải quyết đủ chỗ học trước mắt”.

Giải pháp duy nhất là có thêm nhiều trường lớp, giải quyết đủ chỗ học mới tính đến đẩy mạnh học hai buổi, BT. Vì vậy, dù biết học BT là nhu cầu của tất cả PH và của cả ngành GD nhưng đó vẫn là bài toán chưa có lời giải.

 Minh Nhật - Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI