Lần theo dấu chân của 'kẻ phá hoại' graffiti

26/11/2017 - 09:10

PNO - Nếu từng ghé thăm Kuala Lumpur và đi tàu điện dọc sông Klang, có lẽ sẽ chẳng ai nghĩ rằng chỉ mới thập niên trước, những bức tranh tường graffiti sống động mà họ đang chiêm ngưỡng đã từng bị xem là “kẻ phá hoại”.

Câu chuyện của những bức vẽ Graffiti phóng khoáng bắt đầu vào năm 2007, từ sự xuất hiện thầm lặng thưa thớt của chúng trên vài ba công trình công cộng ở Kuala Lumpur.

Khi nhận ra sự có mặt của Graffiti trên những bức tường trong thành phố, cho rằng đây là một hành động phá hoại tài sản công, chính quyền đã lập tức ban hành lệnh cấm đối với bộ môn nghệ thuật đường phố còn quá mới mẻ này.

Mãi đến năm 2010, khi mọi nhận thức về nghệ thuật của chính quyền Malaysia đã thay đổi, một lễ hội đích thực dành riêng cho street art đã được Tòa thị chính Kuala Lumpur cùng các nghệ sĩ đường phố phối hợp tổ chức một cách rầm rộ. KUL Sign Festival - tên của lễ hội này, đã chính thức mở ra một cái nhìn khác, thiện cảm hơn, từ chính quyền Malaysia. Kể từ đó, những bức tường xám xịt buồn chán dọc bờ sông Klang đã được thay áo mới. Tươi tắn như cô thôn nữ diện váy vóc lụa là trẩy hội hoa xuân.

Lan theo dau chan cua 'ke pha hoai' graffiti

Sống trong một đất nước Hồi giáo còn vẹn nguyên những tập tục nghiêm ngặt, lâu đời, người dân Malaysia không có nhiều lựa chọn bởi những căng thẳng chủng tộc và muôn vàn quy tắc tôn giáo ràng buộc hoàn toàn đời sống của họ. Sự xuất hiện của nghệ thuật đường phố và những mảng tường lớn đầy màu sắc bỗng chốc trở thành thông điệp tự do, là phương tiện hiệu quả để người dân nói lên tiếng nói công bằng, với một đảm bảo là ước mong của họ sẽ được chính quyền nghe thấy. Chính những mảng màu nổi bật có sức tác động mãnh liệt đến thị giác của những bức tranh Graffiti đã làm nên điều kỳ diệu đó.

Lan theo dau chan cua 'ke pha hoai' graffiti

Graffiti dần phủ kín Kuala Lumpur, một cách dày đặc, đa dạng như chính lối sống đa bản sắc, có phần phức tạp và phóng khoáng của người thị thành. Những bức vẽ đậm tính siêu thực, pha chút bí ẩn, chủ yếu thể hiện cảnh sinh hoạt, đô thị trong tương lai, hay chỉ đơn giản là các nhân vật hoạt hình vui nhộn. Trong khi đó, những bức Graffiti tại Kota Kinabalu - thành phố bên bờ biển Tây Bắc đảo Borneo, lại mang màu sắc khác biệt hơn với gam màu đen trắng đặc trưng, đơn giản mà ấn tượng, như chính hình ảnh mộc mạc, chất phác của người dân xứ đảo.

Lan theo dau chan cua 'ke pha hoai' graffiti

Khi đặt chân đến Penang, nơi được UNESCO công nhận là di sản thế giới, Graffiti thực sự tìm được sân chơi lớn để tha hồ vẫy vùng ngụp lặn trong thế giới của street art. Cùng với tài múa cọ của họa sĩ người Lithuania - Ernest Zacharevic, Penang đã mang một diện mạo hoàn toàn tự do của cô gái biết cách buông bỏ mọi vướng bận, hơi thở hiện đại phóng khoáng của cô như thu hút mọi giá trị và văn hóa từ khắp vùng miền, tề tựu về nhảy múa cùng cô. Ở đó, họ tự do cởi bỏ xiêm y, tung tẩy chân trần trên cát, nghe rõ những xôn xao bên dưới lớp da mềm. 

Lan theo dau chan cua 'ke pha hoai' graffiti

Sau này có dịp đến nhảy múa cùng cô gái Penang, ngoài việc tham gia “tour” tự trải nghiệm nghệ thuật đường phố một ngày, bạn sẽ còn được thỏa sức múa cọ để làm ra một bức graffiti “made by tui” mang đậm dấu ấn cá nhân. Chính quyền thành phố đã “thiết kế” hoạt động hấp dẫn này nhằm thu hút du lịch.

Lan theo dau chan cua 'ke pha hoai' graffiti

Nhìn lại quá khứ bị xua đuổi, kỳ thị của “kẻ phá hoại”, người ta không thể tin được cái ngày hắn ta có thể để lại hàng triệu dấu chân tung hoành ngang dọc của mình trên một đất nước hồi giáo. Và những gì mà hắn đã làm được, như việc mở rộng tư duy, hay giải phóng con người khỏi mọi tư tưởng tôn giáo khắt khe, xứng đáng được ghi nhận như một chiến công lẫy lừng nhất. 

Hạnh Di

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI