Làm cô giáo hay cán bộ Hội, đều phải “có lòng”

21/11/2016 - 06:34

PNO - Theo cô Thành, “làm công tác Hội cũng như đi dạy học, ngoài nghị lực, tính kiên trì, cần phải có tấm lòng mới làm được. Phải thương mới hiểu, có hiểu mới có thể thuyết phục và giúp đỡ người khác”.

Mỗi năm, cô Trần Thị Bích Thành, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ (PN) khu phố 11, P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân, TP.HCM nhận được hai đợt chúc mừng: một là vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10), một là vào ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11). Mặc dù đã rời bục giảng để làm công tác Hội từ lâu, vào dịp 20/11 hàng năm, cô vẫn nhận được những lời thăm hỏi, chúc mừng của các học trò cũ ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang.

Năm 1982, cô gái 22 tuổi Trần Thị Bích Thành đang học sư phạm văn tại trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam đã rời quê hương để đến Gò Quao theo phong trào tăng cường giáo viên cho miền Nam. Cùng với đoàn giáo viên 37 người, cô thanh niên Bích Thành đã có một hành trình xuôi Nam với lý tưởng “hòn phấn trên tay tôi vạch những vần thơ, là chiến sĩ trên mặt trận nào cũng thích”.

Những ngày đầu ở ấp Vĩnh Phước B, xã Định Hòa, H.Gò Quao vô cùng gian khó. Ngày ấy, Gò Quao không chỉ là vùng đất tận cùng Tổ quốc, mà còn là huyện nghèo nên thiếu thốn mọi bề, đến nỗi nước ngọt để sinh hoạt cũng không có. Nhưng những khó khăn chưa bao giờ khiến cô giáo trẻ bỏ cuộc.

Lam co giao hay can bo Hoi, deu phai “co long”
Cô Thành ngày nay vẫn miệt mài với công tác Hội.

Thời gian đầu, cô ở nhà dân, cũng nhờ đó mà cô hiểu rõ hơn cuộc sống của người dân. Sau này, Nhà nước mới xây nhà tập thể cho giáo viên, cô Thành về đó ở, vừa dạy học, vừa sản xuất. Ngoài những giờ lên lớp là cuốc đất trồng rau, sống trong sự yêu thương, giúp đỡ của bà con Gò Quao và sự quý mến của học trò. “Nhớ lắm. Thương ghê lắm. Chỉ đến khi đó, mình mới thấm thía được những điều hết sức bình thường mà trước đây, khi chưa trải qua, mình chưa tin được”, cô Thành tâm sự.

Năm 1987, được cử đi học tiếng Nga, cô Thành từ Trường phổ thông cơ sở 2 xã Định Hòa đến TP.HCM chuẩn bị cho chuyến “xuất ngoại” sang Nga. Thế nhưng, thời cuộc thay đổi, cô không đi Nga được, đành ở lại TP.HCM, làm nhân viên ở ký túc xá 18A Nguyễn Kim, Q.5.

“Chính sự thay đổi đó đã tạo cơ duyên để tôi đến với công tác Hội”, cô Thành nói. Những ngày ở đây, cô gặp một người má nuôi. Cô theo người má nuôi về sống ở Q.Bình Tân. Lúc này, khu phố mới thành lập nên thiếu cán bộ, cô được mời làm tổ trưởng tổ dân phố. Đến năm 2005, cô chính thức tham gia hoạt động của Hội PN.

Khu phố 11, P. Bình Trị Đông B phần lớn là dân nhập cư, chủ yếu là công nhân làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp và lao động tự do, đa phần nghèo nên việc tuyên truyền, vận động rất khó khăn, những buổi họp tổ thường vắng vì ai cũng bận mưu sinh.

Cô Thành đã nghĩ ra cách tuyên truyền chủ trương, chính sách bằng những tờ bướm nhét vào cánh cửa mỗi nhà, với hy vọng những vấn đề thiết thực của cuộc sống như kiến thức về bảo vệ hạnh phúc gia đình, chăm sóc sức khỏe phụ nữ, nuôi dạy con cái… sẽ khiến chị em quan tâm, mỗi ngày một ít. Những gia đình nào có lục đục, cô Thành tìm cách gặp riêng từng thành viên để hòa giải.

Là thành viên của Câu lạc bộ Nữ chủ nhà trọ của Hội PN phường, cô thường xuyên tiếp xúc và giải quyết những mâu thuẫn trong gia đình công nhân. “Lúc vợ chồng người ta cự cãi nhau, mình nắm bắt xem “vấn đề” nằm ở chỗ nào để khi người ta nguôi cơn nóng giận, mình tìm lời khuyên giải”.

Cô kể, có cặp vợ chồng anh Hoàng - chị Thoa ở trọ nhà cô, cãi nhau như cơm bữa vì anh chồng thích rượu chè trong khi hoàn cảnh gia đình khó khăn. Sau nhiều lần được cô nhỏ to khuyên nhủ, anh đã thay đổi và chăm lo cho gia đình, vợ chồng cùng cố gắng làm ăn. Hiện nay, vợ chồng anh đã dành dụm được tiền, mua nhà và ổn định cuộc sống.

“Đưa ra kế hoạch nào cũng phải phù hợp với điều kiện sống của hội viên; khi đã chốt được kế hoạch thì phải cố gắng làm cho đến nơi đến chốn”, đó là nguyên tắc hoạt động Hội của cô Thành. Có lẽ nhờ vậy mà nhiệm vụ nào cô cũng hoàn thành tốt, theo như lời nhận xét của ông Nguyễn Thái Sung, Trưởng ban điều hành khu phố 11: “Đó là một cán bộ có năng lực, nhiệt tình; ai có vấn đề gì khó khăn, cứ gặp chị Thành là xong, vì chị vừa là cán bộ Hội, vừa là Mạnh Thường Quân”.

Nói về những kỷ niệm khi tham gia công tác Hội, cô Thành chia sẻ: “Đi sinh hoạt Hội PN thì vui nhiều hơn buồn, biết nhiều điều hay. Vậy nên mình mê lắm, không bỏ bữa nào”. Niềm vui đó dường như lan tỏa đến chị em trong khu phố., bởi vậy phong trào Hội của tổ bao giờ cũng sôi nổi.

Cô đã vận động chị em tham gia vệ sinh phòng dịch, phong trào nuôi heo đất, hội thi nấu ăn, hay vận động chị em cùng gói bánh chưng bánh tét để chia cho những trường hợp “không có tết”, một phần phân phát mỗi người mang về nhà dùng. Ai cũng hồ hởi bởi đó là những việc làm “ích nước lợi nhà”.

Giữa cái nắng trưa rát mặt, tôi nhìn theo dáng cô Thành với chiếc nón lá đang đạp xe vào con hẻm. Góc đường nào cũng sạch sẽ, tinh tươm. Đó là kết quả của sự chung lòng. Nhưng không thể phủ nhận vai trò tích cực của những người cán bộ Hội hoạt động không mệt mỏi như cô.

Theo cô Thành, “làm công tác Hội cũng như đi dạy học, ngoài nghị lực, tính kiên trì, cần phải có tấm lòng mới làm được. Phải thương mới hiểu, có hiểu mới có thể thuyết phục và giúp đỡ người khác”.

Cô Trịnh Thị Tuyết Nga, Tổ trưởng Tổ phụ nữ 95, khu phố 11 nhận xét: “Chị Thành tốt lắm, luôn sát sao với những hoàn cảnh khó khăn trong tổ để vận động hội viên giúp đỡ. Một mình chị Thành phải kiêm nhiều việc nhưng không nề hà việc gì. Chị lại gần gũi, hòa nhã nên rất được lòng bà con trong tổ".

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI