Lá sen... giúp giảm béo?

25/02/2016 - 10:50

PNO - Gần đây, nhiều chị em truyền tai nhau về việc uống lá sen khô để giảm mỡ, giảm béo và nhiều công dụng khác.

Hàng loạt các trang mạng cũng đang quảng cáo công dụng giảm béo thần kỳ cùng rất nhiều tác dụng của lá sen như chữa sốt xuất huyết, mất nước… BS Lai Ngọc Hiền, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM đã có những lý giải về công dụng thực sự của lá sen như sau:

Lá sen còn có tên là liên diệp, hà diệp, vị đắng, tính mát, quy kinh can, tỳ-vị (bổ trợ hoạt động chuyển hóa, nội tiết và hệ tiêu hóa). Thành phần lá sen có chứa: 0,2-0,3% tanin (tác dụng chống oxy hóa, kháng khuẩn, chống đông máu), alkaloid và một số chất chưa rõ. Với tác dụng thanh thử lợi thấp, tán ứ chỉ huyết, lá sen được dùng để cầm máu, điều trị chảy máu cam, trúng nắng, đau đầu, họng khô, tiểu ít; an thần, giảm hồi hộp (không rõ rệt bằng tim sen). Tùy theo tình trạng và mức độ bệnh, lá sen đôi khi được kết hợp với một số vị thuốc như trắc bá diệp, ngãi diệp, sinh địa để làm tăng tác dụng cầm máu.

La sen... giup giam beo?
Không dùng lá sen trong những trường hợp đang bị sốt cao, bị rối loạn tiêu hóa;

Lá sen dùng được cả hai dạng tươi và khô, nấu nước uống. Khi cảm thấy khó ngủ, căng thẳng, hồi hộp có thể uống nước lá sen tươi hoặc khô với liều dùng từ 40-80g lá sen tươi/ngày, 4-12g lá sen khô/ngày. Dùng cho đến khi triệu chứng giảm thì ngưng, không nên dùng thường xuyên.

Lưu ý không dùng lá sen trong những trường hợp đang bị sốt cao, bị rối loạn tiêu hóa; cũng không được dùng nước lá sen cho trẻ dưới hai tuổi. Người thể hàn dùng nước lá sen có nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa. Những người cơ địa thể nhiệt nên dùng nhưng cũng không nên lạm dụng; khi dùng nếu thấy đi phân lỏng thì ngưng lại ngay. Nếu lạm dụng lá sen không theo chỉ định của thầy thuốc thì cơ thể sẽ có nguy cơ bị mất quân bình âm dương, khí huyết... Nhìn chung không nên tự ý dùng lá sen mà cần theo chỉ định của thầy thuốc.

Hiện chưa có một nghiên cứu khoa học nào cho thấy lá sen có tác dụng giảm béo. Theo thông tin từ nhiều thầy thuốc Đông y chính thống, từ trước đến nay lá sen chưa từng được sử dụng trong đơn thuốc điều trị thừa cân.

Riêng củ sen có vị ngọt tính bình, thành phần chứa nhiều chất có lợi cho cơ thể như: asparagin, acginin, trigonelin, tyrosin, glucose, vitamin C. Chủ yếu được dùng như một thực phẩm bổ trợ, giúp giải độc rượu, cầm máu. Củ sen hiếm khi dùng đơn độc; nếu có thì thường sao đen kết hợp với các vị thuốc khác như: cỏ mực, bạch cập, trắc bá diệp, mỗi thứ 16g, để chữa các chứng như rong huyết, tiểu và đại tiện ra máu; ho và nôn ra máu hoặc bị chảy máu cam. Thông thường củ sen được dùng chế biến các món ăn bổ dưỡng cho cơ thể như: củ sen hầm với móng giò heo hoặc với đuôi, xương heo; củ sen nấu với đường phèn.

Lưu ý: vì sống dưới môi trường nước, dễ nhiễm ấu trùng, ký sinh trùng nên khi sử dụng củ sen cần phải rửa kỹ, đun sôi lâu để đảm bảo ấu trùng đã chết.

An Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI