Kiến nghị thành lập trung tâm kiểm định mầm non, phổ thông độc lập

25/08/2023 - 14:44

PNO - Nhiều địa phương kiến nghị thành lập trung tâm đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục độc lập, để công tác kiểm định đi vào đúng thực chất.

Bộ GD-ĐT vừa tổng kết công tác kiểm định chất lượng giáo dục năm học 2022-2023. Từ thực tế triển khai, các địa phương đã đưa ra những đề xuất nóng về việc thành lập trung tâm kiểm định độc lập.

Các địa phương kiến nghị thành lập trung tâm kiểm đinh chất lượng giáo dục độc lập
Các địa phương kiến nghị thành lập trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục độc lập

TP Hà Nội với đặc thù dân số cơ học đông. Năm học 2022-2023, tính từ đầu vào - đầu ra từ lớp 1-12, thành phố tăng khoảng 60.000 học sinh, sức ép rất lớn. Mỗi năm, Hà Nội xây thêm từ 15-20 trường, 2.840 trường năm trước, năm nay tăng lên 2.854 trường.

Ông Phạm Hữu Toản - Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội - kiến nghị thành lập trung tâm đánh giá độc lập, thực hiện đánh giá tất cả, kể cả tích hợp nội dung đánh giá thư viện, đánh giá độc lập kiểm định chất lượng giáo dục.

Về việc thành lập trung tâm kiểm định độc lập, ông Hữu Toản cho biết Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã có đề xuất với TP, đã thông qua HĐND TP về đơn giá dịch vụ trong giáo dục, với định hướng để các trường tự chủ, cơ chế đặt hàng theo đúng quy định, trước hết là đặt hàng với nhà nước với một mức giá tại từng khu vực, vùng miền, từng điều kiện nhà trường nhất định. Định hướng của Hà Nội là gắn với kết quả kiểm định chất lượng giáo dục tại vùng miền đó, để kiểm định chất lượng giáo dục đi vào đúng thực chất, đúng ý nghĩa.

Đại diện Sở GD-ĐT TP Hà Nội cũng đề nghị kiểm định chất lượng giáo dục gắn cùng với chuẩn quốc gia, bởi nếu không gắn với chuẩn quốc gia thì công tác kiểm định rất hình thức, khó triển khai. “Trong thời gian tới, Hà Nội cũng sẽ không nặng nề chuẩn quốc gia nữa mà kiểm định chất lượng giáo dục sẽ đi vào đúng bản chất của nó, theo hướng ghép cùng với tự chủ của các trường trên địa bàn. Năm nay, Hà Nội sẽ thực hiện thí điểm tự chủ các trường, tuy nhiên tự chủ mới là bước 1 đặt hàng đơn giá tính trung bình 3 năm, theo dõi thí điểm để có định hướng triển khai trong năm học 2024-2025 - ông Phạm Hữu Toản chia sẻ. 

Bên cạnh đó, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT trong quá trình chỉnh sửa bổ sung thông tư 17, 18, 19 có thêm tiêu chí động cho địa phương, để địa phương quyết định tiêu chuẩn, tiêu chí đặc thù của địa phương.

Nhìn từ thực tế địa phương, đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Hải Phòng cũng cho rằng cần thiết phải có tiêu chí để các địa phương được chủ động, linh động với điều kiện thực tế tại mỗi địa phương. Theo vị này, tiêu chuẩn cơ sở vật chất nhà đa năng là hơn 400m2 song một vài xã huyện đảo Cát Hải cả trường chỉ có hơn 50 học sinh, có trường cả 3 cấp học chỉ có hơn 100 học sinh, xây nhà đa năng hơn 400m2 thì “dồn cả xã vào không hết”.

Đồng tình với việc thành lập trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục độc lập, tuy nhiên theo Hải Phòng cần tiến tới việc có những trung tâm hoàn toàn nước ngoài kiểm định, trung tâm tư thục và trung tâm quốc lập, từ đó có các cơ chế để công nhận kết quả kiểm định cho vào chuẩn quốc gia.

Việc thành lập trung tâm kiểm định độc lập là vấn đề rất trăn trở
Việc thành lập trung tâm kiểm định độc lập là vấn đề rất trăn trở

PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT - đặt vấn đề, khác với đại học, hiện nay kiểm định chất lượng, đánh giá chất lượng mầm non, phổ thông tập trung chủ yếu là cải tiến chất lượng, nhưng giả sử không đạt thì trường đó vẫn tiếp tục đào tạo, vẫn tuyển sinh, vẫn dạy và học 100%. Công tác kiểm định chất lượng mầm non, phổ thông tập trung vào thông tư 17, 18, 19, các địa phương đang đề nghị sửa đổi gắn với nhiều thông tư, nhất là thông tư 13, 14, 16. 

“Nhiều trường học đề nghị hạ chuẩn kiểm định song quan điểm của Bộ GD-ĐT là trường học phải cố gắng vươn lên, khó một chút, lộ trình có thể 3 năm 5 năm nhưng kiên quyết không hạ chuẩn, bởi vì hạ chuẩn để đạt được chuẩn quốc gia nhưng chất lượng giáo dục không thay đổi thì cần phải suy nghĩ” - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nhấn mạnh. 

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương, hiện nay Luật Giáo dục quy định các cơ sở giáo dục từ mầm non, phổ thông phải có trung tâm kiểm định độc lập, song đây là vấn đề rất trăn trở. Nếu chúng ta làm đúng luật thì phải có trung tâm, mà trung tâm có hiệu quả hay không, trung tâm có tự chủ được không…

“Nhiều địa phương đề xuất thành lập trung tâm kiểm định giáo dục phổ thông theo vùng. Ví dụ, vùng TPHCM có thể 4, 5 tỉnh sẽ thành lập một trung tâm kiểm định, trung tâm sẽ kiểm định chung cho nhiều tỉnh. Đây là phương án mà Bộ cho rằng khá khả thi…” - PGS.TS Huỳnh Văn Chương nói. 

Quốc Trung

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI