Mùa COVID-19, phụ huynh bức xúc vì trường cứ đòi học phí

13/04/2020 - 07:57

PNO - Trong lúc dịch bệnh khó khăn, một số trường vẫn đòi phí giữ chỗ, học phí cho học phần mới, năm học mới, dù chưa biết khi nào trường sẽ mở cửa lại.

Học phí đã đóng, tiền ăn, phí đưa đón chưa sử dụng vẫn chưa được khấu trừ. Phụ huynh cho rằng nhà trường quá thực dụng.

Bất ngờ nhận biểu phí năm học mới

Nhiều phụ huynh Trường THCS và THPT Sao Việt (VSTAR School, Q.7, TP.HCM) bất ngờ khi nhận được thư ngỏ đóng học phí năm học 2020-2021, dù học kỳ II năm học này chưa biết ngày nào sẽ chính thức đi học. Theo biểu phí đính kèm thư ngỏ, học phí (đóng trọn năm) thấp nhất là hơn 96 triệu đồng với lớp Một và cao nhất gần 300 triệu đồng với lớp 12.

Học online hiệu quả không bằng học trực tiếp tại trường - Ảnh: Mai Trúc
Học online hiệu quả không bằng học trực tiếp tại trường - Ảnh: Mai Trúc

Tất nhiên, muốn hưởng mức học phí thấp nhất thì phụ huynh phải đóng tiền sớm. Trường đưa ra bốn mốc thời gian đóng học phí: trước ngày 30/4, trước ngày 31/5, trước và sau ngày 30/6. Mỗi mốc thời gian như vậy số tiền chênh lệch từ vài triệu đến mười mấy triệu đồng. 

Anh T., phụ huynh lớp Năm của trường bức xúc: “Tình hình dịch bệnh không ai muốn, trường lại ra yêu cầu đóng học phí sớm lúc này được hiểu như tận thu chứ không phải chia sẻ khó khăn với nhau”. Theo anh T., thư ngỏ chẳng thấy nhắc gì đến học phí học kỳ II, tiền ăn, xe đưa rước… đã đóng mà chưa sử dụng sẽ được tính thế nào.

Nhiều phụ huynh cho biết dịch bệnh đã ảnh hưởng đến từng cá nhân rất nặng nề, việc kinh doanh và cả cuộc sống đều đình trệ, lương bị cắt giảm, nhận được thư ngỏ đóng học phí mà không nói gì đến chuyện học sắp tới của con em thế nào… 

Tương tự, phụ huynh trường EMASI cơ sở Nam Long (Q.7) bức xúc vì trường “nhanh nhảu” thông báo thu học phí năm học mới khi mà năm học hiện tại chưa biết khi nào sẽ kết thúc. Trong kế hoạch học tập của trường gửi phụ huynh cho rằng, từ sau Tết đến nay, Hệ thống EMASI vẫn duy trì hoạt động và vận hành như khi học sinh (HS) đi học. Đội ngũ nhân sự và thầy cô vẫn đi làm, soạn bài, gửi bài và thực hiện đầy đủ chương trình học tập trực tuyến cho HS. Ngoài ra, trường cũng sẽ kéo dài năm học theo quy định. Trường vẫn giữ nguyên học phí năm học 2019-2020 và 2020-2021.

Theo trường này, hạn thanh toán học phí thường niên vào ngày 29/4 nhưng đã có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình. Cụ thể, phụ huynh phải đóng 35% học phí vào ngày 29/4 nhằm đảm bảo giữ chỗ cho HS và hoàn thành 65% còn lại trước ngày 31/7. Phí xe buýt và tiền ăn sẽ tính trên số ngày thực tế HS đi học lại, số còn dư sẽ được chuyển qua cùng loại phí năm học sau.

Anh P., phụ huynh lớp Hai Trường EMASI chia sẻ: trường lấy lý do vẫn trả lương giáo viên để thu học phí đầy đủ, không giảm trừ là không hợp lý. Bởi học phí đã đóng là cho tất cả các môn học, giờ rất nhiều môn đâu thể học qua online mà vẫn thu phí; phí cơ sở vật chất đã đóng cũng không sử dụng gần nửa năm học. Năm cũ chưa biết thế nào đã nhận thêm thông báo đóng học phí, cơ sở vật chất, đồng phục... gần 150 triệu đồng. 

Phụ huynh chưa được thỏa thuận

Khi nhận được email của trường gửi ngày 9/4, phụ huynh Trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (VAS) đã sốc với thông báo thu học phí học phần 4. Thông báo yêu cầu: “Dù học phần mới đã bắt đầu trễ hơn dự kiến nhưng chúng tôi cần đảm bảo quý phụ huynh thực hiện việc thanh toán học phí đúng hạn vì nhà trường vẫn đang tiếp tục công tác giảng dạy trực tuyến và giao bài học tại nhà cho HS. Chúng tôi đã gia hạn thời gian thanh toán thêm bốn tuần và các chi phí chưa thanh toán cho học phần 4 của năm học 2019-2020 cần được hoàn thành trước thời hạn cuối cùng là 25/4…”.

Thông báo cũng nói rõ: cuối năm học, tất cả các chi phí ăn uống và xe đưa rước chưa được sử dụng sẽ được chuyển vào chi phí của năm học kế tiếp. 

Chị T.T., phụ huynh VAS cơ sở Sunrise cho biết: học phần 3 bắt đầu từ ngày 2/1, học phần 4 bắt đầu từ ngày 16/3. Trong khi từ ngày 20/1, HS đã nghỉ Tết và sau đó là nghỉ dịch cho đến nay vẫn chưa đi học lại. “Tôi đã đóng học phí và các chi phí liên quan như tiền ăn và đưa đón, nhưng dịch vụ của học phần 3 chưa sử dụng hết. Tại sao trường không sử dụng khoản học phí đó bù qua học phần 4 sẽ học (chưa biết khi nào học và học trong bao lâu) mà lại tiếp tục bắt phụ huynh đóng tiền nữa?”, chị T.T. bức xúc. 

Theo nhiều phụ huynh của VAS, chuyện học online bắt buộc chỉ mới diễn ra hơn mươi ngày, trước đó không thường xuyên, chỉ mang tính ôn tập. Dù có học online cũng không thể thu tiền như học trực tiếp bởi chi phí cho con theo học tại VAS không hề ít. Học phí một phần (học phí một năm được chia thành 4 phần) thấp nhất (bậc mầm non) là gần 40 triệu đồng và cao nhất (lớp 12) là 114 triệu đồng.

Chị T.T. phân tích: học online hiệu quả chưa đến 50% so với học tại trường, bởi ở trường con lên lớp khoảng 8 tiếng, trong đó có nhiều giờ tiếng Anh. Chưa kể, học online cũng không học các môn bơi lội, nhạc, họa và nhiều môn năng khiếu khác. Từ cơ sở vật chất đến điện, nước… đều không sử dụng, vậy sao có thể thu học phí như nhau? Đó là chưa kể nhà trường chẳng lấy ý kiến hay thỏa thuận với phụ huynh về việc phiên ngang học phí khi chuyển đổi sang học online.

“Chúng tôi sẽ nhờ Sở GD-ĐT thẩm định lại chất lượng và hiệu quả của chương trình dạy online trường tiến hành trong thời gian qua. Nếu không đạt chất lượng, nhà trường phải dạy bù cho HS”, các phụ huynh VAS cho biết. 

Trước đó, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản hướng dẫn việc thu học phí và các khoản thu khác đối với các cơ sở giáo dục trong thời gian tạm nghỉ học. Theo đó, đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, cần thỏa thuận với phụ huynh HS các khoản thu phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tính công khai và được sự đồng thuận của phụ huynh. 

Dù học phí và các khoản phí của trường ngoài công lập là sự thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh, nhưng xem ra việc các trường liên tục đòi học phí trước, tiền giữ chỗ năm học mới… trong tình hình dịch bệnh khó khăn, chỉ là ý muốn từ một phía. Phải chăng nhà trường đang đẩy hết cái khó về cho người học? 

Gia Tuệ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(9)
  • Nhà Hộp 14-04-2020 09:11:20

    Con tôi đang học trường EMASI. Thật sự học online không bằng học chính thức, nhưng thầy cô đều rất cố gắng dù vất vả. Tình hình bất khả kháng thì phụ huynh cũng sẽ thông cảm nếu nhà trường có thiện chí đối thoại để giải quyết vấn đề chi phí hợp tình hợp lý.

  • Nguyen Le 13-04-2020 21:42:05

    Vấn đề này đang gây bức xúc cho phần lớn phụ huynh và cơ quan ngôn luận. Mình thấy comment tốt ở đây chắc là team PR của trường rồi. ‘Trường’ đây cốt lõi là công ty kinh doanh giáo dục. Nên tự tìm cách xoay xở để tồn tại cũng như giữ vững hình ảnh. Đừng nhân danh ‘trường học’ để hợp thức các lý do tận thu với khách hàng (phụ huynh), trong khi hàng hoá còn chưa xuất bán. Vô lý!!!

  • Hoa Le 13-04-2020 16:14:58

    Thì coi như tụi nhỏ nghỉ hè sớm thôi, học bù sau. Tôi thấy bây giờ con mình còn lời được mấy tháng học online, chớ nghỉ hè tụi nhỏ ở nhà chơi suốt nào có học hành gì.

  • Thế Vinh 13-04-2020 15:41:33

    bởi* - trường không có nguồn thu thì giáo viên chúng tôi sống như thế nào. Kính mong quý báo tiếp cận góc nhìn này

  • Mạnh Quỳnh 13-04-2020 15:33:48

    Các phụ huynh có nghĩ đến tiền cơ sở vật chất bao gồm duy trì đội ngũ giáo viên, chấm bài, cả tiền đầu tư cho máy tính, các phần mềm, máy quay, phòng ốc máy chiếu, tại trường? Trường học người ta đã tính toán cả rồi chứ có phải vẽ ra đâu mà muốn giảm học phí thì giảm. Chưa kể giáo viên phải làm thêm giờ bên cạnh giờ dạy trực tuyến để dựng và chỉnh sửa video.

    Khó khăn là khó khăn chung. Sao đến lúc khó lại bảo trường "tranh thủ"?

  • Oanh Nguyen 13-04-2020 15:32:05

    Con tôi cũng đang học tại một trường quốc tế và tôi vẫn đóng tiền bình thường, tôi thấy trường làm vậy là cũng không có gì khó hiểu và tôi đồng ý chia sẻ gánh nặng cùng trường, miễn sao đầy đủ kiến thức để lên lớp, chỉ đơn giản vậy thôi.

  • Oanh Nguyen 13-04-2020 15:26:39

    Cũng không bất ngờ gì mấy, con tôi học ở Mỹ, trường bắt về nước nhưng cũng đâu có nói gì đến việc trả lại học phí đâu, tình hình chung nên chấp nhận thôi.

  • Huong thi 13-04-2020 15:24:42

    Con tôi đang đi học nước ngoài ở Lon don, trường bắt nghỉ và phải về nước mà cũng chả ai đả động gì đến chuyện bồi hoàn, huống gì ở Việt Nam. Dịch thì ảnh hưởng chung thôi.

  • Tuunguyen 13-04-2020 15:19:42

    Tôi có con đang học lớp 5 cũng đang học trường quốc tế ở bình thạnh, chuyện học phí thì đúng là bên nào cũng khó khăn thật nhưng cũng nên thông cảm cho các trường. Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy, nhìn cảnh các giáo viên trường mầm non phải đi bán online thấy rất tội

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI