Không phải thai phụ nào cũng có thể tiêm vắc xin ngừa COVID-19

05/09/2021 - 06:55

PNO - Việc khám sàng lọc và khám thai để tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho thai phụ có những điều kiện nghiêm ngặt hơn người bình thường rất nhiều.

Trong thời gian qua, Bệnh viện Hùng Vương đã triển khai tiêm vắc xin cho thai phụ, nhưng nhiều thai phụ khi đăng ký, đến bệnh viện nhưng không được tiêm hoặc các trường hợp tiêm khác loại vắc xin; nhiều trường hợp thắc mắc bị mất phí...

Phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM đã có buổi trao đổi với PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết – Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương liên quan đến việc tiêm vắc xin cho thai phụ. 

Thai phụ đang chờ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Bệnh viện Hùng Vương
Thai phụ đang chờ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Bệnh viện Hùng Vương

Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết điều kiện nào để thai phụ có thể tiêm ngừa vắc xin COVID-19?

PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết: Theo quy định, thai phụ từ 13 tuần trở lên có thể tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Hiện trung bình mỗi ngày Bệnh viện Hùng Vương tiếp nhận từ 800-900 thai phụ đến khám thai. Trong đó, khoảng 700 người đủ điều kiện được tiêm ngừa vắc xin COVID-19. Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đối với thai phụ rất nhạy cảm, khám sàng lọc phải tuân thủ nhiều điều kiện rất nghiêm ngặt. 

Khám thai trước khi tiêm ngừa vắc xin COVID-19 để xác định đúng đối tượng mà Bộ Y tế quy định là phụ nữ mang thai trên 13 tuần tuổi. Sau đó, bác sĩ phải xác định thai phụ có chống chỉ định tiêm vắc xin hay không? Đó là những trường hợp có bệnh cấp tính như: nhiễm trùng âm đạo, nhiễm trùng tiểu... Đây là những bệnh rất thường gặp ở thai phụ. Ngoài ra, bác sĩ còn phải xác định trình trạng sức khỏe thai nhi, bệnh nhân có đang dọa sảy thai, sanh non hay không, cân, đo huyết áp, làm xét nghiệm cận lâm sàng tùy theo từng tuổi thai… Nếu đạt yêu cầu, thai phụ mới được tiêm vắc xin.

Thực tế, bệnh viện đã phát hiện bệnh nhân muốn được tiêm ngừa vắc xin nên khai báo không trung thực. Khi khám thai thì bác sĩ phát hiện thai phụ đang có bệnh. 

Trước khi tiêm ngừa, thai phụ cần phải khám thai và khám sàng lọc
Trước khi tiêm ngừa, thai phụ cần phải khám thai và khám sàng lọc

* Nhiều thai phụ phản ánh khi đến khám, tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Bệnh viện Hùng Vương không được miễn phí như thông báo? 

- Thông tin tiêm vắc xin, chi phí khám thai… đều được thông báo công khai tại website và fanpage của Bệnh viện Hùng Vương. Để tiêm vắc xin ngừa COVID-19, chúng tôi cần phải khám thai. Tuy nhiên, thai phụ cần phân biệt giữa khám sàng lọc và khám thai. Khám sàng lọc trước tiêm và tiêm vắc xin ngừa COVID-19 là miễn phí. Nhưng phí khám thai ở khu dịch vụ là 150.000 đồng/lượt và ở khu khám chuyên gia là 350.000 đồng/lượt.

Riêng tại khu khám chuyên gia đang số hóa, bệnh nhân đến khám phải làm thẻ, nạp 1,5 triệu đồng vào thẻ để tạm ứng. Khi bệnh nhân khám trong khu này có thể phát sinh thêm các mức phí tầm soát khác, lúc này bệnh nhân sẽ quẹt thẻ trừ dần. Khi khám xong, còn dư bao nhiêu bệnh viện sẽ trả lại. Việc tạm ứng này giúp thai phụ không mất thời gian ra quầy đóng tiền làm các xét nghiệm khi khám thai. Về thông tin bệnh viện thu tiền khám theo "gói vắc xin" AstraZeneca giá 1 triệu đồng và Pfizer giá 1,5 triệu đồng là hoàn toàn không đúng, bệnh viện không có 2 gói này. 

* Có thai phụ thắc mắc có người tiêm vắc xin AstraZeneca và có người tiêm Pfizer, vì sao có hiện tượng này?

- Bệnh viện tiêm vắc xin theo phân bổ của Sở Y tế TPHCM. Khi mới bắt đầu, Sở Y tế phân bổ vắc xin AstraZeneca, sau đó 2 tuần Sở Y tế phân bổ thêm vắc xin Pfizer.

Tiêm vắc xin và khám sàng lọc là hoàn toàn miễn phí, tuy nhiên thai phụ cần phải thanh toán chi phí khám thai cho bệnh viện
Tiêm vắc xin và khám sàng lọc là hoàn toàn miễn phí, tuy nhiên thai phụ cần phải thanh toán chi phí khám thai cho bệnh viện

Bệnh viện không phân biệt loại vắc xin này ở cả khám dịch vụ hay khám chuyên gia. Thai phụ được tiêm vắc xin Pfizer nếu thuộc 4 nhóm. Nhóm 1: con điều trị hiếm muộn, điều trị thụ tinh trong ống nghiệm, bởi việc có một đứa con với nhóm thai phụ này đã rất khó khăn, nếu thai phụ mắc COVID-19 việc giữ con càng khó khăn hơn. Nhóm 2: phụ nữ mang đa thai như song thai, tam thai, trường hợp này thường đẻ non. Nhóm 3: thai phụ có thai từ 35 tuổi trở lên, các trường hợp này thường sinh trước 4 tuần. Nhóm 4: bệnh nhân có bệnh lý nền như cao huyết áp, tiền sản giật, tiểu đường và thai phụ chưa đủ thời gian để tiêm mũi 2 nếu tiêm mũi 1 là vắc xin AstraZeneca.

Khoảng cách giữa 2 mũi vắc xin AstraZeneca là từ 8-12 tuần, còn của Pfizer là 4 tuần nên khi nhận được 1 lượng ít vắc xin Pfizer chúng tôi đã lập ra hội đồng y khoa để đưa ra quy định 4 nhóm thai phụ trên, nhằm tận dụng tối đa thời gian để những thai phụ này sớm nhận được 2 mũi vắc xin, tránh được nguy cơ bị lây nhiễm COVID-19 hoặc không bỏ lỡ mũi tiêm thứ 2 trong thời gian hậu sản.

Nhận thấy sự quan trọng của việc hoàn thành 2 mũi vắc xin sớm cho thai phụ, bệnh viện cũng đã đề xuất với Sở Y tế được sử dụng hoàn toàn vắc xin Pfizer và được chấp thuận. Từ ngày 30/8, Sở Y tế TPHCM đã chỉ định ngay việc cấp vắc xin Pfizer để tiêm cho tất cả đối tượng bầu tại bệnh viện. 

* Bác sĩ có khuyến cáo gì đối với những thai phụ chậm tiêm vắc xin ngừa COVID-19?

- Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 là một trong những biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Chúng ta biết rằng vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất. Việc chọn lựa loại vắc xin có thể làm kéo dài thời gian phòng bệnh ở thai phụ. Sự chậm trễ có thể làm cho thai phụ mất cơ hội được tiêm mũi 2 nếu rơi vào giai đoạn hậu sản.

Theo hướng dẫn tiêm vắc xin của Bộ Y tế, thai phụ từ 13 tuần trở lên mới nên tiêm bởi thai trên 13 tuần đã tương đối ổn định, tiêm sẽ an toàn hơn. Tiêm trước thời gian này nếu thai nhi đang có những diễn biến như số lượng tế bào nhân đôi, hình thành các cơ quan rất dễ xảy ra lỗi, thậm chí những lỗi lớn như sảy thai, thai chết lưu. Vì vậy thai phụ nên hết sức lưu ý về việc khám thai và tiêm ngừa.

- Xin cám ơn bác sĩ!

Phạm An (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI