Khi người trẻ quay về với cổ phong

11/03/2019 - 07:24

PNO - Việc tìm hiểu, phục dựng hoặc phỏng dựng văn hóa, văn phong xưa của người Việt đang thu hút hàng vạn bạn trẻ tham gia, tạo được bầu không khí sôi nổi trên các diễn đàn, hội nhóm...

Nhiều dự án cổ phong đã và đang được thực hiện, nhằm đưa tinh thần của văn hóa Việt trở về với đời sống hôm nay.

Bộ phim cung đấu Việt Nam - Phượng Khấu đang rục rịch bấm máy. Dự án sách về cổ phục thời Lê sơ - Dệt nên triều đại sẽ ra mắt vào tháng Tư này. Dự án game, sách về binh khí nước Việt - Nam binh thần khí đang được hoàn thiện. Dự án Việt Nam cổ phục đang gọi vốn. Dự án game sưu tập thẻ bài huyền sử Việt Nam - Sử Hộ Vương cũng được đánh giá là đầy hứa hẹn. Truyện tranh Long thần tướng đang chu du trời Tây. Dự án khôi phục hoa văn cổ của người Việt - Hoa văn Đại Việt đã bén rễ vào thực tiễn.

Phong trào cổ phong, tự phát hay tự giác?

Việc tìm hiểu cổ phong đã xuất hiện lác đác từ lâu trên một số diễn đàn, hội nhóm của giới trẻ; nhưng thành một phong trào thu hút đông đảo thành viên thì chỉ trong mấy năm trở lại đây, đặc biệt phát triển mạnh vào thời gian gần đây. Đa số dự án cổ phong, đều được những người trẻ (dưới 40 tuổi) khởi xướng và thực hiện, trong đó có không ít dự án vận hành được nhờ hình thức crowdfunding - kêu gọi vốn cộng đồng.

Khi nguoi tre quay ve voi co phong

Trang phục của Ỷ Vân Hiên

Phương thức truyền tải văn hóa hiện nay rất đa dạng. Không chỉ bằng phim ảnh, mỹ thuật, các bạn trẻ còn đưa ứng dụng cổ phong vào game, truyện tranh, cosplay, chibi… để tiệm cận thế hệ mình. Những hoạt động truyền thống như lễ hội, biểu diễn, triển lãm... cũng được tận dụng, nhằm vươn tới các đối tượng đa dạng hơn.

Theo anh Đông Nguyễn, đồng sáng lập và quản trị viên nhóm Đại Việt cổ phong, hiện có hai trường phái “làm sống lại” cổ phong đang được thế hệ trẻ sử dụng. Một là tái hiện nguyên bản; hai là áp dụng một vài yếu tố cổ vào sản phẩm hiện đại. Tuy nhiên, việc hàng loạt dự án cổ phong cùng lúc nở rộ khiến nhiều người đặt câu hỏi về tính nhất thời, cả thèm chóng chán, tự phát của các bạn trẻ.

Đông Nguyễn cho rằng, từ “phong trào” đang bị hiểu sai trong tiếng Việt. Nó là một làn gió mới, được số đông hưởng ứng và có thể là những bước vận động mang tính tất yếu, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và thành quả bền vững.

Cùng quan điểm, anh Nguyễn Đức Lộc, người sáng lập Ỷ Vân Hiên nói thêm, cổ phong là xu hướng tất yếu của thời đại. Trong bối cảnh các nền văn hóa Âu - Mỹ, Trung - Á thâm nhập vào Việt Nam, tạo nên một cục diện đa sắc, hỗn loạn; người trẻ có nhu cầu tìm về văn hóa gốc, nhìn về bản sắc, cội nguồn của mình. Nếu trước đây, một số dự án cổ phong mang tính tự phát thì giờ đây, ngày càng tự giác, dựa trên ý chí nội tại của những người thực hiện, tham gia. Một số nhóm có hẳn chiến lược lâu dài, mở công ty, có pháp nhân hẳn hoi, để hoạt động được chuyên nghiệp hơn.

Liền mạch để đi xa hơn

Tuy nhiên, nói như anh Đông Nguyễn, dù phong trào đang ngày càng lan rộng, số người quan tâm tới cổ phong, tới những nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam vẫn chỉ là một “nhúm nhỏ” trong xã hội. Sự quan tâm của các cấp, các ngành liên quan diễn ra lẻ tẻ, thiếu tính hệ thống cũng như đầu tư trọng điểm, đến nơi đến chốn. Không phải đợi đến khi Diên Hy công lược hay Như Ý truyện của Trung Quốc càn quét cả châu Á, ta mới cảm thấy hụt hẫng khi nhìn về ứng dụng của cổ phong trong văn hóa đại chúng hiện nay ở nước ta; dù rằng chúng ta suốt ngày được dạy “Việt Nam có một nền văn hiến đã lâu”. Song đến hai bộ phim này, chúng ta mới thực sự sốc khi nhìn vào khoảng trống trước mặt, buộc phải tự hỏi, ta đã làm gì, đã đối đãi ra sao với cái “nền văn hiến” ấy.

Khi nguoi tre quay ve voi co phong

Long thần tướng -

Trong xã hội tiền công nghiệp, nơi truyền thống được bám rễ vững chắc, con người có khuynh hướng hướng về quá khứ để tìm sự chỉ dẫn. Thì nay, lắm lúc, chính xã hội đó chủ động khước từ chỉ dẫn đó, bằng nhiều cách khác nhau.

Trong một lần trả lời phỏng vấn, ông Michael Croft - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam - từng nói: “Có cảm giác nhiều người Việt Nam đang trải qua một giai đoạn dễ bị lạc lõng trong xã hội. Đặc biệt là khi các giá trị văn hóa truyền thống bị mai một hoặc những mối liên hệ về văn hóa giữa các cá nhân trong cộng đồng, giữa các cộng đồng với nhau trở nên lỏng lẻo, những ký ức chung của cả cộng đồng, của cả quốc gia bị đứt đoạn, bị đe dọa trong quá trình phát triển”. Nhà xã hội học Đức Ferdinand Tonnies từng nói, “hiện đại hóa bao gồm cả sự mất mát dần trong cộng đồng con người” có lẽ cũng mang hàm ý đó.

Thế kỷ XXI chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc về khoa học, kỹ thuật; nhưng đây cũng là thế kỷ mà con người đang bị bủa vây bởi không ít câu hỏi về sự tồn tại của chính mình, ý nghĩa của con người trong đời sống, sự nghèo đói, sự căng thẳng trong và giữa các xã hội khó nắm bắt hơn bao giờ hết. Trong dòng xoáy đó, văn hóa, vốn là thứ để con người dựa vào, để biết mình tồn tại, biết mình là ai, mình đến từ đâu, trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Khi nguoi tre quay ve voi co phong
Hình ảnh trong phim Phượng Khấu

Tiếp biến văn hóa là điều không thể tránh khỏi, nhưng tiếp biến mà vẫn giữ được sự liền mạch của một dòng chảy văn hóa “xưng nền văn hiến đã lâu” như Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi từng tuyên mới đáng quý, đáng trọng. Liền mạch và bền vững cũng là để khác biệt, để đi xa hơn mà vẫn là mình giữa thế giới phẳng. 

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh: “Hèn hay sang cũng do gương mặt văn hóa”

Cổ phong là con đường tất yếu đi đến tương lai của một nền văn hóa. Tương lai là phản chiếu của hiện tại, còn hiện tại là hệ quả của quá khứ. Trên trục thời gian, quá khứ còn lại luôn là ảnh chiếu đáng tin nhất về tương lai.

Giữa thế giới phẳng, khi công nghệ 4.0 “cưỡng bức” đời sống thì văn hóa là món bảo bối siêu việt để khẳng định bản nguyên văn hóa của một dân tộc. Điện ảnh hay những loại hình nghệ thuật khác được xem là những phương tiện chuyên chở căn tính văn hóa đó. Hèn hay sang, giàu hay nghèo cũng do gương mặt văn hóa ấy hiển lộ.

Khi nguoi tre quay ve voi co phong

Với cá nhân tôi, văn hóa truyền thống là cứu cánh, là cách để tôi tiếp cận và đi xa hơn trong hành trình nghệ thuật của mình. Muốn cất lên tiếng nói bình đẳng và đường hoàng với thế giới, cũng chỉ có cách nhờ văn hóa, bởi văn hóa là thanh âm trong trẻo và khác biệt nhất giữa các quốc gia; là những trầm tích quý giá, là thứ có sẵn, không tốn gì, miễn phí. Tại sao chúng ta không biết lấy ra mà xài, để vững chãi bước đi? Thế nên cổ phong ở ta, có đi chậm thì vẫn phải làm. Sẽ không có ai đơn độc khi đi trên một con đường đẹp đẽ, được là mình nhất như thế này. Đi để lớn, để thấy muốn tự cường thì trước nhất phải vững cái gốc, biết ta là ai, đến từ đâu, thì mới biết cần phải làm gì.

“Việt Nam giàu và đẹp đúng nghĩa trong ngàn năm lịch sử”

“Quay về với cổ phong, chúng tôi không hướng đến hay đặt ra sứ mệnh gì to tát như nhiều người vẫn nói. Chúng tôi làm, mong mọi người nhận ra rằng, chúng ta đến từ một đất nước rất đẹp - đẹp đúng nghĩa trong ngàn năm lịch sử. Đẹp không chỉ ở cánh đồng thẳng cánh cò bay, rừng vàng biển bạc như trong sách giáo khoa, mà đẹp vì những cái cha ông mình đã gây dựng nên từ ngàn năm trước. Nếu thấy không đẹp, đó là lỗi của các bạn. Chỉ khi nào người Việt thấy mình đẹp thì khi đó ta mới quảng bá văn hóa Việt ra bên ngoài được. Để xây tòa nhà 81 tầng, nói khó thì khó, nhưng dễ cũng dễ. Thế nhưng, cả ngàn năm lịch sử, nếu ta không biết trân trọng, giữ gìn thì có lẽ sẽ mất luôn.

Lâm Vị Quân (Nhóm Vietnam Centre)

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI