Khi giáo viên giúp nhau trong mùa dịch

07/07/2021 - 14:33

PNO - Sau hai ngày phát động, số tiền ủng hộ cho Quỹ hỗ trợ giáo viên Help A Teacher (H.A.T) đã hơn 1 tỷ đồng. Số tiền này dùng tài trợ cho giáo viên, bảo mẫu, cấp dưỡng, bảo vệ các trường mầm non tư thục của TP.HCM và một số tỉnh, thành khác. Dự án xuất phát từ lời kêu gọi của các nhà giáo tại TP.HCM.

Phải giữ giáo viên ở lại với nghề
Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương, nhà sáng lập The Edu House - người tiên phong của dự án H.A.T, kể: “Hôm báo đăng bài một bác bảo vệ mất việc phải xuống đường ăn xin, một cô giáo nhắn tin cho tôi: Các chị ơi, giáo viên mà đi xin thì có mất hình ảnh không? Câu hỏi đó khiến tôi muốn rớt nước mắt. Sài Gòn những ngày tả tơi này, có bao nhiêu người đang cân nhắc câu hỏi tương tự?”. 

Thực tế, các cô giáo mầm non bỏ nghề nhiều sau mỗi đợt dịch vì không đủ sức bám trụ. “Trong khi đó, với một đứa trẻ, sáu năm đầu đời mới quan trọng nhất, là giai đoạn hình thành nhân cách, thế giới quan... Nếu không có thầy cô tâm huyết các con sẽ thiệt thòi. Vì vậy, chúng tôi muốn làm gì đó để giữ các cô ở lại với nghề”, cô Uyên Phương cho biết.  

Giáo viên mầm non tư thục luôn là những người mất việc sớm nhất trong mỗi đợt bùng dịch. Khi hàng quán chưa đóng cửa, người người vẫn còn được đến công sở để làm việc, thì trường mầm non đã phải đóng cửa rồi. Mất việc trước tiên, nhưng không ai dám kêu ca, bởi sự an toàn của trẻ là trên hết. Trường mầm non đóng cửa là đóng tuyệt đối, không thể dạy online hay làm bất gì điều gì để có kinh phí. Trong khi đó, lương giáo viên, bảo mẫu mầm non thấp nhất trong ngành giáo dục. Bình quân, một bảo mẫu lương từ 3 - 5 triệu đồng/tháng, giáo viên thì 5 triệu đồng/tháng. Trong số đó, nhiều cô đến trường lúc 7 giờ và rời trường lúc 18 giờ để đón trả trẻ. 

Học sinh ở Tây Bắc đang chơi đồ chơi thủ công do các cô giáo nhận tài trợ từ H.A.T làm tặng - ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Học sinh ở Tây Bắc đang chơi đồ chơi thủ công do các cô giáo nhận tài trợ từ H.A.T làm tặng - ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Năm ngoái, nhiều cô giáo mất việc tìm cách bán nước mía phía trước trường, bán hàng online… Năm nay, xe nước mía không thể để, hàng online thì đến người bán chuyên nghiệp cũng rất ít khách. Ngày trở lại trường còn xa ngái… “Là những người làm giáo dục, chúng tôi khởi động lại dự án H.A.T vì không muốn để các cô phải xuống đường. Đó sẽ là thất bại, là mất mát của ngành giáo dục khi không thể chăm sóc cho những người vun trồng thế hệ tương lai. Hiện đã có một doanh nghiệp đồng ý tài trợ theo cơ chế đối ứng 1-1: cứ một suất tài trợ giáo viên mà chúng tôi gây quỹ được từ cộng đồng thì họ sẽ góp một suất tương ứng”, cô Uyên Phương tâm sự. 

Đợt dịch trước, các cô vận động được 2,2 tỷ đồng và giúp được hơn 300 giáo viên, bảo mẫu với mỗi suất lên đến 8,4 triệu đồng. Nhưng năm nay, tình hình vận động khó khăn hơn nên các cô quyết định mỗi suất 5 triệu đồng. Ngoài những tiêu chí về thu nhập, hoàn cảnh gia đình, H.A.T còn yêu cầu những người được hỗ trợ cam kết tiếp tục công việc trong ngành giáo dục sau dịch bệnh. 

Đền đáp cho cộng đồng

Cô Uyên Phương nói: “Thực ra, người làm giáo dục tư thục như tôi cũng gặp khó khăn nhưng chắc chắn không thể “đường cùng” như nhiều cô giáo mầm non. Ngoài việc trao cho họ sự động viên, chúng tôi còn mong muốn họ đền đáp cho cộng đồng”. Vượt lên ý nghĩa của một chương trình cộng đồng, H.A.T mong muốn san sẻ gánh nặng, giúp các giáo viên mầm non “vượt bão” và trụ lại với nghề. Không chỉ hỗ trợ tài chính, dự án còn lắng nghe chia sẻ 1-1 với những hoàn cảnh, câu chuyện đằng sau mỗi nhà giáo. Và xây dựng thư viện cộng đồng H.A.T để đóng góp lại cho giáo dục cộng đồng. 

Một trong những điều kiện để nhận được suất hỗ trợ từ H.A.T là giáo viên thực hiện một hành động có tính chất “đáp đền tiếp nối”. Tức là ai giúp tôi, thì tôi đền đáp không phải bằng cách trả ngược lại, mà sẽ giúp tiếp một người khác. Bằng cách đó, lòng tốt sẽ được lan đi. “Năm ngoái, giáo viên của H.A.T làm đồ chơi cho trẻ em vùng cao. Những món đồ mộc mạc có thể không là gì với trẻ em thành phố, nhưng vô cùng quý với các em ở những buôn làng xa xôi. Năm nay, chúng tôi sẽ cùng các cô làm một kho truyện audio thiếu nhi mà cha mẹ có thể mở cho các bé nghe trước giờ đi ngủ, bởi giáo viên mầm non thì cô nào giọng cũng truyền cảm”, cô Uyên Phương cho hay. 

Đặt ra điều kiện này, theo người tiên phong của H.A.T, không phải để làm khó các cô. Thực sự, giáo viên là người có lòng tự trọng cao, nếu không phải vì hoàn cảnh khốn khó, chẳng ai muốn là gánh nặng cho cộng đồng. “Đáp đền tiếp nối” là cách để các cô cảm thấy nhẹ lòng. Điều cô Uyên Phương xúc động là dù có những cô giáo hoàn cảnh rất khó khăn, chồng bệnh, con thơ, hoặc đang mang bầu, lại không còn tiền đóng nhà trọ, thì cũng chưa cô nào từ chối thực hiện “đáp đền nối tiếp”. Trái lại, các cô giáo liên tục hỏi “em có thể làm gì nữa không?”. 

Năm nay, trong những khoản tiền đầu tiên đổ về quỹ, có vài khoản từ những cái tên đã được nhận hỗ trợ của năm trước. Dù chỉ một, hai trăm ngàn nhưng đó là những khoản không nhỏ mà các cô giáo dành ra để tri ân những ân tình nhận được năm xưa. 

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI