Khán giả lên sân khấu 'đấu kiếm' cùng nghệ sĩ cải lương

18/12/2018 - 09:30

PNO - Tối 17/12 Chương trình Triển lãm – biểu diễn nghệ thuật chính thức mở màn cho chuỗi hoạt động Kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương 1918- 2018.

Chương trình do Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP.HCM và Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM phối hợp tổ chức.

Hai trăm nghệ sĩ (NS), diễn viên (DV), nhạc công... của Nhà hát Trần Hữu Trang và các NS, DV TP.HCM đã cùng nhau tái hiện không gian đờn ca tài tử (ĐCTT) và cải lương, loại hình nghệ thuật đặc trưng của vùng đất Nam bộ.    

Khan gia len san khau 'dau kiem' cung nghe si cai luong
Một góc triển lãm sắp đặt

Diễn ra trong không gian Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, chương trình được xây dựng khá sinh động gồm phần triển lãm sắp đặt, giới thiệu những không gian ĐCTT từ nông thôn đến thành thị ở khắp các tỉnh thành miền Nam. Trong những không gian đó, ĐCTT đã ra đời, đi sâu vào đời sống của người dân để rồi phát triển thành ca ra bộ và sau đó là sân khấu cải lương.

Khan gia len san khau 'dau kiem' cung nghe si cai luong
Đông đảo khán giả tham dự chương trình khai mạc

Đông đảo khán giả thích thú nghe giới thiệu những dấu ấn quan trọng của hành trình từ ĐCTT đến  cải lương, chụp hình với các tài tử đờn, tài tử ca, chạm vào những bộ trang phục, những loại đạo cụ, vũ khí... mà trước đây họ chỉ được nhìn thấy trên sân khấu.

Khan gia len san khau 'dau kiem' cung nghe si cai luong
Khán giả chụp hình với một tiểu cảnh

Phần biểu diễn các trích đoạn cải lương xưa, giới thiệu thiết kế sân khấu (SK), kỹ xảo, kỹ thuật hóa trang… thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng. Trong đêm khai mạc, khán giả đã được tìm hiểu ngày xưa các đoàn hát làm sao để tạo nên cảnh núi rừng, dùng kỹ xảo gì để có thác nước, dòng suối chảy; làm sao để khi bị trúng tên, mũi tên có thể nhìn như vừa cắm vào cơ thể của diễn viên...

Khan gia len san khau 'dau kiem' cung nghe si cai luong
Trang phục hoàng cung

Trích đoạn Lão anh hùng họ Nguyễn ngắn gọn, súc tích không nặng kỹ thuật biểu diễn nhưng mang lại cho khán giả cải lương xưa ký ức thú vị về những chiếc micro “chạy” theo diễn viên sân khấu; những màn đấu võ đẹp mắt… Với những khán giả trẻ, phần biểu diễn này lại mở ra cho họ một góc nhìn mới mẻ, lạ lẫm về một sân khấu với trang trí đẹp và y như thật.

Khan gia len san khau 'dau kiem' cung nghe si cai luong
Trích đoạn cải lương Lão anh hùng họ Nguyễn với cảnh trí được vẽ thủ công và thác nước chảy như thật.

Thú vị hơn khi trích đoạn kết thúc, khán giả có thể lên SK thử tài “đấu kiếm" theo những nguyên tắc đấu kiếm đã được quy định trong biểu diễn cải lương. Không chỉ được tận mắt nhìn dòng thác đang chảy, bất kỳ thắc mắc nào của khán giả về kỹ thuật, kỹ xảo SK, cách thực hiện cảnh trí… ở trích đoạn vừa xem cũng được người dẫn chương trình là NS Lê Trung Thảo nhiệt tình giải đáp.

Khan gia len san khau 'dau kiem' cung nghe si cai luong
Khán giả tập làm diễn viên đánh kiếm

Dịp này, 100 bức chân dung các nghệ sĩ (NS) cải lương của hoạ sĩ (HS) Trương Văn Ý lần đầu tiên đã được trưng bày để công chúng thưởng lãm. Thực hiện trong vòng bốn năm, 100 bức chân dung NS được HS Trương Văn Ý vẽ bằng cảm xúc, góc nhìn của mình. Hầu hết chân dung được ông vẽ lại từ những hình ảnh sưu tầm trên intermet, một số phải xin lại từ gia đình các NS.

Khan gia len san khau 'dau kiem' cung nghe si cai luong
HS Trương Văn Ý và chân dung HS Đặng Hoài Nam, bức vẽ đầu tiên trong bộ sưu tập của ông.

Khi 30 bức chân dung đầu tiên hoàn thành, một Việt kiều đã ngỏ ý mua tất cả với giá hơn 100 triệu đồng, nhưng HS Trương Văn Ý từ chối. “Đây là những bức tranh tôi vẽ cho riêng mình chứ không vẽ để bán kiềm tiền. Sau triển làm này, tôi muốn gửi tặng toàn bộ số tranh này cho Hội Sân khấu TP.HCM để trưng bày ở Nhà Truyền thống sân khấu hoặc trưng bày tại Nhà hát Trần Hữu Trang”, HS Trương Văn Ý chia sẻ.

Khan gia len san khau 'dau kiem' cung nghe si cai luong
Chân dung nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Trong lễ khai mạc, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM - phát biểu: “Từ chiếc nôi Nam bộ, loại hình SK cải lương đã trở nên phổ biến trong cả nước và trở thành món ăn không thể thiếu của công chúng từ đô thị lớn, đến nông thôn, hải đảo… Cải lương đã góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng của đời sống văn hóa nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu giải trí, hưởng thụ văn hóa của công chúng và trở thành loại hình nghệ thuật tiêu biểu của phương Nam.

Những hoạt động nhân Kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương nhằm tôn vinh, giới thiệu đến công chúng những dấu ấn đậm nét của loại hình SK cải lương, đồng thời khẳng định những giá trị của loại hình nghệ thuật cải lương trong dòng chảy của lịch sử SK dân tộc”.

Khan gia len san khau 'dau kiem' cung nghe si cai luong
Các tài tử đờn đang khoe ngón đờn điêu luyện phục vụ công chúng.

Chương trình Triển lãm – Biểu diễn nghệ thuật sẽ tiếp tục diễn ra trong hai ngày 18-19/12, mỗi ngày ba suất diễn: lúc 9g30, 14g30 và 19g30 tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, 136 Trần Hưng Đạo, Q.1

Bài, ảnh: Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI