Huyền thoại mẹ

28/07/2013 - 09:20

PNO - PN - Ngày 25/7, Bảo tàng Phụ Nữ Nam bộ đã tổ chức hội thi thuyết trình “Câu chuyện kể về mẹ Việt Nam anh hùng TP.HCM”. Những câu chuyện về các bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) là những tấm gương về sự hy sinh, tinh thần yêu nước,...

Huyen thoai me

Mẹ VNAH Phạm Thị Mười

Chúng tôi tìm gặp mẹ VNAH Phạm Thị Mười (má Mười) đúng vào dịp kỷ niệm 66 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7) tại số nhà 67 Nguyễn Thị Thập, P.Tân Phú, Q.7, TP.HCM. 83 tuổi nhưng má vẫn còn minh mẫn lắm. Má Mười tham gia cách mạng năm 16 tuổi. Chồng hy sinh khi má mới 37 tuổi, một mình má tảo tần nuôi sáu người con, vừa tiếp tục nuôi quân, tiếp tế lương thực, làm giao liên cho cách mạng. Con gái lớn vừa 16 tuổi, cứ nằng nặc đòi mẹ cho đi bộ đội. Trước khi đi, chị dặn: “Mẹ cứ yên tâm đợi con về. Con không chết được đâu, mẹ đừng lo!”. Nào ngờ... Đưa tay thắp nén nhang, má xót xa khi chưa kịp có tấm hình của con gái để trên bàn thờ. Nỗi đau chồng nỗi đau, chỉ vài năm sau đó, má lại nhận được hung tin: con trai mới tròn 15 tuổi hy sinh.

Huyen thoai me

Mẹ VNAH Nguyễn Thị Hai bên di ảnh con gái - Ảnh: Phùng Huy

Năm 1974, má bị địch bắt, bị tra tấn dã man. Nhưng những trận đòn ấy vẫn không lấy được một lời khai của má.

Trong căn nhà nhỏ ở ấp 2, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM, mẹ VNAH Nguyễn Thị Hai (87 tuổi) đón chúng tôi với nụ cười đôn hậu. Năm nay sức khỏe của mẹ đã yếu nhiều nhưng nhắc tới chồng con, mẹ vẫn nhớ như in: “Mẹ chỉ có một con gái duy nhất để nương nhờ tuổi già, vậy mà lớn lên nó viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Chỉ vài năm sau, con gái anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Chồng mẹ cũng hy sinh trong cuộc kháng chiến oanh liệt này”. Nhận được tin báo tử, mẹ đứt từng khúc ruột. Dẫu vậy, mẹ vẫn lạc quan vì chồng con hy sinh vì nghĩa lớn.

Mẹ Hai luôn giữ thói quen dậy sớm quét dọn nhà cửa, vẫn có thể tự nấu cơm nước. Nguồn vui, nguồn an ủi duy nhất của người phụ nữ chịu nhiều mất mát ấy chính là sự quan tâm, chăm sóc của địa phương, các tổ chức đoàn hội đối với các gia đình chính sách. Lặng người ngắm di ảnh của chồng con, giọt nước mắt hiếm hoi lăn trên khuôn mặt gầy gò, những hồi ức về gia đình, về một thời bom đạn ác liệt lại hiện về trong trí nhớ của mẹ khiến chúng tôi không khỏi xót xa.

Huyen thoai me

Giáo viên trẻ Trường mầm non Nam Sài Gòn thăm hỏi, chúc mừng mẹ VNAH Phạm Thị Mười

Cùng một nỗi đau mất chồng lìa con, mẹ Huỳnh Thị Phước (ngụ NN10, Đồng Nai, cư xá Bắc Hải, KP.7, P.15, Q.10, TP.HCM) để lại cho chúng tôi ấn tượng đặc biệt.

Mẹ Phước nay đã ngoài 80. Chồng hy sinh, mẹ tiếp tục hoạt động cách mạng. Với vai trò bí thư, chủ tịch xã kiêm chính trị viên xã đội Trung Lập Thượng, mẹ tổ chức chặn đánh các đợt càn quét của địch, giữ vững vùng giải phóng. Mẹ còn là người trực tiếp chỉ huy trận đánh cầu Công Sở khiến địch điêu đứng. Năm 1969 - 1970, lần lượt hai người con gái mới 18 - 20 tuổi của mẹ hy sinh. Nỗi đau xé lòng ấy bây giờ mẹ vẫn chưa nguôi. Người con trai út mà mẹ ngỡ đã hy sinh vẫn còn sống trở về. Giờ đây, trong ngôi nhà nhỏ, người mẹ một thời làm cơ sở mật cho kháng chiến đang thảnh thơi an hưởng tuổi già cùng con cháu.

Huyen thoai me

Mẹ VNAH Nguyễn Thị Hai

Huyen thoai me

Mẹ VNAH Huỳnh Thị Phước

Là mẹ VNAH duy nhất còn sống ở xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP.HCM, mẹ Võ Thị Hanh (94 tuổi) có bảy người con thì hết bốn người lần lượt theo tiếng gọi của Tổ quốc. Mẹ tâm tình: “Chồng con đi đánh giặc, tôi ở nhà thấp thỏm lo lắng. Mỗi lần thấy chồng con về thăm nhà là mừng rớt nước mắt”. Trái tim mẹ đã bao lần tan nát khi nhận tin chồng con hy sinh nơi chiến trường ác liệt. Giờ đây, mẹ hiền hòa sống cùng người con trai thứ năm trong ngôi nhà ngập tràn ký ức.

Thật khó có thể kể hết tên tuổi và sự hy sinh lớn lao thầm lặng của các mẹ VNAH. Các mẹ đã trở thành những huyền thoại, những tượng đài bất tử trong lòng dân tộc.

 Lê Uyên Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI