Hứa Vĩ Văn: "Tôi theo nghề diễn vì đam mê"

03/12/2020 - 12:05

PNO - Gây bất ngờ bằng vai diễn trung niên trong “Tiệc trăng máu” và “Trái tim quái vật”, Hứa Vỹ Văn thích già hóa để khẳng định năng lực mình.

Tiệc trăng máu Trái tim quái vật được đánh giá là 2 trong số ít phim níu chân khán giả đến rạp, điểm sáng hiếm hoi trong một năm điện ảnh Việt Nam có quá nhiều biến động bởi dịch COVID-19. Trong 2 phim này, Hứa Vĩ Văn đã được nhiều nhà chuyên môn và khán giả đánh giá cao về diễn xuất. Chàng diễn viên có vẻ đẹp kiểu "soái ca" năm nào đã có cuộc thoát xác ngoạn mục khi xuất hiện với tạo hình của một người đàn ông độ tuổi 40 (Tiệc trăng máu) và tuổi 60 (Trái tim quái vật).

Phóng viên: Quang (Tiệc trăng máu) và ông Bé (Trái tim quái vật) cho thấy sự trở lại với màn ảnh vô cùng tuyệt vời của anh. Anh nghĩ gì khi rũ bỏ hình ảnh "soái ca" để vào vai trung niên?

Diễn viên Hứa Vĩ Văn: Từ xưa đến nay tôi đã đóng rất nhiều vai trẻ tuổi hơn mình rồi. Vô tình và cũng là may mắn, tôi được mời tham gia 2 vai diễn trung niên. Phim ảnh Việt Nam không nhiều kịch bản, vai diễn dành cho lứa tuổi trung niên. Ở điện ảnh Việt, hầu như vai chính đều dưới 30 trong khi đó ở Hollywood hay châu Á luôn có rất nhiều phim về tuổi trung niên. Tôi hy vọng sau thành công của Tiệc trăng máu, sẽ có thêm nhiều kịch bản về tuổi trung niên để những diễn viên lứa tuổi chúng tôi có thêm nhiều cơ hội làm nghề. 

Tôi đã có một thời trẻ trung, đã có những thành công nhất định với các vai trẻ, giờ tôi cũng không còn trẻ để là "soái ca" trên màn ảnh, cơ hội đó nên dành cho lớp diễn viên trẻ.

* Dường như anh có niềm tin và luôn dành nhiều lời khen cho các bạn trẻ?

Vì họ xứng đáng và có tài năng thật sự. Tôi cũng từng trải qua những giai đoạn, tháng ngày giống như các em nhưng tôi không nhận được nhiều sự khích lệ hay giúp đỡ. Bây giờ nhìn lại các em tôi tự hỏi tại sao mình không làm những điều mà khi trẻ không ai làm cho mình? Tôi trân trọng nỗ lực và tài năng của các bạn trẻ hiện nay.Tôi khá gian nan với nghề diễn thời trẻ nên tôi càng thương các em hơn.

* Nhưng cũng có những dư luận cho rằng một bộ phận lớp trẻ hiện nay không biết kính trên nhường dưới?

- Đó là thực tế đã và đang tồn tại. Nhưng tôi nghĩ, những bạn đó sẽ khó đi xa trong nghề nghiệp. Tôi từng nghĩ tại sao Sơn Tùng MTP thành công, tại sao Mỹ Tâm là ngôi sao và tôi đã có được sự lý giải cụ thể. Ở ngoài đời, họ rất dễ thương và lễ phép, biết kính trên nhường dưới thì họ mới được mọi người yêu mến và được gọi là ngôi sao.

* Một bộ phim quy tụ rất nhiều ngôi sao như “Tiệc trăng máu” thì mọi người đối đãi với nhau trong hậu trường như thế nào?

Vì tất cả là ngôi sao nên mọi người đối đãi với nhau rất tốt, tính tình ai cũng dễ thương cả. Một ngôi sao ngoài tài năng thì tính cách rất quan trọng, phải có cả tài lẫn đức độ thì mới được nể trọng. Tôi thường nghĩ, nổi tiếng thì dễ, được nể mới khó.

* Người ta thường nói, vẻ đẹp vốn dĩ đã là một món quà và người đẹp lại càng dễ "có quà". Tại sao anh cứ phải thoái thác hình ảnh một "soái ca" của mình như vậy?

Tôi là một trường hợp đặc biệt, bị cản trở rất nhiều vì vẻ ngoài của mình. Tôi không hề được quà, trái lại, tôi bị nhìn nhận với định kiến rằng vì có ngoại hình vậy nên tôi mới có được thành công trên phim ảnh mà không ai thấy được nỗ lực của tôi. Thật bất công. Tôi phải mất quá nhiều thời gian và rất gian nan để chứng minh, xóa tan định kiến. Phải đến sau này khi tôi làm xấu mình đi trên phim ảnh thì mọi người mới nhìn thấy được nỗ lực của tôi.

* Với 2 vai diễn ấn tượng, được người làm nghề và khán giả đánh giá cao, anh có nghĩ đến một giải thưởng cho mình?

Hình như tôi không có duyên với giải thưởng và tôi cũng không quan tâm lắm. Tôi nghĩ, khán giả thương mến mình là đủ. Còn giải thưởng tôn vinh ai thì sẽ chọn người đó, không nằm trong mong muốn của chủ quan của cá nhân. Giải thưởng đối với tôi là sự tôn vinh, do đó, nếu chưa được tôn vinh hay không thì mình vẫn phải làm tiếp công việc của mình thôi. Tôi làm nghề vì đam mê chứ không phải vì giải thưởng.

* Sau thành công ở 2 vai diễn trong 2 bộ phim gây sốt phòng vé năm 2020, anh có lo áp lực về kỳ vọng, so sánh của khán giả với những vai diễn sau?

Tôi chỉ sợ khán giả Việt Nam không đến rạp thôi. Tôi đã làm được những điều tưởng mình sẽ không thể chạm tới. Vấn đề tôi đang lo nghĩ nhiều là làm sao để thị trường điện ảnh Việt Nam có thể phát triển như các nước trong châu lục. Chúng ta phải tính làm sao để 10 năm nữa Việt Nam có những thành công vang dội, như Hàn Quốc, có phim đoạt giải thưởng Oscar chẳng hạn. Điện ảnh Việt Nam quá thiếu về biên kịch, về thể loại phim… nếu chỉ nghĩ đến doanh thu phòng vé thôi thì đó là sự thảm bại. Cái khó nhất hiện nay không phải là làm phim hay, làm phim trăm tỉ nữa mà là làm sao để kéo khán giả ra rạp, để khán giả yêu phim Việt. Tôi có quan sát và nhận thấy rất nhiều khán giả Việt Nam vẫn chưa xem, chưa ủng hộ phim Việt. Vấn đề tiếp theo nữa là làm sao giữ được lượng khán giả đang ở ngoài rạp vì mỗi năm chúng ta có khoảng 60 phim nhưng chỉ có 5 đến 10 phim tốt, nghĩa là có khoảng 50 phim làm khán giả thất vọng. Làm sao để họ không quay lưng với phim Việt, làm sao để có lượng khán giả ủng hộ, hãnh diện và tự hào về phim Việt… Tôi luôn đau đáu về điều đó.

* Anh có thể bật mí về những dự án tiếp theo của mình?

Tháng 1/2021, phim điện ảnh Em là của em, của đạo diễn Lê Thiện Viễn và nhà sản xuất Lý Minh Thắng sẽ ra mắt công chúng. Đây là một phim hài nhẹ nhàng và tôi xin phép được bí mật vai diễn của mình để tạo sự bất ngờ cho khán giả.

Ngoài đóng phim tôi cũng có tham gia viết kịch bản nhưng không phải viết về chuyện đời tôi. Khi có điều kiện thuận lợi tôi sẽ đưa vào sản xuất.

* Cảm ơn những chia sẻ của anh.

Trương Quốc Phong (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI