Hơn 78% phụ nữ nhập cư có thu nhập chỉ dưới 5 triệu đồng/tháng

02/03/2022 - 16:22

PNO - Họ không chỉ quay quắt với vòng xoay cơm áo gạo tiền, không chỉ làm việc để kiếm thu nhập mà còn phải dành thời gian để làm những công việc “không tên”.

Ngày 2/3, hội thảo khoa học “Nhóm phụ nữ di cư: kết quả nghiên cứu và đề xuất giải pháp, mô hình hỗ trợ” được tổ chức với sự tham dự của TS Bùi Thị Hòa - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, chủ nhiệm đề tài; PGS-TS Trần Thị Minh Thi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và giới, đại diện lãnh đạo Hội LHPN TPHCM, các cơ quan, sở, ngành, và các tổ chức chính trị - xã hội TP. HCM.

Theo TS Bùi Thị Hòa, dù hiện nay đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các nhóm phụ nữ, tuy nhiên mức độ bao trùm các chính sách cũng như mức độ tiếp cận và thụ hưởng chính sách của các nhóm dân số còn có sự cách biệt. Chẳng hạn trong nhóm những người di cư, phụ nữ di cư làm việc ở khu vực phi chính thức gặp nhiều khó khăn hơn trong việc có được chỗ ở tối thiểu, họ phải sống trong những điều kiện khó khăn, chỗ ở tạm thời, thiếu an toàn và thiếu các dịch vụ cơ bản”.

Hội thảo thu hút sự quan tâm, tham dự của đại diện các sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tại TP. HCM
Hội thảo thu hút sự quan tâm, tham dự của đại diện các sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tại TP. HCM

Theo kết quả nghiên cứu, 78,2% phụ nữ di cư có thu nhập từ 5 triệu đồng trở xuống, chủ yếu với các công việc: làm thuê (36,1%), buôn bán (24,6%), lao động giản đơn (21%), nội trợ (9,1%), công nhân viên chức (9,1%). 83,7% lực lượng lao động nữ di cư chưa qua đào tạo; 5,7% đào tạo ngắn hạn (phần nhỏ là sơ cấp, trung cấp và cao đẳng). Khoảng 73,9% lao động nữ di cư có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), nhưng chỉ có 48,9% trong số đó sử dụng thẻ BHYT để khám chữa bệnh. Các lý do khiến họ không mua, hoặc không sử dụng thẻ BHYT vì ngại thủ tục rườm rà, mất thời gian, thuốc không tốt, chờ đợi lâu, trong khi họ cần thời gian để đi làm. Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, gần 82% lao động nữ di cư có thu nhập sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

PGS-TS Trần Thị Minh Thi nhận định: “Lao động nữ di cư đang phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản hơn nam giới khi ít có khả năng thực hiện di cư hợp thức hơn nam giới, cũng như chịu nhiều rủi ro bị bạo lực và lạm dụng tình dục do phân biệt đối xử. Họ cũng không có nghề nghiệp gì trong tay”.

PGS.TS. Trần Thị Minh Thi - Viện trưởng Viện nghiên cứu Gia đình và giới - báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài
PGS-TS Trần Thị Minh Thi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và giới - báo cáo kết quả nghiên cứu

Ông Thái Hoàng Nhạc - Phó trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hoá và gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM cho biết, hiện nay, công nhân lao động đang chịu nhiều khó khăn, nhất là sau đại dịch Covid-19. Đa số họ thuê nhà trọ giá rẻ với diện tích nhỏ hęp, điều kiện sinh hoạt tối thiểu còn hạn chế; các gia đình phải cân đối các khoản chi phí cho phù hợp, đảm bảo một phần tích lũy nhỏ để có thể gởi về quê nuôi con hoặc phụ giúp gia đình; thời gian chăm sóc gia đình bị hạn chế; cũng như họ chưa có nhiều sự lựa chọn trong các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa văn nghệ.

PGS-TS Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống Xã hội - cũng chỉ ra những mong muốn “khiếm tốn, chừng mực” của đối tượng này đối với chính quyền, đó là được tạo điều kiện mua nhà giá rẻ, được hỗ trợ thuê nhà trọ giá thấp, được ưu đãi tiền điện, nước, được hỗ trợ mua BHXH, BHYT tự nguyện, được vay tiền lới lãi suất thấp để sản xuất, kinh doanh, được học các kỹ năng mới để chuyển đổi việc làm. Ông cũng nhận định, trong câu chuyện phát triển của đô thị, lao động di cư đóng góp thầm lặng nhưng hiếm khi được hiển hiện như một nguồn lực phát triển đầy năng lượng tích cực, bên cạnh đó, phụ nữ di cư luôn phải gồng mình để gánh những “gánh nặng kép”. “Vấn đề về phụ nữ lao động di cư cần phải đặt lên bàn nghị sự, cần hiểu hơn nhu cầu thiết thực của phụ nữ di cư để xây dựng chính sách; xây dựng cơ chế trao quyền và nâng cao năng lực của họ, đảm bảo sinh kế bền vững, phục hồi sinh kế thông qua mô hình tiết kiệm vi mô, nhóm tương trợ cộng đồng” - PGS-TS Nguyễn Đức Lộc nhấn mạnh.

Để hỗ trợ phần nào những mong muốn chính đáng của phụ nữ di cư, PGS-TS Trần Thị Minh Thi chỉ ra: “Đào tạo nghề và tạo việc làm cho phụ nữ di cư rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là đào tạo nghề phải gắn với việc làm. Nếu chỉ đào tạo họ sẽ không quan tâm, vì không hiệu quả, thiết thực. Ngoài ra, những chính sách cho phụ nữ di cư phải cụ thể, thiết thực như vấn đề nhà ở, sử dụng dịch vụ công, sử dụng bảo hiểm y tế khám chữa bệnh một cách thuận lợi và phù hợp với tính chất việc làm của họ. Cuối cùng là mở rộng các khu vui chơi, thể thao, giải trí của thành phố, với người lao động có thể mở miễn phí để họ tham gia”.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI