Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam:

Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Xếp Lịch sử là môn lựa chọn là chưa đúng với Luật Giáo dục

10/05/2022 - 09:15

PNO - Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam mới đây có văn bản nêu quan điểm về việc xếp Lịch sử thành môn học lựa chọn trong Chương trình GDPT 2018 bậc THPT.

Trong đó, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định: Lịch sử thực sự là cội nguồn sức sống và sự trường tồn của dân tộc, tạo nên sức mạnh vượt qua mọi âm mưu đồng hóa của kẻ thù. Thực tế cũng cho thấy việc giáo dục, khơi dậy và nuôi dưỡng lòng yêu nước cho mọi người dân, trước hết cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ của nhiều tổ chức, cá nhân thuộc nhiều lĩnh vực hoạt động, trong đó có môn giáo dục Lịch sử trong trường phổ thông. 

Lịch sử không chỉ là quá khứ mà còn soi chiếu hiện tại, dự báo tương lai. Văn hóa, Lịch sử là nền tảng vững chắc tạo nên chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam, cội nguồn sức mạnh, sự trường tồn của dân tộc, nền tảng tinh thần cho sự phát triển bền vững. 

Lịch sử được xếp thành môn học lựa chọn trong Chương trình GDPT 2018 bậc THPT
Lịch sử được xếp thành môn học lựa chọn trong Chương trình GDPT 2018 bậc THPT (Ảnh minh họa)

Với tinh thần đó, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định việc Bộ GD-ĐT xếp môn Lịch sử là môn học lựa chọn trong trường THPT là “có điều chưa xứng đáng”. Cụ thể, chưa thể hiện được đầy đủ vai trò, vị trí của môn Lịch sử trong hệ thống giáo dục với sự kết hợp dựng nước và giữ nước; quyết định xếp Lịch sử thành môn học lựa chọn chưa hoàn toàn đúng với Luật Giáo dục 2005, 2019 và Nghị quyết ngày 27/11/2015 của Quốc hội có nội dung giữ môn Lịch sử là môn học độc lập trong chương trình và sách giáo khoa mới. 

Luật Giáo dục 2005 và 2019 đều xác định giáo dục THCS phải “Bảo đảm cho học sinh có những kiến thức cơ bản về tiếng Việt, Toán, lịch sử dân tộc, kiến thức khác về khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, pháp luật, tin học, ngoại ngữ, có những hiểu biết cần thiết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp”. 

Giáo dục THPT phải “củng cố, phát triển những nội dung đã học ở THCS, hoàn thành nội dung giáo dục phổ thông. Ngoài nội dung chủ yếu nhằm bảo đảm kiến thức phổ thông, cơ bản, toàn diện và hướng nghiệp cho mọi học sinh, còn có nội dung nâng cao ở một số môn học để phát triển năng lực, đáp ứng nguyện vọng của học sinh”. 

Chương trình GDPT 2018 bậc THPT được xác định là giai đoạn giáo dục hướng nghiệp, sẽ chính thức triển khai ở khối lớp 10 từ năm học 2022-2023. Trong đó, học sinh sẽ được học 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, bao gồm: Văn, Toán, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và An ninh, Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp. 

Cạnh đó, học sinh sẽ được chọn 5 môn học thuộc 3 nhóm môn học lựa chọn: Nhóm Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và Pháp luật); nhóm Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Ngoài ra, các môn học tự chọn gồm tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2. Tùy theo đặc thù nhà trường, học sinh sẽ được học thêm các chuyên đề học tập phù hợp.

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI