Học sinh ngại tới lớp sau thời gian dài học online: Phải làm sao?

08/02/2022 - 06:24

PNO - Khi các con quay lại trường, bố mẹ hãy chia sẻ để con hiểu, giúp con thích nghi với việc quay lại học trực tiếp.

63 tỉnh, thành đã có kế hoạch đón học sinh trở lại trường

Cho đến thời điểm hiện tại, tất cả các địa phương trên cả nước đã có kế hoạch đón học sinh quay lại trường.

Tại Bến Tre, học sinh cấp trung học cơ sở, cấp trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên bắt đầu học trực tiếp từ ngày 7/2/2022. Học sinh tiểu học bắt đầu học trực tiếp từ 14/2. Trẻ mầm non bắt đầu học trực tiếp từ ngày 14/2 trên tinh thần đáp ứng nhu cầu và sự tự nguyện gửi trẻ của phụ huynh.

Tại Hà Nội, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 ở địa bàn có dịch COVID-19 ở cấp độ 1 và cấp độ 2 trở lại trường học trực tiếp từ ngày 8/2.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, theo quy trình xử lý được quy định tại hướng dẫn liên ngành của Sở GD-ĐT, Sở Y tế Hà Nội, khi phát hiện trường hợp học sinh là F0 tại lớp, giáo viên tạm dừng việc giảng dạy, tạm thời cách ly học sinh tại chỗ, báo cáo ban giám hiệu và triển khai các bước tiếp theo, trong đó có việc xác định các trường hợp tiếp xúc gần. Chỉ trường hợp F0 được đưa đi cách ly để điều trị, các trường hợp F1 thực hiện cách ly tại nhà. Vì vậy sẽ không đóng cửa trường học vì vài ca nhiễm.

Ngay sau Tết học sinh nhiều địa phương quay lại trường - Ảnh: Đại Minh
Ngay sau Tết học sinh nhiều địa phương quay lại trường - Ảnh: Đại Minh

Tại TPHCM, Sở GD-ĐT TPHCM đã thông báo kế hoạch chi tiết việc cho học sinh mầm non, tiểu học đi học trở lại sau Tết Nguyên đán. Theo đó, từ ngày 7/2, học sinh TPHCM từ lớp 7-12 tiếp tục trở lại trường học trực tiếp. Khối mầm non và các khối từ lớp 1 đến lớp 6 có thể đến trường trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ, người chăm sóc trẻ.

Tại Đà Nẵng, Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho biết căn cứ tình hình tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của học sinh đủ 12 tuổi trở lên, Sở GD-ĐT Đà Nẵng thống nhất cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 của các trường, trung tâm giáo dục học trực tiếp từ ngày 7/2.

Trẻ mầm non và học sinh lớp 1 đến lớp 6 tiếp tục học online và căn cứ hướng dẫn của các cấp cũng như tình hình thực tế, Sở GD-ĐT sẽ có thông báo sau.

Làm gì khi con ngại đến trường?

Chuẩn bị tâm lý cho các con trở lại trường, tất cả các giải pháp đều cần sự đồng hành cũng như lắng nghe của phụ huynh. Phụ huynh cần lên kế hoạch trở lại trường cho con, giúp con vững vàng về mặt tâm lý.

Kể từ khi nghe tin sau tết, học sinh khối lớp 7-12 sẽ đến trường học trực tiếp, chị Nguyễn Minh Anh (Hà Nội) mong từng ngày để con được đến trường cùng bạn bè. Trái với sự vui mừng của bố mẹ, con gái chị Ngọc Anh năm nay lớp 8 lại tỏ ra chán nản.

"Con nói thích học trực tuyến ở nhà hơn, vì rét mướt nên ngại dậy sớm đến trường, rồi nào là mặc đồng phục, nào là kiểm tra bài cũ... Nhưng tôi biết là con sợ lên lớp học trực tiếp, sợ bị cô rèn vào nền nếp, kỉ cương và phải học tập nghiêm túc”, chị Minh Anh chia sẻ.

Để chuẩn bị cho con quay lại trường, chị Minh Anh đã thay đổi lịch sinh hoạt của con, như gọi con dậy sớm hơn, động viên con tập thể dục buổi sáng để thân thể năng động, giúp con quen dần với nếp sinh hoạt mới, chú ý đến việc chuẩn bị tinh thần tốt nhất...

Những ngày này, vợ chồng anh Nguyễn Quang Hưng (Hà Nội) dành nhiều thời gian trò chuyện cùng cậu con trai lớp 7 để làm công tác tư tưởng, giúp con có hứng thú tới trường học.

Từ mùng 4 Tết, anh Hưng cùng con dậy lúc 6g15 để ăn sáng, tập thể dục, làm quen dần với nhịp sinh hoạt khi phải đi học, giúp con không “ngại” khi dậy sớm đến trường học trực tiếp.

Theo thạc sĩ Lê Thị Loan - nguyên Phó trưởng khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục), sau mấy tháng dài học trực tuyến, đương nhiên trẻ sẽ thay đổi về thói quen cũng như hành vi ứng xử, khiến cha mẹ lo lắng.  

"Để trẻ thích nghi sớm bố mẹ hãy gần gũi, chia sẻ và trò chuyện cùng con để hiểu con, giúp con thích nghi với việc quay lại học trực tiếp.

Cùng với đó, bố mẹ nên đưa ra định hướng để giúp con dần thay đổi và biết cách cư xử phù hợp hơn với bạn bè, thầy cô khi tới trường. Cha mẹ cần kiên trì, mỗi ngày một chút, trò chuyện với con về việc đến lớp con được làm gì, gặp lại bạn bè thầy cô như thế nào... tạo cảm giác con hứng thú cho con đến trường.

Phía nhà trường cũng cần lưu ý, lượng bài tập cũng như kiến thức giao cho các em đừng quá nặng, dễ khiến học sinh có tâm lý mệt mỏi, áp lực ngay ngày đầu quay lại trường”, thạc sĩ Lê Thị Loan cho hay.

Trở lại trường là ước muốn của nhiều đứa trẻ và nhiều cha mẹ, nhưng đó cũng là nỗi ám ảnh, lo lắng của những đứa trẻ không được chuẩn bị về tâm lý. 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, có rất nhiều việc phải làm khi học sinh quay lại trường học trực tiếp. Trong đó, cần phải cho học sinh làm quen trở lại với điều kiện học trực tiếp với một môi trường có các tương tác xã hội, có quan hệ với thầy cô và bạn bè.

Bộ GD-ĐT lưu ý đến việc làm sao tạo ra sự hứng thú trở lại trường đối với học sinh. Sẽ cần những hỗ trợ để các em làm quen trở lại với cách học, sự tương tác trực tiếp với thầy cô, với môi trường nhà trường, cần hỗ trợ về mặt tâm lý, sức khỏe, về các kĩ năng...

Thời lượng giảng dạy, lượng kiến thức cho các em những ngày đầu cũng chỉ vừa đủ, để tránh gây ra cảm giác căng thẳng, mệt mỏi và tâm lý ngại trở lại trường...

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI