Từ ngạc nhiên đến hào hứng
|
Học sinh lớp Mười hai A16 Trường THPT Phú Nhuận (TPHCM) học môn địa lý với sự hỗ trợ của các ứng dụng số - Ảnh: Trang Thư |
3 tuần nay, học sinh lớp Một A1 và Sáu A1 Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) đã có những giờ học toán, tiếng Anh và ngữ văn mới mẻ, với sự hỗ trợ từ thiết bị hiện đại trong phòng học thông minh. Lớp học không bố trí các dãy bàn như thông thường, các em ngồi quây tròn thành từng nhóm để có thể trao đổi, thảo luận về bài học. Đặc biệt ở lớp học này, máy tính bảng là công cụ không thể thiếu.
Ban đầu, học sinh lớp Sáu A1 rất tò mò, không thể hình dung được việc học ngữ văn với ứng dụng công nghệ, AI sẽ ra sao. Đến khi được công cụ thực tế ảo đưa vào thời gian, không gian của tác phẩm, các em đã đi từ ngạc nhiên đến hào hứng. Em Minh Châu chia sẻ: “Giờ học giúp chúng em có trải nghiệm về cuộc sống của thời kỳ, giai đoạn tác phẩm diễn ra. Em thấy hiểu biết của mình về bối cảnh lịch sử, văn hóa sâu hơn cách học thông thường”.
Với yêu cầu báo cáo về sự phân hóa tự nhiên của Việt Nam theo Bắc - Nam và độ cao, tiết học địa lý của học sinh lớp Mười hai A16 Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận, TPHCM) đã diễn ra vô cùng sôi nổi tại phòng học Google. Học sinh của lớp được chia thành nhiều nhóm, thay phiên nhau đứng trên bục giảng để cung cấp kiến thức cho các bạn ngồi dưới. Tuy nhiên, kiến thức của các em không đơn thuần bằng giấy viết hay sách giáo khoa mà là các sản phẩm đa dạng như album ảnh, video, tranh vẽ… với những chuyển động trình chiếu mượt mà, sinh động.
“Đây là thiên nhiên khu vực miền Bắc, đây là miền Trung, còn đây là miền Nam” - một học sinh vừa nói vừa rê thanh chỉ dẫn trên màn hình máy chiếu. Thanh chỉ dẫn đi đến đâu, vị trí của bản đồ trình chiếu cũng di chuyển đến đó. Nhờ đó, học sinh không chỉ hình dung được lượng mưa, nhiệt độ mà cả khoảng cách địa lý, địa hình của từng địa phương.
Em Trần Cường Thịnh - học sinh lớp Mười hai A16 - nói: “Em thấy như được “tiếp cận với thế giới” sau tiết học chuyển đổi số. Thay vì phải tưởng tượng hoặc nhìn tranh ảnh, em như được đặt chân tới các địa điểm khác nhau thông qua bản đồ 3D do các bạn tạo ra”.
Trực tiếp dạy học sinh, cô Lê Thị Hương - giáo viên địa lý Trường THPT Phú Nhuận - chia sẻ, thầy cô là người hướng dẫn, hỗ trợ để học sinh sử dụng các công cụ số một cách hiệu quả, nhưng tính sáng tạo của học sinh vẫn là chính. Học sinh vẫn phải tự làm ra sản phẩm của mình dựa trên các ứng dụng công nghệ liên quan đến nội dung môn học.
“Giá trị tiết học mang lại cho học sinh rất nhiều, không chỉ giúp các em tiếp cận với các ứng dụng công nghệ mà còn rèn luyện cho các em rất nhiều kỹ năng như sử dụng mạng xã hội, giao tiếp, khai thác thông tin...” - cô Hương cho hay.
Nhiều trường học khác tại TPHCM cũng đang ứng dụng AI trong các tiết học, như: Trường THCS Phan Sào Nam (quận 3), Trường THCS Tân Bình (quận Tân Bình), Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1)…
Nhiều lợi ích thiết thực
Coi AI như một môn học riêng biệt, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5, TPHCM) dạy các kỹ năng sử dụng AI cho toàn bộ học sinh khối Mười mỗi tuần 2 tiết. Nội dung môn học đi theo lộ trình từ cơ bản đến nâng cao. Bà Phạm Thị Bé Hiền - Hiệu trưởng nhà trường - thông tin, việc dạy AI cho học sinh đã được thực hiện từ nhiều năm nay.
Trong đó, học sinh lớp Mười sẽ được học chương trình cơ bản, khối Mười một và Mười hai sẽ được học chương trình nâng cao tùy theo nhu cầu. “Đa phần học sinh rất hào hứng với những tiết học về AI. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng theo kịp chương trình chuyên sâu, chỉ những em nào thực sự đam mê và có năng lực mới học được phần nâng cao” - bà nói.
Bà Phạm Thị Bé Hiền nhận định, AI đang phát triển rất nhanh chóng, mang lại nhiều giá trị nhưng nếu không hiểu đúng, học sinh có thể sử dụng AI không đúng mục đích. Đa phần học sinh phản ứng rất tích cực với những tiết học về AI vì nó liên quan đến công nghệ, có nhiều thứ mới mẻ, phù hợp với lứa tuổi và thời đại của các em.
Sau thời gian dài quan sát chuyển biến của học sinh, bà cho hay: “Nhờ được cung cấp những thông tin cơ bản về AI mà học sinh biết mình có muốn khám phá nhiều hơn lĩnh vực này hay không. Những trường hợp yêu thích sẽ tự biết cách nghiên cứu chuyên sâu, ứng dụng AI vào các đề tài nghiên cứu khoa học, làm ra những sản phẩm tốt, ấn tượng và hiện đại hơn”.
Là 1 trong 5 trường thí điểm mô hình giáo dục thông minh của TP Hà Nội, theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu - việc ứng dụng công nghệ và AI trong giảng dạy đã mang lại nhiều lợi ích: Các lớp học thông minh được kết nối với thư viện số thông minh, giúp học sinh có thể xem lại bài giảng trên lớp bằng các thiết bị như máy tính bảng, điện thoại di động, máy vi tính. Những tiết học không chỉ thu hút sự chú ý của học sinh mà còn tạo điều kiện cho các em phát triển tư duy, sáng tạo và khả năng hợp tác. Các em không chỉ học được kiến thức mà còn được tiếp cận với công nghệ tiên tiến, giúp mở rộng tầm nhìn và nâng cao kỹ năng trong thời đại số.
“Từ đó góp phần tạo nên thế hệ trẻ có thể đáp ứng được các kỹ năng của thế kỷ XXI cũng như nhu cầu nhân lực công nghệ cao cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” - bà nhấn mạnh.
Uông Ngọc - Trang Thư