Học làm… cha mẹ

04/09/2014 - 16:59

PNO - PN - Điều bất ngờ xảy ra ngay tại trung tâm TP.HCM là không ít ông bố, bà mẹ đã tự thú: “Chúng tôi không biết làm cha mẹ”. Đối với họ, việc giáo dục nhân cách, lối sống, chuyện hướng nghiệp, và cả kỹ năng nuôi con theo đúng...

edf40wrjww2tblPage:Content

Hoc lam… cha me

Bà Nguyễn Thị Bạch Quyên (đeo kính) tập huấn kỹ năng giao tiếp cho các ông bố, bà mẹ

Nuôi con kiểu... thả

Nhà chị Đỗ Thị Thanh Hằng (SN 1987, ngụ P.Trung Mỹ Tây, Q.12, TP.HCM) nằm cuối con hẻm nhỏ. Khi chúng tôi đến, bé Nguyễn Đỗ Kiều My (SN 2012, con chị Hằng) đang ôm khư khư bình bú… nước lọc. Chị Hằng cho biết, từ khi sinh ra My chưa từng được bú sữa mẹ: “Tôi bị bướu cổ, suy tim, thỉnh thoảng lại còn nổi những cục u mọng mủ dọc theo gân tay, chân”.

Không Internet, không sách báo, cũng không mấy khi gặp bác sĩ tư vấn dinh dưỡng, sức khỏe, chị Hằng nuôi con theo kiểu… tự nhiên! Chị là công nhân, khi thai được 5,5 tuần tuổi, chị có đi khám thai một lần. Bé sinh ra chưa tròn tháng thì bắt đầu bệnh. Có giai đoạn, My đi ngoài liên tục, một ngày hơn 20 lần, người cứ lả đi vì mệt.

Rồi bé nổi chàm, vùng mặt có những mụn đỏ vỡ ra và chảy nước, da bị bong tróc. Chị Hằng mua thuốc bôi, chàm hết rồi lại nổi, giờ gương mặt bé vẫn hằn những vết đỏ lấm chấm. Khi được năm, sáu tháng, bé My đã… ăn cơm. Chúng tôi giật mình, hỏi: “Cháu có răng sữa đâu mà ăn, ăn bằng cách nào?”. Chị cười: “Thì cứ đưa vô miệng tém qua tém lại rồi nuốt thôi”.

Từ khi sinh con đến nay, chị Hằng không đi làm được nữa. Nhà đang ở cũng là “ké”, không tốn tiền trọ, chỉ lo điện nước. Chồng chị làm thuê cho một trại heo ở H.Củ Chi, ngày hơn trăm ngàn tiền công. Chị nói: “Tính sơ sơ cơm nước, chợ búa là hết, không còn đâu lo cho con nữa. Con tôi càng lớn càng còi cọc”. Hỏi chuyện tiêm chủng, chị gãi đầu nói điều kiện không có nên từ lúc bé My chín tháng tuổi đến giờ thì không đi tiêm chủng nữa.

Mấy chị bên Hội Phụ nữ (PN) khu phố hay ghé qua thăm, tặng sữa, mì, vận động đi tiêm chủng, khám sức khỏe cho bé, nhưng rồi chị Hằng lần lữa mãi. Cách đây hai tháng, chỗ mấy đường gân tay, chân của chị mọc những cục u mọng mủ to, đau nhức quá không đi đứng gì được nên chị cứ thả bé My tự chơi, rồi ôm bình nước để bú. Bé đi ra đi vô cứ bị vấp té liên miên. “Không biết con tôi có bị suy dinh dưỡng?”, chị Hằng hỏi chúng tôi.

Suýt mất con mới giật mình

Khi chúng tôi tìm đến ngôi nhà của chị N.D.L., P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân thì câu chuyện về cô con gái 15 tuổi P.A. của chị toan tự tử vì giận ba mẹ đã trôi qua hơn ba tháng. Chị L. khóc òa: “Tôi không hiểu được con mình”.

Vợ chồng chị L. có hai con trai, và A. là con gái út, nên rất được cưng chiều. Anh là giám đốc một công ty sản xuất thức ăn gia súc, còn chị L. là kế toán cho công ty nước ngoài. Áp lực công việc cao nên ngày nào chị L. và chồng cũng mất hơn 14 tiếng ở công ty, mọi việc nhà phó mặc cho người giúp việc. Mỗi tuần, vợ chồng con cái chỉ ăn cơm tối cùng nhau vài lần. Các con được dạy tính “độc lập” từ nhỏ nên rất ít khi tâm sự, trao đổi.

Trước ngày xảy ra sự việc hai hôm, tình cờ, chị L. đọc được nhật ký của P.A., phát hiện con gái có người yêu, thường xuyên trốn học tiếng Anh, hẹn hò. Chị L. nhớ lại: “Lúc đó vừa đi làm về, đang mệt, nên đọc và xem hình ảnh con gái và cậu bé kia quá thân mật, tôi choáng. Nóng giận, tôi tát con hai cái”. Sau đó, chị L. méc với chồng và hai con trai lớn lỗi của P.A. Cô bé bỏ ăn, bỏ học một ngày và hôm sau uống thuốc ngủ tự tử. Rất may, anh trai bé A. phát hiện kịp, báo ba mẹ đưa em đi cấp cứu.

Chị L. ân hận: “Khi được các bác sĩ và chuyên gia tâm lý giải thích, tôi mới thấy rõ hành động của mình là sai lầm”.

Nhiều bậc phụ huynh vì hoàn cảnh khó khăn hoặc chủ quan trước những biến đổi tâm sinh lý của con cái nên ít quan tâm, đôi khi còn làm tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần các em. Hội LHPN TP.HCM đã có nhiều việc làm thiết thực giúp các bậc cha mẹ hiểu và biết cách dạy con. Gần đây nhất là chuỗi lớp tập huấn “Giáo dục kỹ năng cho các ông bố, bà mẹ” tại các Q.7, Q.Thủ Đức, Q.Bình Tân và Q.Tân Bình diễn ra từ đầu tháng 8/2014 đến nay.

Theo kế hoạch, hàng ngàn ông bố bà mẹ sẽ được học các lớp giáo dục về phòng tránh tai nạn, thương tích; về giao tiếp và kỹ năng tự nhận thức của trẻ. Nhiều thành viên thật thà: “Tại thấy tụi nó còn nhỏ xíu, có gì mà tâm sự”. Bà Nguyễn Thị Bạch Quyên, tuyên truyền viên của đề án “Giáo dục năm triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” mà Hội LHPN TP.HCM đang triển khai cho biết: “Chính sự thiếu kiến thức, kỹ năng của cha mẹ vô tình tạo khoảng cách, khiến con cái buồn phiền, cô đơn trong tổ ấm gia đình”.

Sau mỗi buổi tập huấn, nhiều phụ huynh “vỡ” ra biết bao điều trong nuôi dạy con. Chị Nguyễn Thị Bích Nga (ngụ KP.5, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức) chia sẻ: “Có hôm, con trai tôi đi học về trễ chừng một, hai tiếng đồng hồ, mặt mày chù ụ. Tôi bực mình nên la cháu một trận. Bữa sau, cháu tâm sự với tôi rằng, đang buồn mà bị mẹ mắng, cháu càng buồn thêm. Tôi mới giật mình, thì ra con ở tuổi nào cũng cần cha mẹ lắng nghe, chia sẻ...”.

 Mẫn Nhi - Hạnh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI