Hoãn sáp nhập vô thời hạn Uber vào Grab để làm rõ vấn đề độc quyền cạnh tranh

08/04/2018 - 17:38

PNO - Ngay ngày Uber chính thức dừng hoạt động sau thương vụ bán hoạt động tại ĐNÁ (8/4), cơ quan chức năng Philippines đã yêu cầu hoãn vụ sáp nhập Uber vào Grab vô thời hạn để làm rõ các chi tiết về độc quyền cạnh tranh.

Thương vụ Grab mua Uber đã bị đưa vào “tầm ngắm” tại một số quốc gia khu vực Đông Nam Á. Trước đó, ngày 6/4, Cục Cạnh tranh và tiêu dùng Singapore đã yêu cầu hoãn thương vụ sáp nhập giữa mảng hoạt động của Uber tại Singapore vào Grab. Cơ quan này yêu cầu Uber tiếp tục cung cấp dịch vụ tới 15/4 để đưa ra giải pháp phù hợp.

Sau Singapore, hôm nay đến lượt Cục cạnh tranh Philippines lên tiếng. Thông báo của cơ quan này là buộc Grab phải ngừng các động thái mua lại đối thủ cạnh tranh, cho tới khi cơ quan có thẩm quyền hoàn thành việc xem xét thương vụ. Trong thời gian này, ứng dụng Uber phải tiếp tục cung cấp dịch vụ riêng biệt với Grab, cho tới khi quá trình khảo sát hoàn tất.

Hoan sap nhap vo thoi han Uber vao Grab de lam ro van de doc quyen canh tranh
Ngày 26/3, Grab thông báo chính thức mua lại hoạt động của Uber tại khu vực Đông Nam Á.

Phía Grab kiến nghị, rằng vẫn còn rất nhiều lựa chọn vận tải, và những đối thủ cạnh tranh mới vẫn có thể tham gia thị trường ứng dụng gọi xe Philippines. Tuy nhiên, nhiều khả năng Grab sẽ nắm 80% thị trường này nếu thương vụ được thông qua. Hiện Grab chưa đưa ra bình luận nào liên quan đến yêu cầu từ Cục cạnh tranh Philippines.

Tại Việt Nam, ngày 27/3, Cục Quản lý Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đã có công văn số 190 gửi công ty Grab Taxi yêu cầu cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến việc Grab mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam.

Theo quy định của Bộ Công thương, trước ngày 3/4, Grab phải phối hợp cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến việc mua lại Uber của Grab và Hợp đồng Grab mua lại Uber Đông Nam Á.

Tuy nhiên, đến ngày 5/4 Cục Quản lý Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng mới nhận được văn bản trả lời của Grab. Theo đó, GrabTaxi cho rằng thị phần kết hợp của Grab và Uber trên thị trường liên quan tại Việt Nam được xác định thấp hơn 30%. Do đó, Grab hiểu rằng các bên tham gia giao dịch không phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành và hoàn tất giao dịch tại Việt Nam.

Hoan sap nhap vo thoi han Uber vao Grab de lam ro van de doc quyen canh tranh
Thương vụ Grab mua lại Uber gây rất nhiều chú ý trong thời gian gần đây.

Ngày 6/4, Cục Quản lý Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã có buổi làm việc với đại diện hợp pháp của GrabTaxi. Tại buổi làm việc, GrabTaxi chưa đưa ra được các căn cứ cụ thể để chứng minh cho nhận định của mình về thị phần trên thị trường liên quan nêu tại văn bản của GrabTaxi.

Do vậy, Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã khuyến nghị công ty cung cấp các căn cứ này, đồng thời đánh giá kỹ thị phần kết hợp của Grab và Uber trên thị trường liên quan để bảo đảm tuân thủ các quy định về tập trung kinh tế của pháp luật cạnh tranh trước khi tiến hành giao dịch trên thị trường Việt Nam.

Theo quy định của Luật Cạnh tranh, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan mà không thông báo cho cơ quan cạnh tranh trước khi thực hiện, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm.

Nếu vượt quá 50% thì giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã thông báo cụ thể tới Grab các thông tin này để Grab cân nhắc.

Minh Khánh (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI