PNO - Hàng triệu trái tim đã yêu H’Hen Niê trên khắp sàn diễn, sân khấu lớn, nhỏ. Nay tình yêu ấy lại lớn thêm khi cô gái từ buôn làng đã “bỏ quên” danh xưng hoa hậu để chia sớt nỗi đau, khó khăn của cộng đồng trong những ngày gian nan này.
Từ khi dịch bệnh bùng phát, H’Hen Niê thường dậy sớm tập thể dục, ăn sáng, tưới cây, dọn dẹp nhà cửa. Khoảng tám giờ, chị sẽ đến nơi làm tình nguyện.
“Tôi thường đăng ký làm một ca, khoảng 15 giờ sẽ về, không ăn trưa tại điểm làm, không đi vệ sinh để tránh tháo khẩu trang, đồ bảo hộ. Về nhà, tôi tắm rửa, khử khuẩn thật sạch rồi mới ăn uống, tiếp tục làm việc. Chúng tôi thường xuyên đeo khẩu trang, đổ mồ hôi rất nhiều nên không thể dùng kem chống nắng. Da mặt, da tay tôi sạm đi vì ngày nào cũng ở ngoài nắng nhưng không sao…”, chị tâm sự.
Sài Gòn những ngày vắng lặng, những chuyến đi của H’Hen Niê cũng chất chứa nhiều nỗi niềm, có lúc nước mắt đã rơi. Chị nghĩ nhiều về những phận đời đang cố gắng vượt gian nan trong dịch bệnh. Bởi thế, bất kỳ nơi đâu cần, chị đều sẵn sàng có mặt.
Nếu không đi tình nguyện, tôi thấy có lỗi
Phóng viên: Việc chọn ra đường trong thời điểm này hẳn là quyết định không mấy dễ dàng?
Hoa hậu H’Hen Niê: Ban đầu tôi hơi lo lắng bởi lỡ không may sẽ ảnh hưởng đến những người xung quanh, nhưng cuối cùng tôi vẫn quyết định đi. Tôi đến thăm, làm việc tại bệnh viện dã chiến. Thành viên trong đoàn chỉ dẫn, hỗ trợ rất nhiệt tình để tôi bảo vệ bản thân.
Sau đó, đoàn thông báo sẽ đi điều phối người tiêm vắc-xin ở Nhà thi đấu Phú Thọ - nơi tập trung đông, lại phải mặc đồ bảo hộ cả ngày nên tôi chưa dám đăng ký. Thế nhưng thấy mọi người hăng hái, tôi cũng đi theo. Đến khi đội tình nguyện chuyển sang đi lấy mẫu, tôi vẫn chưa mạnh dạn ghi tên. Nhưng rồi thấy thời gian ở nhà hơi lãng phí, tôi lại lên đường. Cứ thế, tôi đi mãi đến nay, làm đủ việc: khuân vác, giao hàng, đi siêu thị giúp người dân... Có đi mới thấy nhân lực phục vụ phòng, chống dịch rất thiếu. Tôi chỉ mong góp được một phần nhỏ giúp y, bác sĩ đỡ áp lực, chuyên tâm điều trị cho bệnh nhân, giúp mọi người bớt khó khăn và ở yên trong nhà.
* Trông chị khá tháo vát, hay chia sẻ những điều tích cực. Tuy nhiên, không hành trình nào không có khó khăn...
- Việc đi siêu thị giúp người dân là đáng nhớ nhất. Môi trường tương đối an toàn nhưng mua hàng giúp người khác lại rất khó. Ngày đầu tiên, tôi chỉ soạn được hai đơn hàng. Một món hàng có rất nhiều thương hiệu, mỗi sản phẩm lại có mã riêng, phải dò đúng theo mã khách hàng đã đặt. Chữ số rất nhỏ, có lúc tôi nhìn không ra. Tôi bị choáng, nhiều khi cứ đờ người đứng trước một kệ hàng có quá nhiều loại tương đối giống nhau. Thứ nữa là tôi phải làm quen với các phân khu sản phẩm, để từ đó nhìn vào đơn hàng mà sắp xếp đường đi hợp lý. Thứ ba, những ngày này hàng hóa trong siêu thị thường không có đủ theo yêu cầu. Vì thế, khi có những sản phẩm tương tự nhưng giá chênh lệch chỉ 1.000 hoặc 500 đồng, tôi đều phải gọi xác nhận lại, xem khách có đồng ý mua hay không.
Nếu với các hoạt động khác, tôi tự tin di chuyển, thay đổi địa điểm làm việc thì việc đi siêu thị dùm, tôi chỉ đăng ký cố định một nơi (cười). Có hôm tôi về nhà, khách hàng lại gọi vào máy, hỏi họ có thể thêm hoặc đổi món hàng này hay không. Có người còn giới thiệu cho người thân, bạn bè liên hệ tôi để mua hàng.
Khi gọi cho khách hàng, tôi chỉ xưng là tình nguyện viên, cũng cố gắng nói giọng khác đi để mọi người không nhận ra. Tôi thường kết bạn Zalo với họ để tiện trao đổi. Khi phát hiện ra đây là H’Hen Niê, ai nấy đều bất ngờ, cảm ơn rối rít khiến tôi cũng vui.
H’Hen Niê làm công tác điều phối người đi tiêm vắc-xin ở Nhà thi đấu Phú Thọ |
* Hình ảnh chị chạy xe máy giao hàng cũng nhanh chóng “gây bão” trên mạng xã hội. Họ không còn thấy một hoa hậu trong đó...
- Việc vận chuyển hàng hóa trong giai đoạn này có phần khó khăn hơn trước. Trước kia, số lượng tình nguyện viên bốc vác nhiều nhưng nay có sự giới hạn nhất định để đảm bảo an toàn. Thành viên đội tình nguyện phải được xét nghiệm COVID-19 thường xuyên. Vì thế, tôi sẵn sàng để mọi người sử dụng ô tô của tôi vận chuyển hàng.
Có những lúc tôi bốc vác hàng hóa liên tục từ 9 giờ sáng đến 15 giờ, xong việc thì đói run. Có hôm, tôi bốc khoảng 1,5 tấn gạo, nước ngọt và khoảng 10 thùng nước mắm. Đó là trải nghiệm có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được. Ngày trước ở quê, tôi thường bốc cà phê cho gia đình. Khi đến TP.HCM đi làm người mẫu, vật nặng nhất tôi từng phải xách là va-li quần áo, giày dép. Chiều hôm đó, tôi được cho một tô cơm với vài con khô mà thấy ngon vô cùng, ăn xong lại lên đường đi phát quà từ thiện đến 23 giờ.
Có nơi, xe giao hàng của chúng tôi chỉ tập kết hàng được ở đầu đường lớn, sau đó phải chạy xe máy đến từng nhà. Tôi cũng kiêm luôn nhiệm vụ dắt, rào, trông xe. Có lúc, tôi nghĩ trong tôi là một người đàn ông, thật khó để tưởng tượng… (cười lớn).
* Nhưng sức khỏe mỗi người đều có giới hạn. Có lúc nào chị thấy vượt ngưỡng chịu đựng và muốn dừng lại?
- Tôi chăm sóc bản thân rất kỹ, thường xuyên tập luyện, ăn uống đủ chất nên chưa bao giờ rơi vào trạng thái mệt mỏi. Điều lạ là càng đi tôi lại càng thấy khỏe. Mỗi ngày đi lấy hàng hoặc điều phối, tôi đi bộ khoảng 8 - 10km. Tôi nghĩ đây cũng là cơ hội rèn luyện sức bền... Có những đồng đội của tôi khi tháo đồ bảo hộ, cả người ướt sũng, thậm chí có người không còn sức lực, bị ngất. Tôi thương vô cùng nhưng đâu thể ôm nhau, cứ ước giá như tôi có thể làm nhiều hơn để hỗ trợ họ.
H’Hen Niê đi siêu thị giúp người dân |
* Tính mạng con người thật mong manh trong đại dịch. Hẳn có nhiều khoảnh khắc khiến chị xúc động?
- Hình ảnh những cụ già khiến tôi thấy thương, xen lẫn ám ảnh. Vì thế, khi đón họ lấy mẫu, tiêm vắc-xin, tôi rất cẩn thận, nhắc họ từng chút một về 5K. Nơi họ đứng và đi qua, tôi đều xịt khử khuẩn rất cẩn thận vì nghĩ nếu không may họ va phải F0 thì sẽ rất nguy hiểm.
Nhìn họ, tôi thấy hình ảnh ông bà mình. Họ có thể đã trải qua rất nhiều gian truân, nay lại phải sống trong giai đoạn đầy thử thách. Tôi chỉ mong họ bình an để lần nữa vượt gian nan trong đời, sống vui vẻ quãng đời còn lại. Đôi lần nhìn những cụ già ở các xóm nghèo, tôi rớt nước mắt nhưng phải lau vội vì công việc còn phía trước.
* Trước mỗi chuyến đi chị đều háo hức, hẳn điều này khiến nhiều người thấy lạ bởi áp lực, nỗi sợ không hề nhỏ.
- Tôi nghĩ đây là trách nhiệm của công dân với đất nước. Trong quá khứ, ông cha chúng ta đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh. Nay, việc làm của chúng tôi chỉ là một phần nhỏ bé nếu so với điều đó. Chúng ta đang ở trong một trận chiến khá khốc liệt mà kẻ thù không biết đang lẩn khuất nơi đâu. Tôi thấy đi làm tình nguyện viên là sự lựa chọn đúng đắn của bản thân.
TP.HCM là nơi đã thay đổi cuộc đời tôi. Tôi cần phải làm điều gì đó, dù nhỏ, để đóng góp cho nơi này bằng chính sức lực của mình, bên cạnh những đóng góp vật chất trước đó. Trong những lần đi tình nguyện, tôi thường ước giá như ngày đó tôi học giỏi hơn để trở thành bác sĩ thì bây giờ đã có thể trực tiếp cứu chữa cho nhiều người.
H’Hen Niê làm shipper giao hàng cho người dân |
Có gì để buồn!
* Nhiều người khen chị những ngày qua nhưng cũng có người không hài lòng vì “hoa hậu trông nhếch nhác quá”. Điều đó có khiến chị buồn?
- Tôi không buồn, ngược lại ngày nào cũng thấy vui, thấy mình có ích. Cũng có người bảo từng thích tôi nhưng nay tôi làm hình ảnh, quảng bá như thế là quá sai lầm. Tôi không đáp trả, vẫn cứ làm những điều tôi cho là đúng và cần thiết. Song, tôi cũng biết giận đấy nhé (cười).
Nếu tôi đi sự kiện, có chuẩn bị kỹ càng nhưng vẫn bị chê, tôi sẽ hơi tủi thân vì mình chưa làm tốt. Còn với hoạt động cộng đồng, tôi cần ăn mặc thoải mái, dễ hoạt động, gần gũi với mọi người.
Thật khó để một người xa lạ có thể thấu hiểu mình. Còn những ai vốn không thích mình, thật khó để họ thấy hài lòng. Họ là những giám khảo khó tính nhất. Tôi cũng học được nhiều điều từ sự mỉa mai, bực dọc của họ để ngày càng hoàn thiện hơn; chẳng hạn trong đợt tình nguyện này, tôi kỹ càng đến từng chi tiết để không xảy ra điều gì không hay.
* Có vẻ lòng tin là điều khó thể có được, chị có nghĩ thế không?
- Tôi vẫn nhớ câu nói của ca sĩ Mỹ Tâm, đại ý, nếu nói những người đi làm từ thiện để đánh bóng bản thân cũng được, vẫn hơn người không làm. Vì thế, dù ai nói gì, miễn tâm chúng ta vững là được.
* Không chỉ vẻ ngoài, con đường chị đi dường như đang vẽ lại hình ảnh hoa hậu trong mắt công chúng.
- Một chị đang hoạt động ở Trung ương Đoàn thường xuyên theo dõi hành trình của tôi đã nhắn cho tôi một tin rất dài, bảo chị ủng hộ những điều tôi làm, vì chúng có tác động tích cực đến người trẻ và những hoa hậu sau này. Đọc xong, tôi đơ người, khóc ngon lành. Tôi không dám nhận nhưng chị vẫn khẳng định, tin như thế.
Lúc làm, tôi hết mình, không suy nghĩ gì cả. Tôi tin ai cũng có trái tim yêu thương, tâm tư dành cho xã hội nhưng cách thể hiện của mỗi người mỗi khác. Làm hoạt động cộng đồng, người nhận vui một nhưng người làm vui đến mười. Không riêng tôi, thời gian qua cũng có rất nhiều cá nhân hoạt động tích cực. Khi họ đứng ra kêu gọi, rất nhiều người sẵn lòng tham gia, trong khi không phải ai cũng giàu có, dư dả. Người Việt luôn yêu thương, đùm bọc nhau. Đó là tài sản quý giá mà tôi luôn tự hào.
H’Hen Niê livestream bán rau củ cho nông dân Đồng Tháp, thu về 300 triệu đồng trong một đêm |
Vẫn là chính mình
* Nhiều người đã nghiệm ra những điều ý nghĩa làm hành trang bước tiếp sau đại dịch. Riêng chị, đó là gì?
- Tôi mua bảo hiểm cho tôi và cả gia đình. Tôi sống tiết kiệm hơn. Từ khi dịch bùng phát vào năm ngoái, tôi luôn có suy tính cho tương lai. Thu nhập từ hợp đồng quảng cáo, tôi chia thành từng khoản nhỏ, trong đó có khoảng 10% dành cho hoạt động thiện nguyện.
Tôi cũng gửi tiền về cho gia đình để đầu tư. Tuổi này, tôi không chỉ sống cho bản thân mà còn cho gia đình dẫu trước đây tôi cũng không có nhiều cơ hội sống cho mình. Gia đình tôi đông anh em nhưng không được đi học đến nơi đến chốn. Vì thế, tôi luôn nghĩ mình có trách nhiệm giúp đỡ người thân có được vốn làm ăn, có cuộc sống tốt hơn.
"Tôi tin xuất thân, nền tảng giáo dục của một người sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến lối sống. Có những người rất thông minh, nhanh nhạy, bước ra xã hội biết làm rất nhiều việc cho mọi người. Còn với tôi, đó là nhờ lớn lên từ buôn làng, nơi các hoạt động cộng đồng, tính đoàn kết không thể tách rời cuộc sống. Từ đầu làng đến cuối làng, mọi người đều biết nhau, sống luôn nghĩ đến nhau. Khi đến TP.HCM, tôi từng bất ngờ vì hàng xóm không biết nhau. Hoạt động thiện nguyện cho tôi cảm giác như được sống trong buôn làng mình." Hoa hậu H’Hen Niê |
Ngoài ra, còn hai vấn đề khác cần được quan tâm: sức khỏe thể chất và tinh thần. Sức khỏe tốt mới có thể làm việc tốt. Bây giờ, ăn gì tôi cũng suy nghĩ xem liệu có tốt cho sức khỏe không. Tôi cũng không thức khuya như trước. Tôi chỉ đi làm, về nhà, cố gắng nghỉ ngơi đúng giờ; khi có thời gian rảnh thì xem phim, nghe nhạc, học đàn. Chất lượng cuộc sống thay đổi rõ rệt.
Trước mắt, sau khi cuộc sống ổn định trở lại, tôi sẽ… ăn ngay một tô hủ tíu gõ, một tô bún bò và “bay” về quê. Tôi nhớ nhà lắm rồi!
* Ngần ấy năm, chị vẫn như ngày nào. Sự tự do, chân chất trong tâm hồn dường như chưa bao giờ thay đổi.
- Thời gian đầu sau đăng quang, tôi và ê-kíp lắng nghe rất nhiều từ dư luận để điều chỉnh. Trong đó có nhiều ý kiến quý báu, chẳng hạn việc phát âm, cách nói chuyện của tôi được cải thiện rất nhiều. Tôi luôn xem công chúng trên mạng xã hội như gia đình nên không ngại chia sẻ những điều thật, gần gũi nhất về mình.
Chuyện ăn mặc, trang điểm có thể thay đổi nhưng có những điều cố hữu trong người không thể thay đổi. Chẳng hạn, tôi thoải mái trò chuyện, bày tỏ suy nghĩ, không buộc bản thân phải theo quy chuẩn “ăn nhẹ, nói khẽ, cười duyên”. Nhiều anh chị, cô chú thương tôi hay nhắn tin dặn dò nhưng tôi không làm theo hết được, đôi khi tôi thấy quá sức. Ngay cả khi người khác chê tôi xấu nhưng tôi thấy mình thoải mái, tự do là được.
* Những gì khán giả quan sát được qua các vlog, mạng xã hội phản ánh chân thực bao nhiêu phần trăm cuộc sống của chị?
- Đó là những gì thật nhất. Trên hình, có vẻ tôi đã đẹp hơn, trong khi thường ngày trông rất “thảm”. Tôi vẫn thích ăn cơm với cá khô, cà đắng, ớt; vẫn thích được nằm dưới sàn nhà, ngồi bẹp xuống đất, xài đồ bình dân. Nếu không là hoa hậu, tôi ước sẽ có làn da thật đẹp như chị Hoàng Yến, Hoàng My hoặc Khánh Vân. Khi đó, tôi chỉ cần kẻ chân mày, tô son một chút sẽ trông ổn. Bây giờ, mỗi khi trang điểm, tôi phải dùng nhiều kem nền, tạo khối... Những lúc tẩy trang xong, tôi thấy người nhẹ nhõm vô cùng. Tôi không có quá nhiều đồ trang điểm đâu, vì cả năm, số lần tôi tự làm đẹp đếm trên đầu ngón tay.
H’Hen Niê đi lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở các hẻm nhỏ |
* Khi dịch bệnh qua đi, chắc chắn sẽ có nhiều niềm hy vọng mới?
- Theo dự kiến, phim điện ảnh 578: Phát đạn của kẻ điên do tôi đóng vai chính sẽ ra mắt ngày 13/8 tới đây nhưng vì dịch nên hoãn. Đây là một trải nghiệm thú vị, đáng nhớ. Tôi thích đóng những cảnh hành động, mạo hiểm vì hợp với cá tính mạnh mẽ của tôi. Có những cảnh tôi bị đánh rất đau nhưng rất sướng.
Nhiều khán giả đã bày tỏ sự kỳ vọng của họ vào vai diễn này. Tôi chưa biết phản ứng của mọi người ra sao nhưng đây mới là bước khởi đầu. Tôi mong từ đây sẽ tiếp tục uốn nắn, điều chỉnh để bản thân tốt hơn trong chặng đường phía trước. Nhiều anh chị diễn viên thành danh hiện tại đều có quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ. Đó là bài học cho tôi. Ngoài ra, tôi cũng lên kế hoạch sản xuất một số sản phẩm phát trên YouTube. Giờ tôi chưa thể chia sẻ nhiều nhưng chắc chắn chúng đều có giá trị cho cộng đồng, giới trẻ.
* Việc bước đi một mình hẳn sẽ nhiều thử thách. Chị đã chuẩn bị kỹ lưỡng chứ?
- Ngày trước có công ty quản lý hỗ trợ nên tôi không cần làm quá nhiều việc. Nay tôi tự thân vận động nên khá vất vả. Tôi thường bị rối khi có nhiều việc dồn cần xử lý trong thời gian ngắn, bởi tính tôi thích suy nghĩ đơn giản. Tuy nhiên, thời gian qua, tôi làm quen dần, thường chia theo thứ tự ưu tiên để giải quyết.
Đôi lúc tôi cũng gặp áp lực nhưng tôi xem đây là cơ hội để tự học, trưởng thành. Ai cũng chỉ có một thời tuổi trẻ để được thử thách bản thân, trải nghiệm. Hiện tôi đang trong giai đoạn hoàn thiện ê-kíp để hỗ trợ tôi trong tương lai. Tôi thích sự tự do và thích những việc mình làm đều phải có dấu ấn cá nhân.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
Thành Lâm (thực hiện) Ảnh: Milor Trần, Hoàng Phúc, Michael Neo..
|
|
|
|
|
|
Chia sẻ bài viết: |
Bộ phim năm 1999 trở nên kinh điển khi mô tả cách nhiều công dân Mỹ vật vã với áp lực công việc không lối thoát.
Sau thời kỳ “nở rộ”, các phòng tranh (gallery mỹ thuật) đang gặp nhiều khó khăn khi nhu cầu của thị trường thay đổi.
Không đứng ngoài xu thế chung, sách đã và đang được một số tác giả, đơn vị làm sách giới thiệu và bán qua hình thức live stream.
Nhiều chương trình đặc sắc chủ đề Hà Nội sẽ phủ sóng màn ảnh VTV trong tháng 10 tới.
Diễn viên Park Ji Ah đột ngột qua đời ở tuổi 52 khiến nhiều người bất ngờ.
Lê Hoàng Nghi giành danh hiệu "Chuông vàng vọng cổ 2024" ở tuổi 21.
Vào hẻm chợ Ông Hoàng, hỏi nơi ở của “bà Út bán báo”, hầu như ai cũng biết rồi chỉ dẫn tận tình.
Hàm chứa vẻ đẹp của sự biểu cảm, những bức ảnh của Phạm Văn Vũ luôn khiến người xem dừng lại thật lâu để ngắm...
Ai đó sẽ yêu tôi thật nhiều - Someone would love me for me (Nhà xuất bản Thế giới, 2024) là tuyển tập 100 bài thơ song ngữ Việt - Anh ...
Sáng 28/9, lễ ký tặng sách “Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại” tại Paris đã khép lại hành trình của đoàn Hội quán Các bà mẹ TPHCM.
Công trình “Đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ” đoạt giải thưởng Trần Văn Giàu năm 2024.
Tối 28/9, đoàn 2 - nhà hát cải lương Trần Hữu Trang sẽ tái diễn vở cải lương mang màu sắc liêu trai Truyền thuyết hồ đoạt mệnh.
Bữa đó Trà không tới xưởng. Nắng chan khắp cánh đồng thứ mật vàng lóng lánh. Trà thấy nắng rọi xuyên mấy tàu lá dừa trên bờ đê như hấp háy cười.
Sài Gòn có "hợp chủng quốc" các loại quán ăn phục vụ bạn tùy theo túi tiền bạn. Quán nào thì khách đó.
Đó là chia sẻ của ông Trịnh Hữu Anh - Trưởng phòng Xuất bản, In và Phát hành, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, tại buổi gặp gỡ báo chí.
Đó là một trong những mục tiêu của chương trình Xúc tiến Du lịch - Điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ do Bộ VH-TT&DL tổ chức tại Mỹ.
Ngày càng nhiều cá nhân, đơn vị làm việc trong ngành may mặcn quan tâm đến thời trang xanh.
Sở đã phối hợp với các cơ quan có liên quan làm việc, kiến nghị xử lý một số trường hợp, nhưng xử lý triệt để vẫn cần nhiều giải pháp.